Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần xóa bỏ những định kiến về người nông dân

11:00 22/06/2019 GMT+7
Nông dân là thiếu tri thức. Nông thôn là nghèo nàn. Những định kiến ấy tồn tại quá lâu rồi. Trong thời đại công nghệ số và tri thức toàn cầu hôm nay, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm đó của xã hội. Hội Nông dân, chính là điểm tựa làm việc đó”.

Nông dân là thiếu tri thức. Nông thôn là nghèo nàn. Những định kiến ấy tồn tại quá lâu rồi. Trong thời đại công nghệ số và tri thức toàn cầu hôm nay, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm đó của xã hội. Hội Nông dân, chính là điểm tựa làm việc đó”. Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng nhận xét như vậy, trước vấn đề làm sao nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân hiện nay.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng, đã có rất nhiều thay đổi trong hoạt động xây dựng nông thôn mới hiện tại; hình ảnh người nông dân không còn gắn liền câu chuyện thủ cựu lạc hậu nữa. Phát huy tốt những tố chất mới, hiện đại và đầy sáng tạo của người nông dân trong bối cảnh mới, chính là điều mà Hội Nông dân cần thực hiện. Đó cũng chính là lựa chọn của Ban chấp hành Hội Nông dân Đà Nẵng hiện nay.

Người nông dân mới?

Một cách tâm đắc, ông Dũng cho rằng, người nông dân hiện nay khác rất xa những gì đã có trong quá khứ. “Báo chí viết nhiều về những người nông dân chế tạo máy móc, nghiên cứu ra sáng kiến này, sáng kiến kia. Sự thật thì sao? Không chỉ có những người nông dân điển hình đó, mà phải thấy, người nông dân hiện nay sẵn sàng ứng phó với mọi hoàn cảnh, luôn tìm tòi cái tốt hơn để làm ăn. Cho nên, người nông dân đều rất sáng tạo, luôn nghĩ ra cái mới để làm, không phải chuyện cá biệt của người nào”. Ông Dũng nhấn mạnh.

Canh tác rau trên đồng ruộng tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh: N.Đ

Thực tế được ông Dũng dẫn ra, là bối cảnh kinh tế nông thôn hiện nay chịu nhiều áp lực từ kinh tế thị trường và tốc độ đô thị hóa của xã hội. Cùng trên mảnh ruộng đã có, người nông dân hôm nay không chỉ có canh tác vài vụ lúa, trồng ít hoa màu là đủ. Tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp họ tiếp cận đa dạng hướng cây trồng và con vật nuôi, từ gieo trồng vụ chính đến trồng xen canh, từ tận dụng ao, hồ, mương, rãnh nuôi thêm tôm cá đến vận dụng cả đất bạc màu vào trồng cây nguyên liệu giấy… Họ càng vận dụng nhiều, cơ hội thu nhập càng được cải thiện.

Hiện trạng đô thị hóa như ở Đà Nẵng càng khiến áp lực trên đồng ruộng, ao đầm, mặt nước… của người nông dân tăng lên. Họ luôn đối diện câu hỏi, có thể chuyển nhượng đất đai sở hữu của mình cho người khác đầu tư làm bất động sản hay các dự án khai thác sản xuất khác hay không. Đây là một thực tế đầy suy nghĩ. Đã có không ít người nông dân chấp nhận bán ruộng vườn để có ngay một khoản tài chính lớn, trang trải nhiều mối lo, thu xếp về chi tiêu, đầu tư cho gia đình. Nhưng số đông người nông dân vẫn cương quyết giữ vườn, giữ ruộng, vì với họ, mảnh đất có thể tạo hoa màu hoa lợi sẽ tốt hơn đồng tiền gửi trong ngân hàng hay cầm trong tay rất nhiều.

Nhưng khi đã giữ đất, người nông dân phải trả lời được câu hỏi, làm sao cải thiện cuộc sống để bảo đảm giải quyết được những áp lực sinh hoạt. Họ cần khai thác hiệu quả hơn phần đất của mình, tăng được hoa lợi, mới không bị đánh đổi lấy giá trị tài chính lập tức mà mất đất.

Bởi thực trạng đó, mà người nông dân hiện nay, theo ông Dũng, lại càng cố gắng hơn, xông xáo hơn và phải tự cải thiện mình hơn. Họ không thể khư khư những suy nghĩ cũ, kinh nghiệm canh tác từ cha ông, mà còn phải vận dụng những cơ hội, kiến thức mới cho việc đầu tư vào đồng ruộng. Xã hội tiến bộ, mạng xã hội cùng kho kiến thức trực tuyến ngày càng rộng mở, thì người nông dân càng có nhiều cơ hội học hỏi, trang bị đổi mới kiến thức, và tự thay đổi tư duy chính mình để làm ăn hiệu quả hơn.

“Báo chí tập trung mô tả một vài hiện tượng người nông dân sáng tạo, mà không biết là mỗi ngày mỗi giờ, họ đều phải lo sáng tạo để làm ăn tốt hơn. Từ chọn thay đổi một giống rau, cho đến cải tạo mới một công cụ sản xuất, người nông dân sự thật đã là nhà phát minh sáng chế trong công việc của mình rồi, mà là sáng chế liên tục. Phải chăng, trong quan niệm của báo chí, người nông dân vẫn là lạc hậu, thiếu kiến thức, nên những người làm ra cái máy này, nông cụ kia, là đột phá, khác biệt? Đó là biểu hiện của định kiến hẹp hòi, coi thường người nông dân xưa nay, cần phải thay đổi đi”. Ông Dũng phân tích như vậy.

Hãy xóa đi những định kiến!

“Tôi đọc văn học Nga, và thấy người ta gọi những nông dân là munich, tức là nông nô. Giữa vị trí một người nông dân, với một người nông nô, là cả một khoảng cách dài. Nhưng người ta vẫn nhầm lẫn như vậy. Với người nông dân Việt Nam lâu nay cũng thế, xã hội luôn nhìn họ đầy định kiến. Từ gọi miệt thị “bọn nhà quê” được rất nhiều người dùng. Những gì chậm tiến, lạc hậu, cục bộ … đều được đẩy cho người nông dân. Có lẽ, ở giai đoạn nào đó, suy nghĩ ấy là đúng. Nhưng bây giờ, cần có sự khác biệt. Phải xóa bỏ những định kiến về người nông dân, về nông thôn”. Ông Dũng nhấn mạnh.

Một điển hình được ông Dũng dẫn ra, là những người nông dân canh tác ở trên biển. Đà Nẵng là thành phố biển, ngư dân thuộc các làng chài không hề ít ỏi. Họ tham gia đánh bắt tại vùng biển quê hương, cũng tham gia ở các đội tàu thuyền tỉnh thành khác. Đô thị hóa mở ra, phần đất và mặt nước ưu tiên cho ngư nghiệp ở Đà Nẵng bị bó hẹp, thì họ phải “đi bạn” nhiều hơn. Phần lớn người nông dân trên biển không hề bỏ nghề!

Chính trong hoàn cảnh đó, người ngư dân hôm nay buộc phải biết sáng tạo, dám thay đổi tư duy, cách làm mới phát huy được nghề nghiệp của mình. Anh Thái Vĩnh Ngộ, chủ tàu DN-90802, một trong những ngư dân trẻ điển hình tại Đà Nẵng chia sẻ, trong quá khứ, ngư dân chỉ quăng chài để bắt cá. Còn hôm nay, họ phải nghĩ ra những phương cách canh tác mới, học hỏi cách đánh bắt mới, thì mới có thể cập nhật được cơ hội kiếm tiền của mình.

Ngộ kể, một thời gian ngư dân Đà Nẵng “bám theo” con mực bê đen, tức mực xà, để khai thác bán cho thương lái Trung Quốc. Vùng biển Đà Nẵng những năm 1994 – 1999 giăng đầy thuyền đánh bắt “2 tầng”, vì thuyền nào cũng có giàn phơi mực phía trên mui. Câu mực xà, là cả một kỹ thuật mà người ngư dân phải học lẫn nhau mới thuần thục được.

Song giai đoạn đó nhanh chóng đi qua, ngư dân phải ứng biến với nhu cầu đánh bắt mới. Từ đuổi câu cá ngừ đại dương, cho đến bắt cá thu khơi giữa biển, họ đều phải học cách làm lưới mới, tìm hiểu “tính nết” con cá mới để bắt cho được. Không biết bao nhiêu sáng kiến, mày mò tìm hiểu đã được người ngư dân đặt ra suốt mười mấy năm trời, để họ có thể trở thành những người lão luyện trong nghề đánh bắt hải sản vươn khơi.

