Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giảm nghèo bền vững vì mục tiêu phát triển đất nước

Vũ Chiến - 08:01 02/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chịu tác động từ nhiều yếu tố như lực lượng sản xuất, điều kiện tự nhiên, các yếu tố chủ quan trong điều hành đất nước… Vì vậy, để chương trình mang lại hiệu quả, cần có các giải pháp khả thi, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Khi kinh tế vững mạnh, vị thế của quốc gia sẽ được nâng cao.

Song hành với mọi biến động của lịch sử, giảm nghèo bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ. Bởi nước mạnh phải xuất phát từ dân giàu, tiềm lực kinh tế là yếu tố quyết định vị thế một đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, kinh tế càng phát triển khoảng cách giàu - nghèo càng gia tăng. Đây là bài toán không có đáp án chính xác, bởi kết quả của nó phụ thuộc vào đường lối của Đảng, giải pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử, có phù hợp giúp thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững hay không.

Sự co giãn về khoảng cách giàu - nghèo của người dân, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tác động từ năng lực, trình độ và công nghệ của lực lượng sản xuất; vị trí địa lý của từng vùng miền; tổng mức đầu tư cho từng khu vực trong ngắn hạn và dài hạn; yếu tố kinh tế trọng điểm của vùng, miền; chiến lược thu hút đầu tư của lãnh đạo địa phương; tác động từ điều kiện tự nhiên tới mỗi khu vực địa lý; xu hướng toàn cầu hóa; sự quan tâm của chính quyền cơ sở đối với đời sống của người dân…

Khi những yếu tố đó được quan tâm bằng một kế hoạch phát triển có tính thực tiễn, sẽ tháo gỡ dần khó khăn của người dân, khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp, mang đến một xã hội phồn vinh. Cũng từ đó, an ninh trật tự được đảm bảo, tình đoàn kết dân tộc được tăng cường, sức mạnh mềm của dân tộc được nâng cao, mang lại sự ổn định cho chế độ chính trị, mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai cũng từ đó mà dần trở thành hiện thực.

Những yếu tố tác động tới thu nhập của người dân

Thứ nhất: Năng lực, trình độ và công nghệ của lực lượng sản xuất

Sức lao động; trình độ tay nghề của lực lượng lao động; thiết bị và công nghệ của tư liệu sản xuất, nằm trong tổng thể cấu thành nên lực lượng sản xuất, đây là những thành tố chủ lực tác động vào quá trình sản xuất tạo ra của cải vật chất. Sự phù hợp giữa trình độ tay nghề của người lao động với công nghệ và thiết bị của tư liệu sản xuất, tạo sự ổn định cho lực lượng sản xuất, là yếu tố quyết định mang đến thành công cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

Một quốc gia có nền kinh tế hội nhập sâu với thế giới, không thể thiếu sự phù hợp giữa các yếu tố của lực lượng sản xuất ở tất cả mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực sản xuất của cải vật chất. Tuy nhiên, các nước đang phát triển thường chưa quan tâm đúng mức, đối với sự phù hợp giữa các yếu tố cấu thành nên lực lượng sản xuất. Đây là nguyên nhân làm chậm lại quá trình phát triển đất nước, là lý do nới rộng khoảng cách tụt hậu giữa các quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân giúp “cái nghèo” có đất “nở hoa” trong “hầu bao” của người dân.

Đối với vai trò của nhà quản lý, cần đánh giá đúng mức độ phù hợp và mạnh dạn thay đổi những yếu tố không còn phù hợp của lực lượng sản xuất, nhất là yếu tố con người. Bởi một bộ máy sản xuất có đủ các yếu tố phù hợp, sẽ tận dụng tối đa năng lực sản xuất của dây chuyền thiết bị và tối đa hóa sức lao động của con người, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp chủ doanh nghiệp tích lũy được nguồn lực tài chính để tái sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư trong tương lai.

Trên góc độ quản lý nhà nước, các chính sách pháp luật phù hợp cho từng thời kỳ lịch sử, là “kim chỉ nam” cho tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kích thích kinh tế vùng miền phát triển, khuyến khích sản xuất của cải vật chất, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của người dân. Vì vậy, khi mối liên hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng chặt chẽ, sẽ giúp kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, song hành một cách phù hợp với tiến trình phát triển khách quan của xã hội.

Cán bộ Ngân hàng CSXH và hội, đoàn thể đến thăm hộ vay vốn sản xuất, quyết tâm thoát nghèo ở xã Ia HLa, huyện Chư Pưh (Gia Lai). Ảnh Đông Dư

Khi kiến trúc thượng tầng phù hợp với tiến trình phát triển khách quan của xã hội, sẽ tác động trở lại làm thay đổi một cách cơ bản kết cấu của cơ sở hạ tầng. Khi đó, lực lượng sản xuất sẽ phát huy tối đa năng lực sẵn có, tạo nền móng cho phát triển kinh tế của quốc gia. Dòng vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa qua, là một ví dụ rõ nét về yêu cầu phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Từ thực tế đó, việc xây dựng các chính sách như đào tạo nhân lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích hoặc ưu đãi nhập khẩu máy móc thiết bị có công nghệ tiên tiến và hàng loạt yêu cầu khác, để đón đầu xu hướng đầu tư bên ngoài, cần được những người xây dựng chính sách tính đến bằng một kế hoạch dài hơi, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực.

Một yếu tố vô cùng quan trọng, cần có sự phù hợp của kiến trúc thượng tầng với tiến trình phát triển khách quan của xã hội là thay đổi công nghệ, thiết bị cho nền sản xuất trong nước. Thay vì sản xuất của cải vật chất bằng máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu hiện nay, thì việc điều tiết bằng chính sách, trong đó có ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp, đối với hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị có hàm lượng chất xám tích lũy cao, công nghệ tiến bộ từ các nước phát triển, để thay thế máy móc thiết bị lạc hậu, tạo điều kiện giúp các nhà sản xuất trong nước đưa ra thế giới những sản phẩm ở phân khúc chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính, mang lại lợi ích vượt trội so với công nghệ, thiết bị hiện nay.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi dòng vốn xoay trục đầu tư vào nước ta sẽ kéo theo máy móc thiết bị tiên tiến, từ đó người lao động cũng được đào tạo nhằm phù hợp với sự đổi mới của công nghệ, giúp trình độ tay nghề của lực lượng lao động nước ta tiến gần hơn với thực tế phát triển chung của nền sản xuất thế giới, tạo cơ hội cho những nhà đầu tư trong nước thay đổi công nghệ từ nền tảng của lực lượng lao động có tay nghề cao hơn.

Cũng từ thực tế của dòng vốn đang dịch chuyển giữa các quốc gia, Việt Nam cần soi chiếu vào nền kinh tế của các nước phát triển để tìm ra những yếu tố cần, yếu tố đủ mà kinh tế Việt Nam cần bổ sung, cần điều tiết, giúp đón đầu một cách phù hợp đối với cơ hội tăng tốc nền kinh tế. Bởi ở thời điểm hiện nay, thay đổi một cách phù hợp sẽ tận dụng tối đa các lợi thế của đất nước, tạo uy tín cho các nhà đầu tư nước ngoài, tối đa hóa các yếu tố tích cực giúp nhà đầu tư ra quyết định dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam.

Thứ hai: Yếu tố khách quan và sự điều tiết bằng chính sách một cách phù hợp

Việt Nam có 3.260km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, là lợi thế rất lớn trong giao thương hàng hóa của nước ta với thế giới, bởi vận tải thủy có chi phí thấp hơn các loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai, bão lũ, tiềm ẩn rủi cao với kinh tế vùng miền, nhất là đối với khu vực đồng bằng ven biển, hay vùng núi bởi độ dốc khá cao. Vì vậy, cần có đối sách phù hợp khi lựa chọn và định hướng đầu tư của lãnh đạo các địa phương một cách căn cơ, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, mang lại sự ổn định trong sản xuất, đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động.

Mỗi vùng miền đều có những khó khăn riêng và lợi thế riêng đối với một số loại sản phẩm, hàng hóa nhất định. Ở đó, lợi thế so sánh phải được phân tích, đánh giá và đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho quá trình phát triển kinh tế vùng, mang lại sức cạnh tranh giúp tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong đó các yếu tố cần tính đến như điều kiện tự nhiên, sản phẩm có ưu thế đối với khu vực, năng lực tay nghề của lực lượng lao động địa phương, chi phí lưu kho bãi và chi phí lưu thông hàng hóa…

Khi quy hoạch kinh tế vùng cần chú trọng tới yếu tố hạ tầng giao thông, khuyến khích đầu tư hệ thống kho bãi trung chuyển. Ảnh minh hoạ

Vận tải hàng hóa; mạng lưới kho bãi; các chi phí dịch vụ trong lưu thông, là những yếu tố cấu thành nên chi phí logistics trong doanh nghiệp. Trong đó, chi phí vận tải hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào hạ tầng giao thông. Một mạng lưới giao thông thuận lợi sẽ là thế mạnh của các tỉnh trong thu hút đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Vì vậy khi quy hoạch kinh tế vùng cần chú trọng tới yếu tố hạ tầng giao thông, khuyến khích đầu tư hệ thống kho bãi trung chuyển. Thêm vào đó, công nghệ thông tin trong khâu lưu thông hàng hóa giúp giảm chi phí, hạ giá thành, thúc đẩy sức cạnh tranh cho sản phẩm cùng loại, tạo liên kết ngắn nhất giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy để kinh tế vùng phát triển bền vững, không thể bỏ qua những nhân tố tích cực nói trên.

Những tác động từ con người làm thay đổi một phần điều kiện tự nhiên, gây phương hại đến quá trình sản xuất trong tương lai, cũng là bài toán cần được quan tâm. Lấy ví dụ như sự suy giảm lượng nước sông Mê Kông do xây dựng thủy điện ở đầu nguồn nước, làm suy giảm cơ bản về nguồn lợi thủy sản, làm thay đổi cơ cấu cây trồng dưới lưu vực sông, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cư dân dọc hai bên bờ sông.

Tuy nhiên, bờ biển nước ta chạy suốt theo chiều dài của dải đất hình chữ S, có thể là phương án cần tính đến giúp bổ sung nguồn nước ngọt cho đồng bằng, vào mùa khô hạn sau khi đưa ra được biện pháp làm giảm lượng muối trong nước biển. Một số giải pháp có thể tính đến là tích nước dọc sông giống như các kho trung chuyển hàng hóa, hoặc dẫn nước vào một dòng chảy khác với mục đích tích lũy nước, thường xuyên nạo vét dòng chảy để dự trữ nguồn nước tưới tiêu vào mùa khô.

Thứ ba: Tác động từ toàn cầu hóa

Trong xu thế kinh tế hội nhập hiện nay, nền sản xuất thế giới đã đi sâu vào chuyên môn hóa cao ở tất cả mọi lĩnh vực, những mặt hàng chuyên biệt trong lĩnh vực công nghệ cao do một số nước phát triển nắm quyền chi phối, bỏ lại khoảng trống của các sản phẩm thiết yếu cho nền sản xuất của các nước đang phát triển. Khoảng trống đó đã tạo cơ hội cho người dân ở những nước nghèo tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên khi kinh tế thế giới đi vào mức độ chuyên môn hóa cao, sự phụ thuộc mọi mặt từ nguyên liệu đến sản phẩm giữa quốc gia có lợi thế chi phối với quốc gia bị chi phối cũng tăng lên, đồng nghĩa với gia tăng sự bất ổn về kinh tế khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước có sự bất đồng.

Sự chi phối đó, nằm ở lợi thế so sánh của nguyên vật liệu đầu vào và tính chất chuyên môn hóa trong sản xuất tăng cao, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, thu hút đông đảo các khách hàng quan tâm. Từ đó, những nền sản xuất có vùng nguyên liệu kém về lợi thế so sánh, dây chuyền thiết bị lạc hậu, sẽ giảm sức cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ mất dần thị trường, đồng nghĩa với sự phụ thuộc bắt đầu xuất hiện giữa các nền kinh tế, khi doanh nghiệp buộc phải lựa chọn phương án rời bỏ hàng hóa này, đầu tư vào sản xuất hàng hóa khác. Tác động của toàn cầu hóa dễ nhận thấy nhất, là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như lương thực – thực phẩm, nhiên liệu phục vụ sản xuất…

Vay được vốn chính sách, nhiều nông dân nghèo ở tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh minh hoạ

Toàn cầu hóa mang đến cơ hội cho mọi nền kinh tế trên thế giới, nhưng tác động tiêu cực trở lại cũng khá rõ nét về sự phân hóa giàu - nghèo trên bình diện của các quốc gia. Từ quá trình hội nhập, sự chi phối đối với chủng loại hàng hóa mà một quốc gia nào đó có lợi thế so sánh cũng dần lộ diện, bởi hàng hóa trong nền sản xuất chung của kinh tế thế giới đã đáp ứng một cách phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân ở hầu hết mọi cấp độ. Vì vậy khi có tác động từ một nguyên nhân nào đó (chiến tranh, thời tiết khí hậu, hay vì ý chí chủ quan của con người…) làm lượng cung về hàng hóa đó suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thay đổi dẫn đến giá bán tăng, khi đó những người dân nghèo lập tức bị mất khẩu phần do không có đủ “hầu bao” để mua bán, trao đổi.

Nông dân liên kết làm giàu từ trồng cây ăn quả, nuôi dê
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển các mô hình liên kết giúp đỡ nhau làm kinh tế. Nhiều mô hình có hiệu quả cao đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.