Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau: 100% dân số được tiếp cận chương trình chống Lao

Việt Dũng - 14:45 26/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, chương trình chống Lao của Cà Mau đã được triển khai rất hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi bệnh trên 95% trường hợp mắc. Theo thống kê từ chương trình chống Lao của tỉnh, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm (khoảng 5-6%), số người tử vong vì bệnh Lao giảm nhanh hơn.

Chữa khỏi trên 95% trường hợp mắc mới

Cà Mau có kết quả điều trị Lao được đánh giá cao với việc phát hiện sớm tất cả các thể Lao, cung cấp dịch vụ điều trị cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị Lao tiềm ẩn. Hàng năm, tỉnh phát hiện và điều trị cho hơn 1.500 người mắc Lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 95% trường hợp mắc mới. Hiện chương trình chống Lao vẫn được duy trì mục tiêu triển khai công tác chống Lao tại 100% huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ dân số được tiếp cận chương trình chống Lao đạt 100%.

Bác sĩ Nguyễn Hồ, Trưởng trạm Y tế xã Trần Thới, huyện Cái Nước cho biết: Trên địa bàn xã có một số bệnh nhân nhiễm Lao, nhưng khi vận động lên tuyến trên để làm các xét nghiệm cận lâm sàng, nhằm theo dõi diễn biến của căn bệnh, thì người bệnh lại không hợp tác, luôn tìm cách để thoái thác. Thực tế cho thấy, phần lớn những trường hợp bị mắc bệnh Lao là đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người lao động tự do… nên nhiều người mắc bệnh Lao thường được phát hiện trễ do không đến bệnh viện để làm các xét nghiệm lâm sàng kiểm tra kịp thời. Khi biết bị Lao thì đã đến lúc bệnh nhân mắc thêm nhiều chứng bệnh khác như: Tiểu đường, gan, phổi… làm cho diễn tiến của căn bệnh càng nặng thêm, khiến cho công tác điều trị theo phác đồ khó khăn, người bệnh bình phục chậm.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi - Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau: “Những lo lắng và suy nghĩ của bệnh nhân khi biết tin mình mắc bệnh Lao đều như nhau. Đó là hoang mang, lo sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ tư vấn, giải thích, họ dần ổn định tâm lý và hợp tác tốt để được điều trị”. Cũng theo bác sĩ Sơn, những bệnh nhân mắc Lao kèm theo suy thận, nhiễm HIV thì việc điều trị là vô cùng khó khăn, gánh nặng kinh tế rất lớn. Vì khi đó, chi phí thuốc ngoài danh mục bảo hiểm sẽ là rất tốn kém.

Anh Trần Hoàng A, ở ấp Mỹ Tân, xã Trần Thới, huyện Cái Nước (một bệnh nhân còn trẻ, làm công nhân khu công nghiệp tại Bình Dương) là trường hợp điển hình. Khi A phát hiện mình bị mắc bệnh Lao và điều trị không dứt điểm. Thời gian này, khi đi tầm soát Lao, vợ và con anh cũng mắc bệnh. Anh tâm sự: "Trước đây, tôi làm công nhân ở khu công nghiệp, do đồng lương ít ỏi, cộng với gia đình khó khăn nên không thể nghỉ việc để chữa trị dài ngày. Tôi điều trị tại nhà và kết quả là vợ con tôi bị lây bệnh. Giờ hối hận đã muộn. Tôi sẽ cố gắng chữa trị nhanh khỏi để còn lo cho vợ con".

Ngoài những nỗi lo về sự lây lan căn bệnh Lao trong cộng đồng, thì vẫn còn đó một nỗi lo khác, đó là tình trạng kháng thuốc chống Lao ngày càng phổ biến. Thậm chí có không ít trường hợp chỉ mới phát hiện Lao lần đầu, nhưng lại bị lao kháng thuốc. Điều đó cho thấy, việc quản lý, tuyên truyền vận động để người bị mắc bệnh Lao có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân, tránh lây lan cho người thân, cộng đồng vẫn chưa thật sự có hiệu quả.

Bệnh nhân đến khám tại Khoa Lao, Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau. Ảnh Đặng Duẩn

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm:“Mạng lưới chống Lao tại Cà Mau đang được tiếp tục mở rộng và củng cố. Chương trình chống Lao tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các phòng khám đa khoa và các bệnh viện tư. Chương trình đã mở rộng diện tầm soát Lao đa kháng thuốc tới nhóm bệnh nhân Lao phổi AFB (+). Triển khai thành công tầm soát Lao chủ động trong cộng đồng (Dự án ACT3), đã kết thúc giai đoạn thu thập số liệu trên thực địa vào tháng 2/2018. Dự án đã tầm soát và phát hiện sớm lao khoảng 15% bệnh nhân thu nhận trong toàn tỉnh”.  

ACT3 là dự án nghiên cứu sàng lọc được triển khai theo phương pháp thử nghiệm phân bổ ngẫu nhiên theo nhóm. Theo đó, có 60 ấp được lựa chọn. Từ đó, nghiên cứu sẽ tiến hành so sánh số người được chẩn đoán mắc Lao trong mỗi nhóm. Dự án ACT3 được tiến hành trong 5 năm, sử dụng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF trong việc giảm tỷ lệ mắc Lao tại tỉnh Cà Mau dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Y học và nghiên cứu Y khoa quốc gia Úc.

Nhằm đánh giá hiệu quả và an toàn trong việc chẩn đoán và điều trị Lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện số ca mắc bệnh Lao trong việc làm tỷ lệ mắc Lao trong cộng đồng, vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương và Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock phối hợp với Sở Y tế Cà Mau tổ chức hội thảo khởi động Dự án ACT5 tại tỉnh Cà Mau. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Dự án ACT3 đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh Lao và tiến tới giảm tỷ lệ lây nhiễm Lao trong cộng đồng tại tỉnh Cà Mau. Theo đánh giá, tỷ lệ mắc Lao ở nhóm can thiệp giảm 44% khi Dự án ACT3 được triển khai và kết thúc.

Tiếp tục triển khai Dự án đánh giá hiệu quả và an toàn mô hình chẩn đoán và điều trị phổ cập Lao tiềm ẩn

Sau thành công của Dự án ACT3, Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện Dự án đánh giá tính hiệu quả và an toàn của mô hình chẩn đoán và điều trị phổ cập Lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện chủ động các ca bệnh Lao trong việc làm giảm tỷ lệ mắc Lao trong cộng đồng (Dự án ACT5).

Theo đó, dự án ACT5 triển khai giai đoạn can thiệp từ 5/2022-6/2024, sẽ có 208 ấp của Cà Mau được lựa chọn ngẫu nhiên vào 2 nhóm: Nhóm can thiệp và nhóm chứng. Trong đó nhóm can thiệp sẽ có 104 khóm/ấp được chọn sàng lọc và điều trị Lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện ca Lao hoạt động trong cộng đồng. Tại nhóm can thiệp sẽ tiến hành 2 giai đoạn bao gồm giai đoạn can thiệp với việc chẩn đoán và điều trị Lao tiềm ẩn, kết hợp sàng lọc Lao hoạt động cho người dân từ 5 tuổi trở lên. Sau đấy là giai đoạn đánh giá để đánh giá tỷ lệ mắc Lao hoạt động ở người lớn và tỷ lệ nhiễm Lao tiềm ẩn ở trẻ em. Đối với nhóm chứng sẽ không can thiệp mà chỉ thực hiện đánh giá.

Giai đoạn đánh giá từ 1/2024-6/2025, dự án sẽ được triển khai ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối tượng gồm toàn bộ người dân từ 15 tuổi trở lên đang sinh sống tại 208 khóm, ấp (trong đó có 104 khóm, ấp giai đoạn can thiệp). Dự kiến, 156.000 dân được sàng lọc Lao hoạt động; 78.000 dân được sàng lọc Lao tiềm ẩn và có 16.000 dân được điều trị Lao tiềm ẩn.

Dự án ACT5 phổ cập chẩn đoán và điều trị Lao tiềm ẩn là dự án được phối hợp bởi Chương trình chống lao Quốc gia và tỉnh Cà Mau, Dự án này được tài trợ từ nguồn quỹ của Chính phủ Úc, đây là dự án trọng điểm được đánh giá sẽ góp phần trong việc xây dựng chiến lược phòng chống Lao Quốc gia của tỉnh Cà Mau.

Dự án ACT5 dự kiến với ngân sách hơn 85 tỷ đồng, sẽ được triển khai tại tỉnh Cà Mau từ năm 2022- 2025. Dự kiến có khoảng 165.000 người dân được hưởng lợi, được phân bố ở tất cả 9 huyện/thành phố với 208 khóm/ấp được chọn tương đương hơn 20% dân số. Dự án sẽ thực hiện lấy mẫu ngay tại cộng đồng người dân (khóm/ấp). Từ đó giúp nâng cao khả năng tiếp cận và tỷ lệ tham gia, nâng cao năng lự của tuyến y tế cơ sở trong công tác phòng chống bệnh Lao. Đồng thời, giúp phát hiện sớm, điều trị và giảm tỷ lệ mắc Lao trong cộng đồng, tiến tới xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030.