Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch chưa là ngành kinh tế mũi nhọn

22:21 27/10/2018 GMT+7

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng trưởng trong những năm qua, ngành du lịch phát triển nhưng còn nhiều bất cập, như mức độ chi tiêu, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ của khách còn thấp, trong khi đó còn tình trạng tour 0 đồng, hướng dẫn viên nước ngoài núp bóng, ăn xin, chèo kéo khách du lịch, ép giá, mất vệ sinh…

Theo Tổng cục Du lịch, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017).

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng theo từng năm. Năm 2016, lượng khách đến mới đạt trên 10 triệu lượt, năm 2017 đã đạt 12,9 triệu lượt (tăng 29%). Giai đoạn 2015- 2017, lượng khách quốc tế tăng 1,63 lần, tốc độ tăng trưởng trung bình 28%/năm.

Đột phá từ khách quốc tế

Dự báo, năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 15 triệu lượt, tăng 1,9 lần so với năm 2015; Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh (Đoàn Hà Nội), Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, đánh giá từ năm 2016 đến nay, tất cả báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội đều đánh giá ngành du lịch là một điểm sáng cả về mức tăng trưởng và tiềm năng.

Năm 2015, Bộ VH-TT&DL xây dựng Chiến lược phát triển ngành du lịch, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế, nhưng năm 2016, khách quốc tế tới Việt Nam bất ngờ đạt 10 triệu lượt, năm 2017 đạt gần 13 triệu lượt, năm 2018 ước khoảng 15-16 triệu lượt.

Khách quốc tế liên tục tăng nhưng giá trị thu về chưa tương xứng

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng, Bộ VH-TT&DL có thể mạnh dạn đặt kỳ vọng năm 2020 thu hút 20 triệu khách quốc tế, 2025 là 28 triệu khách.

Song, đại biểu Thanh bày tỏ băn khoăn: khách quốc tế liên tục tăng trưởng nhưng bản chất tăng từ đâu. Hơn nữa, khách du lịch không thể tăng mãi, năm nào cũng 20-30% vì năng lực đáp ứng của Việt Nam không theo kịp. Đơn cử về cơ sở lưu trú, xây một khách sạn ít nhất cũng phải mất 2 năm.

Chưa kể, du lịch Việt Nam phát triển nhưng còn nhiều bất cập, còn tình trạng tour 0 đồng, hướng dẫn viên nước ngoài núp bóng, ăn xin, chèo kéo khách du lịch, ép giá, mất vệ sinh…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Được (Đoàn Hà Nội), đánh giá những năm qua, du lịch phát triển nhưng khách Trung Quốc vào ăn gì, chi tiêu thế nào, chúng ta vẫn chưa quản lý tốt. Nhiều du khách ở khách sạn riêng, ăn riêng một khu vực, chỉ sử dụng dịch vụ của họ.

Cùng với đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng đóng góp cho tăng trưởng, cho ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, năm 2014, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.144 USD. Đến năm 2017, con số này chỉ tăng lên mức 1.171 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…

Đầu tư cho “mũi nhọn”

Cũng theo thống kê này, trong 5 năm trở lại đây, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác.

Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí. Trong khi đó, tại các quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40- 50%, thậm chí đến 60- 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.

Nguyên nhân được xác định là do lượng du khách châu Á đến Việt Nam ngày càng tăng mạnh, chiếm tới hơn 70%. Lượng khách này chi tiêu ít hơn nhiều so với du khách đến từ các khu vực khác như châu Âu, Mỹ hay Australia.

Vì vậy, đại biểu Phạm Quang Thanh cho rằng chiến lược phát triển ngành du lịch cần phải thay đổi, đừng quá đặt nặng về số lượng mà cần quan tâm tới chất lượng. Chuyển sang chất lượng bằng cách tái cơ cấu nguồn khách.

Chúng ta chưa có một ngành kinh tế mũi nhọn khi nói về ngành du lịch. Đằng sau nó cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề như giá trị gia tăng từ doanh thu du lịch. Điều quan trọng nhất là nhiều khoản thu từ du lịch có thực sự ở lại Việt Nam hay dòng tiền chảy sang nước khác.Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW

“Hiện nay, khách quốc tế tới Việt Nam cứ 10 người thì 3 người là khách Trung Quốc, một khách là người Hàn Quốc. Nếu quá dựa vào một thị trường, ngành du lịch Việt rất dễ xảy ra biến cố khi thị trường biến động. Chưa kể thu hút một khách chi 1.000 USD chắc chắn vẫn quý hơn 2-3 khách mà tiêu chỉ hơn 200 USD”, đại biểu này phân tích.

Cùng với đó, ngành du lịch muốn phát triển cần phải có những sản phẩm và dịch vụ độc đáo. Ông Lại Văn Quân, Trưởng Phòng Du lịch, công ty du lịch Tricolour Travel, cho hay nếu như khách đến Las Vegas (Mỹ) chơi casino, đến Ibiza (Tây Ban Nha) để trải nghiệm hộp đêm, đến Thái Lan để đắm chìm trong các thiên đường giải trí, thì đến Việt Nam không biết chơi gì, chỉ để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh.

Chưa kể đang xảy ra tình trạng có một số trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch chủ yếu là người nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ phục vụ riêng nguồn khách của họ và nguồn tiền mua sắm lại được chuyển trực tiếp về nước.

Trước tình trạng trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu thời gian tới, ngành du lịch cần đổi cách thống kê chuyển từ lượng sang chất, nói cách khác là thay vì chỉ thống kê tăng trưởng về lượng cần phải đánh giá thêm các chỉ tiêu về chi tiêu, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ của du khách.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch cần phải thay đổi, bắt đầu từ cách quản lý. Những năm gần đây có nhiều chính sách phát triển ngành du lịch nhưng dường như mới chỉ dừng ở chủ trương, còn hành động quá ít.

Đại biểu Thanh cho biết Việt Nam dành quá ít ngân sách cho quảng bá, tiếp thị (khoảng 2 triệu USD/năm). Kinh phí đầu tư này không tương xứng với mức tăng trưởng của ngành. 2 triệu USD đôi khi chỉ tham gia một hội chợ là hết.

Nếu xem ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì nên tập trung đầu tư để phát triển, Nhà nước bỏ ra vài nghìn tỷ đồng nhưng có thể thu về hàng trăm nghìn tỷ.

Lê Thúy