Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cuối dòng Mekong long đong mùa hạn (Kỳ 3)

15:17 04/03/2020 GMT+7
Kỳ 3: Cơn khát đồng bằng Hạn đến nhanh khốc liệt, hơn hẳn tất cả mọi năm đã khiến cuộc sống của người dân ở nhiều vùng trù phú Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên cùng cực bởi thiếu nước sinh hoạt tối thiểu. Cạn nước, còn làm cho hàng ngàn trăm ngàn

Kỳ 3: Cơn khát đồng bằng

Hạn đến nhanh khốc liệt, hơn hẳn tất cả mọi năm đã khiến cuộc sống của người dân ở nhiều vùng trù phú Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên cùng cực bởi thiếu nước sinh hoạt tối thiểu. Cạn nước, còn làm cho hàng ngàn trăm ngàn hecta rừng ở đây chực chờ bị thiêu rụi.

Hàng trăm hộ dân xã Long Hòa, Thị xã Gò Công, Tiền Giang cùng một số xã lân cận của huyện Gò Công Tây phải dùng nước nhiễm mặn.

Thèm sao… nước ngọt

Chỉ vào đầu tháng 02/2020, nhưng tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt tối thiểu của người dân đã xảy ra ở nhiều nơi trên vùng châu thổ ĐBSCL. Tại xã Long Hòa, Thị xã Gò Công, Tiền Giang hôm chúng tôi đến, con kênh 14 dài hơn 10km đang cạn khô những giọt nước ngọt cuối cùng. Mọi năm, dù có hạn mấy nhưng con kênh này vẫn đủ nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa màu hai bên bờ cùng nước sinh hoạt cho ngàn hộ dân ở Long Hòa và xã Bình Tân của huyện Gò Công Tây lân cận.

Con kênh 14 xã Long Hòa, Thị xã Gò Công, Tiền Giang đang bốc hơi những giọt nước ngọt cuối cùng.

Nhưng năm nay đã khác, chỉ vừa qua Tết, dòng kênh nước ngọt quanh năm để người dân ở đây sinh hoạt hàng ngày đã bắt đầu cạn kiệt. Nước không đủ, lấy gì cứu lúa màu. Nên đành bất lực nhìn nông sản ngày một khô héo dưới nắng gắt hanh. Chưa kể, cạn nước kênh còn làm hàng chục điểm bị sụt lún hai bên bờ kênh ảnh hưởng đi lại của người dân.

Để cứu dân, UBND xã Long Hòa đã kéo khẩn cấp một đường ống nước ngọt để hàng trăm hộ dân có nước. Nhưng khó khăn chưa dừng, cách đây chục ngày, vòi nước này bắt đầu đục, có cặn, sau đó chuyển sang lờ lợ nhiễm mặn. Vậy mà, hàng ngày vẫn có hàng trăm hộ dân mang can nhựa đến hứng về dùng. Bởi không có gì có thể thay thế được nước.

Trạm bơm Bình Phan ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đã cạn khô nước từ hơn một tháng trước.

Ông Đỗ Hoàng Mộng Long, 60 tuổi nhà gần đó cho hay, lúc nào cũng có người đến chở nước như vầy. Nhưng tầm 6 giờ chiều ở đây mới đông người người xếp hàng để hứng chở nước, thường thì cả trăm người rất sôi động. Dù đã mặn nhưng bà con phải chịu vì không còn nguồn nước nào khác. Hồi đó, do chủ quan con kênh ngọt quanh năm nên dân đã lấp hết ao-đìa để lấy đất sản xuất. Bởi vậy hạn đến nhanh, bà con “chết giấc” vì không kịp đối phó. Cây nước này, đã cứu khổ cho mấy trăm người dân gần đây, kể cả ở mấy xã lân cận, không riêng gì Long Hòa.

Chị Hoa, chủ tiệm tạp hóa gần đó nói thêm: Khoan cây nước ở đây giờ cần 15- 20 triệu, dân nghèo thì tiền đâu? Mà có người khoan xuống toàn nước mặn, vòi nước của xã vậy là còn đỡ. Ước gì được một bữa trời mưa, uống cho đã…Chị kể trong vẻ thèm thuồng.