“Cụ thể gần đây, tụi tui đánh bắt con Ninja, tức con chình biển, cá mút đá gọi theo khoa học. Loại lươn biển này sống dưới mực nước sâu hơn 1.500m, ăn nội tạng các con vật khác, xác động vật chết. Khách Nhật, khách Hàn Quốc rất chuộng loại này, bán giá cao hơn nếu bắt sống được chúng. Vậy làm sao bắt? Tụi tui phải đi canh me phía Trung Quốc, Đài Loan, học cách khai thác của họ, rồi chế ra công cụ cho mình. Đó là dùng 1 thùng sắt to, đục lỗ quanh thân, cho thức ăn vào rồi thả xuống khu vực có Ninja. Bọn lươn biển sẽ bò vào ăn, và mắc kẹt trong đó. Thế là quấn tời kéo lên”. Anh Ngộ miêu tả như vậy. Song nói dễ hiểu, còn thực thi đâu có đơn giản. Chỉ nói riêng khoản dây tời để kéo thùng sắt lên, dài cả 2.000m, khoanh trên bong thuyền đã là một khối khổng lồ, chỉ cần quấn không khoa học là mắc dây, đã yêu cầu người nông dân phải nghĩ ra mẹo quấn dây, đặt chỗ. Rồi cách tính toán cự ly sao cho những con vật trúng bẫy không thể thoát ra kịp, cũng phải dựa vào kinh nghiệm bao lần trắng tay bắt hụt mới biết được.

Chuyện ngư dân là vậy, chuyện đồng ruộng cũng không khác gì. Ông Kim Dũng mô tả, ngay những người nông dân trồng hoa ở các bãi đất trống tận dụng phía Sơn Trà, họ cũng phải sáng tạo. Họ phải cập nhật những loại hoa mới, giống cây trồng mới, phải lo điều chỉnh cách chăm sóc sao cho hiệu quả, ít chi phí nhất mà chất lượng cây trồng cao nhất. Cách chăm sóc cây trồng của người nông dân cũng không phải như xã hội đang nhìn nhận, là chỉ có phun thuốc và phun thuốc.

“Sự thật thì nếu lạm dụng hóa chất, lạm dụng những chất cấm trong nông nghiệp, người nông dân là đối tượng đầu tiên bị tổn hại. Họ bị thoái hóa đất trồng, cây giống, chính là nồi cơm của họ. Họ còn bị ảnh hưởng sức khỏe nếu tiếp xúc những hóa chất độc hại. Do đó, bảo họ trồng ẩu tả, sử dụng thuốc, phân bừa bãi là không chính xác. Có thể trước đây, có tình trạng như vậy. Nhưng bây giờ, người nông dân phải lo cập nhật kiến thức, tìm hiểu rất kỹ mọi phương cách canh tác mới làm. Họ không thể tự đánh đổi sinh mạng của họ và con cái họ để lấy tiền bạc được”. Ông Dũng phàn nàn như vậy.

Theo ông Dũng, xã hội cần xóa đi những định kiến, những cái nhìn lệch lạc và không đúng về người nông dân hôm nay. Phải biết nhìn người nông dân tự chủ, chủ động, luôn thay đổi phù hợp hoàn cảnh nhưng cũng rất nghiêm túc với trách nhiệm, với chính cơ hội của mình, để hiểu đúng họ. Từ dư luận báo chí, cho đến cộng đồng xã hội, cần xóa bỏ đi những quan niệm sai lệch về người nông dân, tô vẽ họ như những kẻ hám lợi chỉ biết kiếm tiền mà bất chấp trách nhiệm cuộc sống, hay chỉ vì hoa lợi mà coi thường các yêu cầu về chất lượng nông sản, ngư nghiệp.

Cái thiếu, cái yếu của người nông dân, là kiến thức không thể cập nhật lập tức, cũng như họ luôn có bề dày kiến thức kinh nghiệm từ cha ông để lại, cũng chính là “một bờ đê” ngăn cản họ với những thay đổi mới mẻ, khiến người nông dân do dự hơn với những cái mới, cái hiện đại. Song không thể vì lý do đó mà luôn lấy nhãn quan xét đoán “chậm chạp, bảo thủ, lạc hậu” để nhìn người nông dân. Nhất là với những người nông dân mới, tức thế hệ những người nông dân trẻ tuổi hiện nay, thì độ nhạy cảm trước những cơ hội làm ăn của họ lại càng cao, và qua kiến thức học hỏi, qua tìm hiểu các thông tin, nhiều người còn được đào tạo qua trường lớp, họ càng có nhiều cách để cập nhật và thay đổi chất lượng nông nghiệp, nông thôn.

Trồng rau sạch tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Ảnh N.Đ.

Hội Nông dân, điểm tựa chắc chắn?

Ông Dũng phân tích rằng, người nông dân hôm nay luôn được đặt trong tứ giác quan hệ, là với chính quyền, với tổ chức tư vấn, với doanh nghiệp làm ăn, và với tổ chức Hội Nông dân, cơ quan đoàn thể chính trị của họ. Điều chỉnh hợp lý, khai thác tốt tứ giác quan hệ này, người nông dân mới có thể phát triển. Và trách nhiệm hỗ trợ người nông dân điều chỉnh tứ giác này, lại thuộc về Hội Nông dân là chính.

