Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định về các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Lê Chiên - 13:11 26/11/2021 GMT+7
Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số địa phương, và có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo thông tin của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến 16/11/2021, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 2265 xã của 57 tỉnh, thành phố. Số lợn phải tiêu hủy hơn 229.000 con, nặng nhất là Quảng Nam đã phải tiêu hủy hơn 35.000 con, sau đó là Hà Giang, Ninh Bình, Hà Nội, Tuyên Quang. Cả nước hiện vẫn còn 41 tỉnh, thành có ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Luật sư Lâm Thị Trâm Anh

Để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cần thực hiện những quy định gì? Luật sư Lâm Thị Trâm Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) giải đáp như sau:

Nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); … ngày 07/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 972/QĐ-TTg, “Phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020 -2025”. Nội dung của kế hoạch này gồm 13 phần :

1-Chăn nuôi lợn an toàn sinh học;

2-Tổ chức nuôi tái đàn lợn;

3-Giám sát dịch bệnh;

4-Tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi;

5-Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn;

6-Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn;

7-Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng;

8-Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

9-Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm;

10-Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, vắc xin Dịch tả lợn châu Phi;

11- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi;

12- Hợp tác quốc tế;

13-Chính sách hỗ trợ.

Kế hoạch trên vừa nêu ra các giải pháp về kỹ thuật, vừa nêu ra các giải pháp quản lý; đặc biệt còn phân công trách nhiệm rất cụ thể đối với các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc việc phòng, chống bệnh dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Kế hoạch trên mang tính chiến lược  tổng thể, còn giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi phải thực hiện ra sao, thưa luật sư?

Theo các chuyên gia thú y, biện pháp kỹ thuật tốt nhất là phải chăn nuôi lợn an toàn sinh học (như nội dung phần 1 kế hoạch nêu trên). Trong đó nêu rõ:

 “ Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể:

+ Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa và chăn nuôi nông hộ: Thực hiện theo các nội dung tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.

+ Cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”

Luật sư có thể nói rõ hơn các quy định về biện pháp kỹ thuật đó?

Như đã nêu trên:

*Thứ nhất, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa và chăn nuôi nông hộ: Thực hiện theo các nội dung tại Công văn số 5329/BNN-CN. Theo đó, dù là chăn nuôi nông hộ hay chăn nuôi trang trại đều phải thực hiện 8 biện pháp là: Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi; Yêu cầu về con giống; Thức ăn và nước uống;  Chăm sóc, nuôi dưỡng; Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi; Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi; Xử lý chất thải chăn nuôi; Quản lý dịch bệnh. Riêng chăn nuôi trang trại phải có thêm 1 biện pháp là: Ghi chép và kiểm tra nội bộ. 

- Các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học giữa chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại có những điểm riêng, nhưng đều có điểm chung là:

+ Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ; người và động vật ra vào khu chăn nuôi phải được kiểm soát; dụng cụ chăn nuôi phải được dùng riêng

+ Lợn được nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh

+ Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn; Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn.

+ Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào-cùng ra" theo thứ tự ưu tiên: cả khu, dãy chuồng, ô chuồng. Có quy trình chăn nuôi cho từng loại lợn theo mục đích sử dụng.

+ Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn … Định kỳ phát quang bụi rậm… Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày...

+ Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài trại để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc

+ Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh theo quy định hiện hành của cơ quan thú y. Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất …

+ Khi có lợn ốm phải nhốt ra khu nuôi cách ly; khi phát hiện có dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý; ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định. Lợn bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không rửa ngay ô chuồng hoặc chuồng lợn bị bệnh, …

Thứ hai, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT

Quy chuẩn này quy định các điều kiện về an toàn sinh học đối với trang trại chăn nuôi lợn trong phạm vi cả nước, với những tiêu chí “Quy định về kỹ thuật” và “Quy định về quản lý” rất cụ thể như: quy định về vị trí, địa điểm xây dựng trang trại; yêu cầu chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; chứng nhận hợp quy; giám sát, xử lý vi phạm …

Trên đây chỉ là một số nét mang tính gợi mở về các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, các bạn cần nghiên cứu kỹ những văn bản đã nêu trên và thực hiện tốt những yêu cầu trong những văn bản đó.

Cảm ơn luật sư!