Ngày 01/03/2020, 10ha rừng tràm thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, Kiên Giang đã bị thiêu rụi.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT, hạn mặn năm nay đến sớm đã làm 120.000 hộ dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhiều vùng do điều kiện địa lý ngăn cách, buộc phải chở nước từ nơi khác đến để cung cấp cho hàng ngàn người dân khác ở các vùng sâu, vùng xa của Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Dồn sức chống “giặc lửa” giữ rừng

ĐBSCL là nơi tồn tại nhiều hệ sinh thái đa dạng phong phú. Trong đó, những cánh rừng tràm nguyên sinh ở Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp đang được con người gìn giữ cẩn thận để bảo tồn cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng. Thế nhưng, mùa khô năm nay hạn sớm, lượng nước trong các khu rừng đang rút nhanh, khó cầm cự đến hết tháng 5 và 6/2020 đợi mưa xuống.

8.527,8ha rừng tràm U Minh hạ đang khô hạn có nguy cơ cháy cao, trong đó có 1.926,03ha đang ở cấp dự báo cháy cấp 2.

Theo chân những người giữ rừng U Minh hạ mới thấy hết cái phong phú đa dạng của những hệ động thực vật nơi đây. Các anh Ban quản lý rừng cho biết vừa phát hiện một số loài động vật quí hiếm tưởng chừng tuyệt chủng ở xứ này như cà khu (một loài vượn đuôi dài), rái cá râu, mèo rừng… Lo gìn giữ, cố gắng không ảnh hưởng đến sinh trưởng của chúng vừa lo phòng chống cháy rừng. Hiện biên chế 93 người, tuy có thể huy động thêm kiểu hợp đồng thời vụ với dân để tăng nhân lực lúc cao điểm nhưng hàng ngày, các anh phải túc trực lo cho  8.527,8ha rừng U Minh hạ đang khô hạn. Trong đó, có 1.926,03ha rừng đang ở mức có khả năng cháy cấp 2. Chỉ cần sơ suất nhỏ, khó có thể cứu chữa bởi lớp thực bì, than bùn lâu năm  dưới đất ngún lâu, khó dập.

Năm 2016 tuy đã đề cao cảnh giác, nhưng vẫn có hàng trăm héc ta bị thiêu rụi vì lẽ đó. Năm nay hạn nhanh hơn nên mối nguy càng cao, nhất là khi toàn bộ vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bao quanh rừng đã cạn kiệt nước. Dù đê bao giữ nước của rừng chắc chắn, nhưng cũng khó tránh khỏi lượng nước rò rỉ bốc hơi khiến mực nước của rừng cạn nhanh hơn mọi năm.

Lực lượng bảo vệ rừng U Minh hạ đang luyện tập diễn tập chống cháy rừng.

Anh Hồ Minh Triều, Trạm trưởng Kiểm Lâm Minh Hà vườn Quốc Gia U Minh hạ cho hay, dù mực nước trữ sâu nhất còn 2m, nhưng các anh vẫn rất lo vì áp lực khô hạn, nước sẽ rút ra ngoài. Hôm 25/02/2020 chúng tôi đến, nhìn những giọt mồ hôi các anh khi cố gắng thuần thục động tác diễn tập chữa cháy, mới thấy quyết tâm giữ rừng, chống giặc lửa giữa những cánh rừng đang ngày càng vàng úa bởi thiếu nước mùa khô.

Không may như U Minh hạ, ngày 01/03/2020 rừng tràm thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, Kiên Giang đã bốc cháy. Do có nhiều cỏ, bụi cây khô và thảm phủ bì dày cộng với thời tiết hanh khô, gió thổi mạnh đã khiến đám cháy lan ra rất nhanh. Mặc dù huy động bộ đội và người dân dập lửa, phải sau 3 giờ quần quật mới dập tắt, nhưng cũng đã kịp thiêu rụi 10ha rừng tràm sản xuất của người dân. Trước đó ngày 25/02/2020, tại xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, Kiên Giang, lửa cũng đã thiêu rụi 47ha rừng tràm, trong đó có 13,3ha rừng tràm bị xóa sổ hoàn toàn.

Bài, ảnh: Hoàng Quân

Ngày 03/03/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải đã ban hành Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau). Theo đó, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND 2 huyện trên xác định và khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán, đồng thời huy động mọi nguồn lực triển khai ngay phương án ứng phó hạn hán theo kịch bản ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 2 đã được phê duyệt, đặc biệt triển khai ngay các biện pháp đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước trong vùng thiên tai. Trước đó, các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán.