Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch lễ hội miền Trung: Bao giờ kết nối?

22:57 28/04/2018 GMT+7

Ngày 27/4/2018, thành phố Đà Nẵng phát động “tháng du lịch biển 2018”. Tiếp sau vài giờ đồng hồ, đến lượt Festival Huế 2018 cũng được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng khai mạc. Hai sự kiện này nhìn qua ngỡ như chẳng liên can gì với nhau, song thể hiện một khúc mắc có từ lâu rồi: thực trạng kết nối du lịch các tỉnh miền Trung xưa nay hoàn toàn rời rạc.

Kết nối du lịch kiểu “bàn xong bỏ đó?

Có thể nhắc lại, từ năm 1998, lãnh đạo 3 địa phương liền kề Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cùng ngồi lại với nhau để bàn phương án kết nối du lịch. Để rồi sau đó, gần như thường niên, các buổi gặp gỡ đã diễn ra liên tục, có cả những sự kiện ghi nhận ký kết chương trình hành động rất sâu sắc. Tinh thần các lần họp bàn này, là 3 địa phương mong muốn hợp tác cùng nhau, dựa trên mỗi lợi thế du lịch có sẵn của mỗi địa phương, để cùng chung tay tạo nên sức mạnh du lịch chung cho cả miền Trung.

Ngành du lịch Đà Nẵng khởi động mùa du lịch biển trước thời điểm Festival Huế 2018 khai mạc vài giờ đồng hồ.

Sau năm 2010, Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì yêu cầu hợp tác liên kết cùng nhau này, lại càng được đặt ra cấp thiết. Một số chương trình du lịch đặc thù, như kết nối di sản thế giới miền Trung, hợp tác 3 điểm di sản khu vực… đã liên tiếp được Đà Nẵng khởi xướng và Thừa Thiên Huế, Quảng Nam cùng tỏ lòng ủng hộ.

Tuy nhiên, sự thực sau mỗi lần họp bàn, hoạt động du lịch của mỗi địa phương vẫn chỉ quẩn quanh trong phạm vi cục bộ của mình. Như có 1 cái lệ bất thành văn tồn tại ở đây giữa 3 tỉnh thành, sự kiện du lịch của địa phương này thế nào cũng có va chạm sự kiện du lịch của địa phương liền cạnh. Cả 3 tỉnh thành như ngấm ngầm cạnh tranh, đến nỗi 1 số doanh nghiệp địa phương có biểu hiện bài xích sản phẩm của nhau, cũng không thấy địa phương nào nhắc nhở.

Mùa lễ hội miền Trung 2018 năm nay, hiện tượng va chạm ấy như đang tiếp tục tiếp diễn. Lãnh đạo sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, hoạt động du lịch biển Đà Nẵng có thể còn đông hơn, nếu sự kiện Festival Huế không lôi cuốn gần 50% lượng khách. Ngược lại, 1 lãnh đạo chính quyền Thừa Thiên Huế tâm tư, dù muốn hay không, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 cũng đang tác động hạn chế du khách đến với Festival Huế…

Vì sao không thể đồng lòng?

Một chuyên gia tư vấn du lịch nhìn nhận, thực chất thì khả năng kết nối du lịch giữa các địa phương miền Trung không hề khó. Chỉ cần có sự dàn xếp tốt và phân chia cơ hội cho nhau, thì địa phương nào cũng có thể vận dụng được thế mạnh của mình để hút khách du lịch. Trong đó, bố trí lịch trình cùng nhau sẽ là điều cơ bản để vận động hiệu quả sự phối hợp giữa các địa phương.

Đơn cử năm nay, Festival Huế khai mạc ngày 27/4 còn Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng diễn ra ngày 30/4. Vậy tại sao 2 địa phương không cùng ngồi lại, triển khai kế hoạch mời chào du khách đến Huế dự khai mạc Festival, rồi có 2 ngày tham quan các điểm danh thắng ở Huế. Các du khách muốn di chuyển cũng có thể ra Quảng Trị hay vào Hội An trong vòng 24  giờ, để qua ngày 30/4 có mặt tại Đà Nẵng tham gia lễ hội pháo hoa.

Festival Huế 2018 bị đánh giá ít hút du khách do ảnh hưởng sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Việc bài trí một lịch trình như vậy thật sự rất cần thiết, giúp du khách trải nghiệm được nhiều không gian sống hơn, tận hưởng được nhiều màu sắc văn hóa lễ hội hơn, làm tăng thêm giá trị du lịch chung cho cả 3 tỉnh thành.

Chỉ cần ít nhất 6 tháng trước khi làm các sự kiện, 3 tỉnh thành ngồi lại cùng lên kế hoạch, góp ý với nhau để triển khai các nội dung tổ chức một cách hài hòa, thì ai cũng có cơ hội cả, mà du lịch miền Trung sẽ thật sự thu hút, hấp dẫn hơn”.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng, dĩ nhiên không thể không ghi nhận cố gắng của cả 3 địa phương suốt 10 năm qua, trong việc tìm tiếng nói chung phát triển du lịch. Cụ thể mới đây, Đà Nẵng đã tài trợ cho Huế 30 tỷ đồng để góp sức phục chế bảo tồn các di tích lịch sử. Địa phương này cũng vừa cam kết với Huế cùng nhau phục chế di tích Hải Vân Quan, đưa vào một lộ trình tour nối liền giữa Huế và Đà Nẵng.

Thế nhưng tại sao những ý tưởng kết nối du lịch của 3 tỉnh thành, cứ nói hoài, bàn hoài mà không trở thành hành động thiết thực, giúp làm tăng giá trị thúc đẩy cho toàn cảnh du lịch miền Trung tốt hơn, đa dạng dịch vụ và thỏa mãn cho du khách hơn?  Lý do nào, lực cản nào làm chậm trễ tiến trình kết nối này? Đây thật sự là những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo.

Nguyên Đức