Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đắk Nông: Tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào thiểu số

10:54 20/12/2021 GMT+7
Nhờ các chính sách hỗ trợ đa dạng, toàn diện, người dân tại sáu bon đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuy Đức đã được đầu tư nhiều hạng mục như đường giao thông, thủy lợi, hạ tầng phát triển sản xuất.

Huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) lựa chọn sáu bon (đơn vị tương đương thôn, buôn, bản) đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc diện đặc biệt khó khăn để đầu tư, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sau 5 năm, các kết quả đạt được đang tạo tiền đề để mở rộng các mô hình giảm nghèo ra các địa phương khác trên toàn huyện.

Hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác cà phê bền vững. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Ưu tiên nguồn lực cho sáu bon nghèo

Năm 2016, huyện biên giới Tuy Đức lựa chọn sáu bon đồng bào dân tộc tại chỗ đặc biệt khó khăn để ưu tiên đầu tư giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sáu bon bao gồm: bon NDRong A (xã Quảng Tân), bon Ja Lú (xã Đăk R’Tih), bon Bu NĐơr (xã Quảng Tâm), bon Bu Boong (xã Đắk Búk So); bon Bu Prăng I (xã Quảng Trực), và bon Điêng Đu (xã Đắk Ngo).

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của sáu bon gần 69%, còn tỷ lệ hộ nghèo chung là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (Mạ, M’Nông) của sáu bon hơn 81%.

Như vậy, tính bình quân vào năm 2016, cứ 100 hộ dân tại sáu bon thì có 69 hộ thuộc diện nghèo; còn tính riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thì cứ 100 hộ có tới 81 hộ thuộc diện này.

Nông dân thu hoạch cà phê, loại cây công nghiệp có diện tích, sản lượng vào loại lớn nhất huyện Tuy Đức hiện nay. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Trong giai đoạn 2016-2020, cùng với các địa phương khác trên toàn huyện, huyện Tuy Đức đã tập trung nguồn lực để triển khai công tác giảm nghèo tại sáu "bon điểm." Cụ thể, huyện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.

Về hạ tầng, hai chương trình lớn là Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là Chương trình 30a) và Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135). Tổng kinh phí đầu tư dành cho sáu bon của hai chương trình gần 13 tỷ đồng.

Huyện Tuy Đức cũng tập trung giải quyết sự thiếu hụt các tiêu chí về thu nhập cho hộ nghèo. Trong giai đoạn nay, sáu "bon điểm” có hơn 300 lao động được hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; hơn 2.500 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng với tổng nguồn vốn hơn 28 tỷ đồng; 100% học sinh-sinh viên tại sáu bon được hỗ trợ về giáo dục và đào tạo với các chương trình hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em từ 3-5 tuổi, miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo theo quy định của Chính phủ...

Cũng trong giai đoạn này, ngành chức năng đã cấp gần 26.000 thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ 39 nhà ở... cùng nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân tại sáu "bon điểm” nêu trên.

Nhìn chung, nhờ các chính sách hỗ trợ đa dạng, toàn diện và rộng khắp, người dân tại sáu bon đã được đầu tư nhiều hạng mục đường giao thông, thủy lợi, hạ tầng phát triển sản xuất. Hàng trăm hộ dân cũng được hỗ trợ hàng trăm tấn phân bón, hàng chục nghìn cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh nguồn hỗ trợ của nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị như Đảng ủy Quân sự huyện, Đảng ủy Công an huyện, Đảng ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên… cũng tích cực hỗ trợ cho bà con kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp...

Hồ tiêu là loại nông sản phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại Tuy Đức. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Sau 5 năm, hệ thống cơ sở hạ tầng tại sáu bon như: đường giao thông, công trình thủy lợi, điện, nhà văn hóa, trường học… cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Quá trình tổ chức thực hiện đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về tư duy, nhận thức cũng như khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 4/11/2016 của Huyện ủy Tuy Đức về công tác giảm nghèo các bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 vào tháng 12/2021, tỷ lệ hộ nghèo chung của sáu bon hiện còn gần 22,8%; còn tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hơn 28,3%.

Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo chung tại sáu bon đã giảm hơn 46%, còn tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm gần 53%. Các tiêu chí này đều vượt kế hoạch đề ra.

Tạo tiền đề giảm nghèo nhanh, bền vững

Nhìn chung, nhờ việc đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho đến hỗ trợ cho vay vốn, tạo công ăn việc làm và các chính sách về y tế-giáo dục, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại sáu bon “điểm” nói chung và các bon, thôn, bản khác trên địa bàn huyện Tuy Đức đã chuyển biến rõ rệt.

Cũng theo Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, tổng các nguồn lực thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện gần 188 tỷ đồng.

Theo ngành chức năng huyện Tuy Đức, các kết quả nêu trên có được là nhờ sự ưu tiên nguồn lực của Đảng và Nhà nước, nhất là từ Chương trình 30a và Chương trình 135. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình này, hệ thống đường giao thông, thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, tạo tiền đề để người dân phát triển sản xuất, thuận lợi cho giao thương, đi lại và góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời, như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ vay vốn tín dụng, tài trợ các tư liệu sản xuất thiết yếu như phân bón, cây-con giống, vật tư nông nghiệp… đã tạo tiền đề quan trọng để bà con phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Tuy Đức có hơn 1.100 lao động nông thôn được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Về vay vốn tín dụng, toàn huyện có hơn 11.300 lượt hộ vay, với tổng nguồn vốn hơn 386 tỷ đồng…

Tuy Đức là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Theo Huyện ủy Tuy Đức, việc giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ cần bám sát tình hình thực tiễn tại cơ sở, trong đó gắn trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân và các tổ chức đoàn thể xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phải có sự nhận thức đúng về nhiệm vụ giảm nghèo, có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo, coi nhiệm vụ giảm nghèo trước hết là trách nhiệm của bản thân và hộ gia đình mình.

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mùa vụ và có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng, đồng thời gắn trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng, đối với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được chú trọng ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, quá trình thực hiện đến khi hoàn thành để đảm bảo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế./.

Theo Vietnam +

Nguồn vốn tín chấp – “Bà đỡ” giúp từng bước xoá đói giảm nghèo ở Đắk Lắk
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành “bà đỡ”, tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình nông dân nghèo ở Đắk Lắk được vay vốn tín chấp, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xoá đói giảm nghèo. Ông Trần Đình Ý đưa chúng tôi ra thăm vườn