Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê 2022

07:43 24/10/2022 GMT+7
Chiều 23/10, Lễ hội Katê năm 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận chính thức khai mạc tại sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách.

Chú thích ảnh

Các vị chức sắc đồng bào Chăm đánh chiêng, bắt đầu nghi thức đi rước y trang tại Lễ hội Katê 2022. 

Mở đầu Lễ hội Katê, các vị chức sắc cùng đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tổ chức nghi lễ truyền thống rước và đón y trang nữ thần Pô Inư Nưgar (còn gọi thần mẹ xứ sở dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, giúp người dân có cuộc sống no ấm) từ đồng bào Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam.

Sau khi đại diện Ban Tổ chức Lễ hội Katê đọc thư chúc mừng của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ninh Phước và tuyên bố chính thức khai mạc Lễ hội, các vị chức sắc đồng bào Chăm nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo huyện và đoàn rước y trang diễu hành ngang qua lễ đài và đưa về đền thờ trong thôn Hữu Đức.

Trong không khí rộn ràng, âm vang bởi tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai réo rắt, các chàng trai, cô gái người Chăm trong trang phục truyền thống cất lên lời ca và biểu diễn các điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng chào mừng Lễ hội.

Tham gia đoàn văn nghệ, chị Hán Thị Lành phấn khởi cho biết, sau hai năm hạn chế các hoạt động vì dịch COVID-19, Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, ai nấy đều nô nức đón chào ngày Lễ lớn nhất trong năm. Gia đình chị tổ chức trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật cúng dâng lên và cầu mong các vị thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ để con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Chú thích ảnh

Các cô gái Chăm múa biểu diễn chào mừng Lễ hội Katê 2022. 

Lễ hội Katê năm nay thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm. Anh Trần Mạnh Quân (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, tham dự Lễ hội Katê anh và mọi người được hòa mình vào bầu không khí sôi động, náo nhiệt, thưởng thức những làn điệu dân ca Chăm ngọt ngào, các cô gái Chăm duyên dáng trong tà áo dài nhiều màu sắc biểu diễn những vũ điệu truyền thống.

Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Năm nay, Lễ hội Katê diễn ra trong 3 ngày từ 23 - 25/10, theo phong tục truyền thống hằng năm, cứ vào ngày mùng 1/7 Chăm lịch (tức ngày 24/10 Dương lịch) tại các khu vực đền, tháp Chăm gồm đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai; tháp Pô Rômê sẽ bắt đầu ngày lễ chính tổ chức các đoàn rước y trang, mở cửa tháp và tiến hành các nghi thức tôn giáo, văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Ngày 25/10, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê nhà sum họp và quây quần bên người thân, gia đình.

Chú thích ảnh

Lễ hội Katê 2022 thu hút hàng nghìn đồng bào Chăm, người dân và du khách từ các nơi về tham dự. 

Đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận hiện có trên 53.700 người, sinh sống tập trung tại địa phương của các huyện như Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên, nên việc tổ chức đón Lễ hội Katê cũng sung túc hơn. Các làng đồng bào Chăm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn trang phục, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, nặn gốm truyền thống, tổ chức các giải thi đấu bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian… để người dân vui đón Lễ hội Katê.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức Lễ hội Katê tại các khu vực, đền, tháp; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đảm bảo vui tươi, an toàn, tiết kiệm và thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; đồng thời tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, các gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu, chúc đồng Chăm hưởng một mùa Katê thật vui tươi, an lành và hạnh phúc.

Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, năm 2017 “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà Lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Ninh Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Theo TTXVN/Vietnam+

  • “Nông dân chính là tương lai của chúng ta”
    Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
  • Cách trồng chuối Laba cho năng suất cao
    Chuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
  • Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyện
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025.  Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
  • “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
  • Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
    Tháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
  • Đổi mới trên quê hương Nho Quan
    ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".