Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nguồn nhân lực: Cần làm trước, học sau

08:44 27/02/2018 GMT+7

Trước đây, tài liệu, sách vở trong trường đại học là thứ quan trọng nhất, giờ máy móc để sinh viên thử nghiệm thực tế mới quan trọng – hạ tầng trong trường đại học phải giống như một nhà máy. Hay trước đây, học trước và làm sau; giờ các trường đại học cần cho sinh viên làm trước, thực hành trước sau đó mới dạy kiến thức.

Tại Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) ngày 26/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), đã đưa ra triết lý thú vị này.

Nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao?

Đánh giá công tác đào tạo nhân lực có chuyển biến, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận hiện nay còn có những cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu của CMCN 4.0.

Trước đây, tài liệu, sách vở trong trường đại học là thứ quan trọng nhất, giờ máy móc để sinh viên thử nghiệm thực tế mới quan trọng

Thêm vào đó, xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ và sự đóng góp ngày càng tăng của các dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng cao, có khả năng thích nghi, tính chủ động, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu. Điều này tạo sức ép rất lớn đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuyển đổi phù hợp nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau.

Cùng với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ CMCN 4.0, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây chính là bối cảnh hoàn toàn mới với nhiều yêu cầu và thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng, tâm điểm của cuộc CMCN 4.0 là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định. Trong các nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp, mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.

Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.

Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo.

Làm rồi mới học

“Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng những yêu cầu trên buộc chúng ta phải nhanh chóng có những thay đổi, điều chỉnh từ phía cung. Hay nói một cách khác, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề hiện nay không thể giữ nguyên phương thức, mô hình và nội dung đào tạo như trước đây, mà cần sớm đưa ra những đổi mới phù hợp để có thể cung cấp những “sản phẩm” tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động với yêu cầu ngày càng khắt khe.

Về vấn đề này, từ nhu cầu của DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: các trường đại học cần cho sinh viên làm trước, thực hành trước, sau đó dạy sau; trước không biết phải hỏi thầy, không biết mới phải học, bây giờ biết rồi mới hỏi thầy, mới đi học: “Chúng ta tự học để hiểu 90% mới hỏi thầy. Bởi vì dạy học một người có cái đầu bằng 0% rất giống “nước đổ lá khoai”.

Đồng thời, trước đây, tài liệu, sách vở trong trường đại học là thứ quan trọng nhất, giờ máy móc để sinh viên thử nghiệm thực tế mới quan trọng – hạ tầng trong trường đại học giống như một nhà máy, phải học làm cái chưa ai làm.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, vị CEO Viettel cho rằng: “Nếu tìm từ tổng quát nhất có thể mô tả về công nghiệp 4.0, tôi dùng từ chúng ta có dám làm ngược những gì đang làm, suy nghĩ ngược lại những gì mà chúng ta suy nghĩ. Làm ngược nhưng sẽ mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội cho sự đột phá để vươn lên”.

Theo đó, những người đi sau phải có mong muốn không giống người đi trước. Nếu người đi sau vẫn làm theo người đi trước, chúng ta mãi tụt hậu. Công cụ 4.0 là hỗ trợ cho việc làm khác, gắn liền với sự sáng tạo mang tính phá hủy.

“Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi. Chỉ những thứ không thể làm nhưng nếu cố gắng làm mới tạo ra con người xuất sắc nhất”, ông Hùng nói.

Thy Lê