Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đổi thay trên quê hương Tân Trào

13:09 15/10/2021 GMT+7

Khi nhắc đến xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) là chúng ta sẽ nghĩ tới một địa danh lịch sử hào hùng của dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạnh giờ đây Tân Trào lại chuyển mình đi đầu trong các phong trào của tỉnh Tuyên Quang.

Lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22 – 8 – 1945).

Xã đầu tiên cán đích NTM của Tuyên Quang

Ấn tượng đầu tiên khi về “Thủ đô kháng chiến” xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) ngay từ những con đường làng, nội thôn, nội xóm đã được bê tông sạch đẹp, cảnh quan môi trường luôn được người dân quan tâm chăm sóc, qua đó đã góp phần thuận lợi trong việc đón hành nghìn đoàn khách tới thăm quan các điểm lịch sử mỗi năm.

Phát huy những truyền thống đó, người dân xã Tân Trào luôn nỗ lực, đoàn kết đi đầu trong các chương trình, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm triển khai đến năm 2014 xã Tân Trào đã là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích hoàn thành 19/19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào phấn khởi cho biết: “Sau 7 năm đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Trước khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã còn trên 50% hộ nghèo, nhưng tới nay chỉ còn 3,2% hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 38 triệu/người/năm”. Xã Tân Trào phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Đẩy mạnh ngành Du lịch truyền thống

Nhằm phát huy những giá trị truyền thống: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… để nơi đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước mà còn giúp phát triển ngành Du lịch.
Tới Tân Trào, du khách không chỉ được tham quan hệ thống di tích cách mạng kháng chiến mà còn được tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, trải nghiệm việc thu hái, sao chè tại làng chè Vĩnh Tân; học làm cơm lam, xôi ngũ sắc và nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở Làng Văn hóa – Du lịch thôn Tân Lập…

Chị Triệu Thị Thành (thôn Tập Lập) cho chúng tôi biết: Sau khi thăm quan các điểm di tích lịch sử, khách du lịch sẽ được trực tiếp làm cơm lam, hái chè, làm xôi ngũ sắc… được trải nghiệm các hoạt động cùng với người dân. Chính vì vậy không chỉ khách nước ngoài muốn tìm hiểu mà các đoàn khách trong nước cũng rất nhiều. Phát huy giá trị của những địa chỉ đỏ cách mạng ở địa phương, người dân thôn Tân Lập đã có cuộc sống khá hơn nhiều.

Để phát triển du lịch, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030, nhằm đưa Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành Khu Du lịch quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”. Với những sự đổi thay tích cực trong thời gian tới, người dân Tân Trào và ngành Du lịch Tuyên Quang sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

“Phát huy tinh thần tương thân tương ái cùng cả nước đồng lòng phòng chống dịch COVID-19, nhân dân xã Tân Trào, cùng các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã tích cực đóng góp ủng hộ được hàng chục triệu đồng cho Quỹ vắc xin, mua thiết bị y tế và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.”
Ông Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào.

Tuấn Kiên