Đơn cử với một giống loại cây trồng, con vật nuôi mới, chính quyền các địa phương, cụ thể là sở, phòng, ban Nông nghiệp các cấp sẽ ra chính sách, cơ chế quy hoạch, định lượng phát triển ở địa bàn; Liên minh các HTX và các tổ chức tư vấn liên quan sẽ hỗ trợ hướng dẫn cách canh tác, cung cấp giống, cách thu hoạch, chế biến bảo quản… Phía các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sẽ liên hệ người nông dân, cam kết các hợp đồng bao tiêu, thu mua tạo đầu ra cho sản phẩm. Khi các quan hệ này được thống nhất, ổn định, thì người nông dân chỉ còn tập trung lo sản xuất, triển khai đúng và đủ các chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm làm ra.

Hội Nông dân chính là cơ quan đầu mối để điều chỉnh các quan hệ đó. Hội phối hợp cùng địa phương đưa chính sách đến cho người nông dân. Hội hỗ trợ cùng các tổ chức tư vấn vận động người nông dân ủng hộ các chủ trương mới, từ nuôi trồng thí điểm đến sản xuất đại trà. Hội cũng sẽ giám sát các hợp đồng, cam kết đã ký giữa người nông dân với các tổ chức thu mua, sử dụng sản phẩm… Làm tốt những yêu cầu này, rõ ràng vai trò của Hội được phát huy.

Nhưng quan trọng hơn, suốt quá trình đó, Hội Nông dân phải là đầu mối cơ bản để chống lại, xóa bỏ những định kiến về người nông dân. Hội cần tạo ra những cơ hội tương tác, tiếp xúc, vận động tuyên truyền, kết nối giữa các tổ chức, đơn vị chức năng, doanh nghiêp tiếp cận đúng người nông dân, và cũng gây dựng cho được quan hệ tin cậy ở người nông dân. Những thông tin, trao đổi hai chiều trong những cơ hội tương tác đó, phải rõ ràng và nhất là… không có định kiến.

“Tôi nhấn mạnh điểm này, vì sự thật mâu thuẫn luôn xảy ra từ định kiến. Một khi người nông dân luôn khăng khăng mình đã biết làm rồi, có kinh nghiệm rồi, còn phía hợp tác thì cho rằng nông dân ấu trĩ, kém cỏi, thì chắc chắn việc hợp tác không thể thành công. Có thể giai đoạn đầu, vì quyền lợi cục bộ, người nông dân muốn nhận đầu tư, phía hợp tác muốn có thành tích, mà họ tương hỗ với nhau. Nhưng dài lâu ngày tháng, việc bằng mặt không bằng lòng như vậy sẽ dẫn đến đổ bể. Do đó, dẹp bỏ đi định kiến là điều rất quan trọng trong hoạt động, vận động của Hội Nông dân”. Ông Dũng phân tích.

Thực tế theo ông Dũng, khái niệm định kiến cũng rất đa dạng trong xã hội từ trước đến nay. Những câu chuyện về “thói hư tật xấu” của người nông dân, từng được nhắc đến như sự trào lộng xã hội quá khứ, đến nay có thể vẫn bị câu dẫn sai lệch, làm méo mó hơn các vấn đề.

Do đó, mọi vận động dư luận để điều hướng thông tin, truyền thông đúng về vai trò và năng lực của người nông dân hôm nay, cần được tiến hành thận trọng và chi tiết, cần có sự hợp tác chung tay của cả xã hội. “Xây dựng con người nông thôn mới trong bối cảnh hiện nay, vì thế bao hàm rất nhiều vấn đề phải suy xét chu đáo và kiên quyết xử lý”. Ông Dũng kết luận như vậy.

“Báo chí tập trung mô tả một vài hiện tượng người nông dân sáng tạo, mà không biết là mỗi ngày mỗi giờ, họ đều phải lo sáng tạo để làm ăn tốt hơn. Từ chọn thay đổi một giống rau, cho đến cải tạo mới một công cụ sản xuất, người nông dân sự thật đã là nhà phát minh sáng chế trong công việc của mình rồi, mà là sáng chế liên tục. Phải chăng, trong quan niệm của báo chí, người nông dân vẫn là lạc hậu, thiếu kiến thức, nên những người làm ra cái máy này, nông cụ kia, là đột phá, khác biệt? Đó là biểu hiện của định kiến hẹp hòi, coi thường người nông dân xưa nay, cần phải thay đổi đi”.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng

Nguyên Đức