Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giấc mơ xuất khẩu cầu thủ sắp thành hiện thực

23:48 15/02/2019 GMT+7
Bầu không khí Tết còn chưa hạ nhiệt, bóng đá Việt đã sớm nóng lên khi hàng loạt gương mặt sáng giá chính thức ra nước ngoài thi đấu. Câu chuyện chẳng mới và lợi ích từ việc xuất khẩu nguồn lực nội cũng chẳng phải bàn cãi nhiều, nhưng để trở thành hướng đi

Bầu không khí Tết còn chưa hạ nhiệt, bóng đá Việt đã sớm nóng lên khi hàng loạt gương mặt sáng giá chính thức ra nước ngoài thi đấu.

Câu chuyện chẳng mới và lợi ích từ việc xuất khẩu nguồn lực nội cũng chẳng phải bàn cãi nhiều, nhưng để trở thành hướng đi cho cả nền bóng đá quốc gia, lại chẳng phải câu chuyện dễ dàng gì.

Từ những chuyến bay show quảng cáo…

Phát súng đầu tiên nổ vào năm 2001, khi Lê Huỳnh Đức – tiền đạo số 1 quốc gia sang thi đấu cho Chongquin Lifan (Trung Quốc) với bản hợp đồng kéo dài… 4 tháng! Nhưng ngay khi bản hợp đồng này được công bố, chẳng cần phải là người trong giới cũng hiểu bản chất của cuộc chuyển nhượng này là gì khi CLB bóng đá Trung Quốc kia cũng chính là 1 hãng xe máy đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam và chuyến ra đi của Huỳnh Đức là nhiệm vụ, chứ chẳng hề dính dáng đến chuyên môn.

Sau Huỳnh Đức, là những cái tên như Lương Trung Tuấn, Nguyễn Việt Thắng, nhưng chuyện xuất ngoại cầu thủ nội lắng xuống bởi cái lẽ đơn giản – chưa đủ trình độ chuyên môn, đó là cũng chưa kể sự khan hiếm tài năng ngay ở đấu trường trong nước. Kể cả sau này, chân sút xứ Nghệ Lê Công Vinh, từng 2 lần sang thi đấu cho các đội bóng của Bồ Đào Nha (CLB Leixoes vào năm 2009) và Nhật Bản (CLB Consodale Sapporo năm 2013) được xem là 1 phần nhờ vào yếu tố chuyên môn, nhưng đâu đó đằng sau vẫn là những màn PR thời vụ.

Đến thất bại của Hoàng Anh Gia Lai

Câu chuyện xuất khẩu cầu thủ lắng xuống và chỉ ồn ào trở lại khi đội bóng phố Núi Hoàng Anh Gia Lai phối hợp với CLB hàng đầu nước Anh Arsenal mở học viện bóng đá, rồi ngay lập tức “xuất xưởng” lứa trẻ tài năng với những cái tên lúc này đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia như: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Toàn… Bầu Đức khi đó thậm chí tuyên bố, mục tiêu của học viện là xuất khẩu cầu thủ tới những quốc gia có nền bóng đá phát triển tại châu Á.

Và ông bầu quyền lực của phố Núi chẳng hề nói suông. Chỉ trong năm 2016, hai ngôi sao sáng nhất của Hoàng Anh Gia Lai đã xuất ngoại. Lương Xuân Trường được sang Hàn Quốc thi đấu 2 năm trong màu các CLB Incheon United và Gangwon. Trong khi đó, điểm đến của Công Phượng là CLB Mito Hollyhock tại giải hạng 2 của Nhật Bản.

Cả hai bản hợp đồng đều có màn ra mắt hoành tráng và đều được khẳng định hoàn tất dựa trên năng lực chuyên môn của cầu thủ. Một chương mới của bóng đá Việt Nam được mở ra? Không, nó cũng sớm khép lại, cả Xuân Trường lẫn Công Phượng chủ yếu “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị, số lần ra sân cũng ít ỏi và không đủ khả năng tranh chấp về chuyên môn.

Giấc mơ xuất khẩu cầu thủ lại lắng xuống và giới làm nghề đành tự an ủi nhau, bóng đá Việt vẫn chẳng thiếu tài năng để phục vụ trong nước là đủ.

Nhưng tới lúc nâng tầm

Tài năng và cả tiềm năng của bóng đá Việt Nam là có thật, vấn đề là có phát huy được hay không mà thôi. Bằng chứng là chuỗi kỳ tích của các cấp đội tuyển quốc gia trong năm vừa qua, từ ngôi U23 châu Á, đến suất chơi bán kết ASIAD, rồi chức vô địch AFF Cup 2019 và gần nhất là vòng tứ kết Asian Cup 2019 ở UAE.

Đội tuyển quốc gia và bóng đá Việt Nam đã có được cái nhìn hoàn toàn khác với giới chuyên môn quốc gia, các cầu thủ Việt Nam sau màn tỏa sáng trên sân chơi châu lục cũng đã trở thành mục tiêu theo đuổi của các CLB nước ngoài. Và ngay sau Asian Cup kết thúc, lần lượt thủ môn Văn Lâm, tiền vệ Xuân Trường và ngôi sao trên hàng công Công Phượng sang thi đấu cho các CLB hàng đầu của Thái Lan và Hàn Quốc.

Thành công hay không, thật khó để trả lời khi tất cả mới chỉ bắt đầu, nhưng làn sóng ra đi mới này rõ ràng không giống như 2 lần trước mà xuất phát từ thành công của bóng đá Việt Nam lẫn sự khẳng định của các cầu thủ. Tất nhiên, xuất khẩu là chuyện còn xa, nhưng để cầu thủ Việt Nam đá được ở nước ngoài thì… chẳng xa lắm.

Ngọc Minh