Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ứng phó với bạo lực

Đào Ngọc Thuỷ - 11:01 28/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” là chủ để của ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022. Tuy nhiên, hiện nay trong khi chúng ta đang chung tay xây dựng xã hội văn minh hiện đại, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức.
Toàn thế giới đang cùng nỗ lực để chống lại hành động bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: socialistsanddemocrats.eu

Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến gia đình

Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em gái, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Vì vậy cộng đồng và mỗi công dân cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước ngăn chặn, xóa bạo lực gia đình trong đời sống xã hội.

Theo kết quả điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2/3 phụ nữ (62,9%) đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế cũng như các hành vi kiểm soát từ người chồng trong cuộc đời mình. Nhưng hầu như tất cả các phụ nữ (90,4%) từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các cơ quan cung cấp dịch vụ chính thống và gần một nửa số phụ nữ không bao giờ chia sẻ tình trạng của mình với bất kỳ ai, phần lớn vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối thêm. Ngoài ra, điều tra còn cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tại vùng nông thôn cao hơn (28%) so với thành thị (22%). 

Như vậy, điều đó cho thấy thực tế về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn đang ẩn khuất trong xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều những vấn đề khác còn tồn tại, hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình… Cụ thể, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành và có hiệu lực cách đây 15 năm đã cho thấy một số hạn chế, đòi hỏi phải tiến hành đánh giá và nghiên cứu công tác thực thi pháp luật để hoàn thiện và điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ngoài ra, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước khi sinh cũng là một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam khi tỷ số giới tính khi sinh ước tính là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái, cao thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả là có khoảng 45.900 trẻ em gái không được sinh ra mỗi năm tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022 gắn với tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (từ ngày 15/5 - 30/6) là hoạt động ý nghĩa, tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Ngày Gia đình Việt Nam chính là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, mỗi thành viên của gia đình hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, lên án xâm hại trẻ em và đề cao những hành động đẹp của các thành viên trong gia đình.

Khởi động dự án“Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác giai đoạn 2022 – 2026” tại T.Ư Hội NDVN. Ảnh: Tuyết Minh 

Hội ND đồng hành, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực

Những năm qua, nhằm giúp phụ nữ ứng phó với bạo lực giới, Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã có những nỗ lực nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, các thực hành có hại, bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền phụ nữ. 

Năm 2021, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ UNFPA trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của Covid -19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương nhằm đạt Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Hội NDVN đã thiết lập tổng đài hỗ trợ miễn phí 1800.1768 cũng như trang web nhắn tin đặc biệt. Đây là một trong những hoạt động hữu ích nhằm giúp những phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực ở nông thôn có thể gọi cho đường dây nóng. Đường dây cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và chuyển gửi 24/7 nhằm đảm bảo quyền cũng như sự an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. 

Cuối tháng 5/2022, lễ công bố và khởi động dự án mới “Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác giai đoạn 2022 - 2026” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tài trợ không hoàn lại. Với vai trò là chủ dự án, T.Ư Hội NDVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế để thực hiện. Dự án mới này sẽ được triển khai tại 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Lâm Đồng với tổng ngân sách 6.9 triệu USD.

Được biết, đầu năm 2022, Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã phê duyệt Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với ngân sách 26,5 triệu USD nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030, hướng tới những nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Chương trình phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Trước bối cảnh của Việt Nam như trên, trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia mới chu kỳ thứ 10 của UNFPA, chúng tôi sẽ hỗ trợ Hội NDVN đưa ra sáng kiến cải tiến theo hướng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy thay đổi nhận thức của xã hội và thay đổi hành vi. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ vận động nam giới và trẻ em trai tham gia giải quyết vấn đề nam tính độc hại và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và không bạo lực. Ngoài ra dự án mới sẽ huy động sự tham gia của cộng đồng, tập trung vào trẻ vị thành niên và thanh niên, nam giới và trẻ em trai, và các nhóm dễ bị tổn thương khác để họ thay đổi thái độ và thực hiện những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác.

“UNFPA đã làm việc với Hội NDVN trong những năm qua và chúng tôi đánh giá cao sự nghiêm túc và quan tâm mà Hội NDVN luôn dành cho việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như hỗ trợ những đối tượng này tại cộng đồng. Hội ND có một mạng lưới rộng lớn trên toàn quốc và có thể khuyến khích nông dân Việt Nam tham gia vào các hoạt động xã hội. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể vươn tới một Việt Nam không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vì một Việt Nam tôn trọng quyền và lựa chọn của tất cả mọi người. Chúng ta cùng nhau hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 cho phụ nữ và trẻ em gái.” - bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.