Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điện Biên tạo “đòn bẩy” từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

10:56 05/09/2020 GMT+7
Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Điện Biên nỗ lực đẩy mạnh tiêu chí sản xuất để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, phát huy hiệu quả từ chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm tạo sức bật cho những nông

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Điện Biên nỗ lực đẩy mạnh tiêu chí sản xuất để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, phát huy hiệu quả từ chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm tạo sức bật cho những nông sản địa phương.

Nông thôn thay đổi toàn diện

Khi triển khai xây dựng NTM, tỉnh Điện Biên có 116 xã tham gia, trong đó bình quân chỉ đạt 1,4 tiêu chí/xã (năm 2011). Đến nay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Điện Biên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, xây dựng NTM trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, tổng số công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, xây mới là 112; 86,96km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa.

Người dân huyện Điện Biên tham gia làm đường giao thông đến các thôn bản.

Huyện Điện Biên được đánh giá là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về chương trình xây dựng NTM. Ðến năm 2020, huyện có 15/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (chiếm 41% toàn tỉnh); bình quân toàn huyện đạt 15,08 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 22,9 triệu đồng/năm, tăng trên 10 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 12,85%. Ðến nay, nhiều xã trên địa bàn huyện phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hoá, chuỗi liên kết thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 – 2020 của UBND huyện Ðiện Biên (tháng 4.2020) cũng đã khẳng định: “Từ thực tiễn triển khai một số cơ chế, chính sách trong hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn (bản), làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi đã huy động nguồn lực rất lớn từ cộng đồng dân cư, góp phần vào kết quả đạt được trong xây dựng NTM tại cấp xã nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung, diện mạo nông thôn huyện Ðiện Biên ngày càng khang trang hơn”.

Trong 5 năm, người dân, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã tự nguyện đóng góp bằng tiền, đóng góp công lao động, vật liệu, hiến đất để xây dựng NTM với tổng kinh phí là 94,803 tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; thành lập “Tổ tự quản môi trường”, phát động ủng hộ “Vì người nghèo”, “Quỹ xóa nhà tạm, dột nát”… cũng đóng vai trò không nhỏ để các xã hoàn thiện những tiêu chí NTM.

Triển vọng từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Để nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 26 sản phẩm của 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó: 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Điện Biên cho biết: Xây dựng sản phẩm đạt chuẩn rất quan trọng, song làm thế nào để sản phẩm lưu thông trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng thường xuyên mới là vấn đề cốt lõi. Ðây là mục tiêu chính của chương trình, là mong muốn của chủ thể kinh tế khi xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Vì vậy, gần 2 năm nay bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm, các chủ thể kinh tế và các ngành: NN&PTNT, Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ngày 9/7 vừa qua, tỉnh Ðiện Biên và tỉnh Quảng Ninh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển sản phẩm OCOP. Hai bên thống nhất thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chương trình OCOP; thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường của 2 tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, hai bên tổ chức các hội chợ OCOP về nông nghiệp, Văn phòng Điều phối nông thôn mới 2 tỉnh đề xuất Ban Tổ chức Hội chợ mời các doanh nghiệp của 2 tỉnh tham gia với chi phí ưu đãi để giới thiệu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên tại sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo Ðiện Biên chất lượng cao có quy mô lớn nhất tỉnh. Năm 2019 Hợp tác xã có sản phẩm Gạo Tâm Sáng đạt chuẩn OCOP, tiêu chuẩn 3 sao, đến nay đã tiếp cận được một số thị trường, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương…

Hiện nay, sản lượng tiêu thụ gạo thành phẩm ước đạt 500 – 600 tấn/vụ. Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX cho biết: Tỉnh Quảng Ninh có nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận được những thị trường rất khó tính ở khu vực miền Bắc và các thành phố lớn trong cả nước. Tham gia hợp tác phát triển sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi sẽ có dịp học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, cách thức tiếp cận các thị trường khó tính và xây dựng thương hiệu gạo Tâm Sáng Ðiện Biên trên thị trường. Ðây là cơ hội tốt giúp các chủ thể kinh tế OCOP phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Mường Ảng triển khai các hoạt động tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, HTX chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Năm 2019, trên cơ sở đăng ký sản phẩm của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, sau khi đánh giá, phân hạng cấp huyện, UBND huyện Mường Ảng đã đề nghị Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sản phẩm: Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng – Ðiện Biên; Cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag và Cà phê túi nhúng Smile single bar coffee. Kết quả cả 3 sản phẩm đều được công nhận đạt “3 sao”, là 3 trong số 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2019 của tỉnh.

“Tới đây, Sở NN&PTNT dự kiến sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đi tham quan, học hỏi, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại tỉnh Ðiện Biên với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành khu vực Bắc bộ nhằm tìm hiểu, kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ, chương trình hợp tác phát triển sản phẩm OCOP” – ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh