Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Nai: Đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp

Tú San - 15:19 23/03/2023 GMT+7
Ngày 23/3/2023, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ nông dân, Hội Nông dân, các nhà khoa học, quản lý… để cùng trao đổi định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh.

Lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị quy mô lấy ý kiến nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học để phát triển ngành Nông nghiệp. Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và bà con nông dân cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại. Hôi nghị cũng là diện đàn để bà con nông dân phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến lãnh đạo UBND tỉnh, đây cũng là dịp để các cơ quan ban ngành quản lý của địa phương lắng nghe những ý kiến phản hồi về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Nguyễn

Tại hội nghị ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hội nghị với mong muốn các cấp lãnh đạo tỉnh và đại diện của nông dân thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về khó khăn, tồn tại, kiến nghị trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới; Đề xuất, định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”.

Cũng trong dịp này, rất nhiều nội dung, đề nghị từ các đại biểu nông dân các huyện như Vĩnh Cửu, Tân Phú, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán…cũng đã gởi đến lãnh đạo. Về chính sách hỗ trợ nông dân, nông dân huyện Vĩnh Cửu đề nghị có các chính sách hỗ trợ để nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và có giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề được nông dân quan tâm nhiều vẫn là nhu cầu vay vốn cho sản xuất nông nghiệp, đại biểu của thành phố Long Khánh đề nghị UBND tỉnh và các ngành có liên quan có các phương án, giải pháp để nông dân tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.  

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu nông dân quan tâm đó là vấn đề nguồn tiêu thụ nông sản, trong đó đại biểu của huyện Trảng Bom đề nghị: “Hiện nay, việc tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn do nông dân chưa kết nối được chuỗi liên kết sản xuất. Đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải pháp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu vào và đầu ra cho nông dân”.

Đại diện Hội Nông dân đưa ý kiến đến lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Việt Nguyễn

Để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững và đạt chất lượng cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, việc tiếp cận và áp dụng còn gặp nhiều hạn chế, giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao đã làm lợi nhuận người chăn nuôi giảm. Theo đó, một số khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp liên quan đến việc chưa đảm bảo về hạ tầng, giao thông, vận chuyển nông sản. Bên cạnh đó, sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ chưa có, thực tế cho thấy sản phẩm chuyển đổi với sản phẩm thông thường giá bán như nhau thậm chí còn thấp hơn do mẫu mã không bắt mắt. Ngoài ra, người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh tại địa phương muốn mở điểm bán hàng sản phẩm OCOP trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhưng hạn chế kiến thức về thông tin quy trình, thủ tục và chính sách hỗ trợ thành lập điểm bán sản phẩm OCOP cũng đang là rào cản khiến nông sản chưa vươn xa được các thị trường ngoài.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của những đại biểu, ông Võ Văn Phi đánh giá, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Người nông dân và các cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành Nông nghiệp luôn tăng cao; Xuất khẩu nông lâm thủy sản, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, tác động đến thị trường hàng hóa trong nước. Tất cả những yếu tố đó đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu.

Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã và đang đặt ra mục tiêu chiến lược phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường; Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản.

Tính đến tháng 12/2022, tỉnh Đồng Nai đạt tổng đàn heo khoảng 2,5 triệu con, gia cầm khoảng 28 triệu con (đàn gà 26,6 triệu con; đàn trâu và bò khoảng 93.000 con).

Về lĩnh vực trồng trọt, hiện tại tỉnh Đồng Nai đạt 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới có chất lượng cao. Trên 130 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Diện tích ứng dụng tưới tiết kiệm đạt 57.822 ha. Gần 2.000 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn.

Bên cạnh đó, trên đia bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 cây trồng. Gần 150 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Đến nay, toàn tỉnh có trên 120 mã số vùng trồng với diện tích 24.200 ha và 58 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand.