Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển du lịch thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở Cao Bằng

Hoàng Tính - 07:19 13/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, tại tỉnh Cao Bằng, du lịch nông thôn đang phát triển nhanh với nhiều loại hình: Du lịch gắn với di tích lịch sử; khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng... Phát triển du lịch nông thôn đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Du lịch cộng đồng nhiều đặc sắc

Vùng đất địa đầu Tổ quốc Cao Bằng với 214 di tích, 94 di tích đã được xếp hạng (Trong đó có 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích Pác Bó, huyện Hà Quảng; Khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An). 3 Bảo vật quốc gia (Đôi chuông chùa Viên Minh, Đền Quan Triều, Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ). Ngoài ra còn có rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: Thành nhà Mạc, thành Na Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm...

Giữa núi rừng Cao Bằng, nhiều ngôi làng cổ thu hút khách đến thăm quan và tìm hiểu

Cao Bằng cũng sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể phong phú với 2.000 di sản, bao gồm chữ viết, ngữ văn, tín ngưỡng, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian... Hiện tại, đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành; nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa).

Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng cũng đã tạo cho nông nghiệp Cao Bằng phát triển với nhiều sản phẩm đặc sản kết hợp với văn hóa ẩm thực độc đáo như: Miến dong Phia Đén (huyện Nguyên Bình), thạch đen (huyện Thạch An), thạch trắng (huyện Trùng Khánh), bánh Khẩu Sli Nà Giàng (huyện Hà Quảng); bánh cuốn, phở chua, bánh coóng phù, bánh khảo, áp chao, vịt quay, trà Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ... Bánh coóng phù Cao Bằng lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015.

Với lợi thế đó, tỉnh Cao Bằng đã xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững. Đến nay, đã có 7 thôn, bản được đầu tư làm du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa của các dân tộc bản địa gồm điểm du lịch: Khuổi Khon (dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc); Phia Thắm (dân tộc Nùng An, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hoà); Pắc Rằng (dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà); Bản Giuồng (dân tộc Tày, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hoà); Lũng Niếc (dân tộc Tày, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh); Làng đá Khuổi Ky (dân tộc Tày xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh); Hoài Khao (dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình).

Từ đá người dân đã tạo ra không gian sống độc đáo

Đã từng trải nghiệp du lịch ở Làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh) anh Hoàng Văn Nam (Quận Cầu Giấy- TP Hà Nội) cảm nhận: Sau một cung đường khá dài khoảng 400km từ TP. Hà Nội, du khách sẽ có được trải nghiệm vô cùng thú vị: Nhà, đường đến các vật dụng trong gia đình… đều được làm bằng đá. Sau đó du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng như: Cá suối, thịt trâu gác bếp, măng đắng, rau rừng…

Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng từ năm 2016 đến nay, tại 7 điểm du lịch cộng đồng trên đón khoảng hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó có lượng lớn khách quốc tế.

Khi “trái ngọt” vào vụ

Trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ngoài những doanh nghiệp lớn đầu tư khách sạn, nhà hàng cao cấp thì ở Cao Bằng cũng đã có  rất nhiều các mô hình nhà nghỉ cộng đồng theo hướng Homestay.

Du lịch trải nghiệm nông nghiệp đang là hướng phát triển ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh 

Mô hình Homestay cộng đồng tại xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) đã được nhiều người dân triển khai, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Những căn nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi đã được các hộ nông dân cải tạo thành các phòng nghỉ dưỡng, cho thuê, tiếp đón khách du lịch, kết hợp với kinh doanh các sản phẩm truyền thống của cộng đồng như: Nón lá, trang phục truyền thống, đan lát, hạt dẻ, gạo nếp ong…

Hiện nay ở xã Đàm Thủy có 470 hộ kinh doanh thương mại và du lịch, khoảng 1/3 người dân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng. Riêng thu nhập bình quân từ các hoạt động dịch vụ, du lịch của các hộ nông dân trung bình 26 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Mê Văn Đạt – Bí thư Đảng uỷ xã Đàm Thuỷ (huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng): Trước đây, cũng như những người nông dân ở các miền quê khác, người nông dân xã Đàm Thủy chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nắm bắt được xu thế của khách du lịch muốn được trải nghiệm cuộc sống của các vùng nông thôn miền núi, các hộ trong xã đã bắt đầu hình thành các mô hình Homestay.

“Đến nay đã có 14 hộ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng theo mô hình Homestay, nhiều nhất là Bản Gun Khuổi Ky với 8 hộ gia đình, Bản Dốc là 4 hộ gia đình, Đồng Tâm Bản Rạ có 1 hộ gia đình, Háng Phang 1 hộ gia đình. Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của xã Đàm Thuỷ trong thời gian tới” – Ông Đạt cho hay.

Du lịch đã góp phần thay đổi cảnh quan, kiến tạo nên những miền quê đáng sống

Những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn ở Cao Bằng bước đầu đã đem hiệu quả về kinh tế cho người dân. Du lịch nông thôn còn góp phần thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tạo đà thắng lợi cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đối với ngành Du lịch nói chung, lượng khách du lịch có phần giảm xuống, song những điểm du lịch của xã Đàm Thủy vẫn là những điểm nhấn thu hút một lượng khách du lịch của tỉnh Cao Bằng. Đàm Thủy vẫn chuẩn bị tốt để đón khách du lịch trong đại dịch khi các điều kiện cho phép./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Thành quả từ nông thôn mới tạo đà phát triển du lịch nông thôn
Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch.