Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp nông dân liên kết đưa nông sản xứng tầm OCOP

Hoàng Tính - 07:05 25/11/2021 GMT+7
Hiện toàn tỉnh Hoà Bình có 312 Hợp tác xã (HTX) nông, lâm, thủy sản với 4.214 thành viên. Những năm qua các HTX nông nghiệp vừa tích cực hỗ trợ các thành viên sản xuất vừa liên kết để tạo chuỗi giá trị nâng cao sản phẩm nông nghiệp. Nhiều sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP.

Liên kết sản xuất hàng hoá

Ông Trần An Định - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hoà Bình cho biết: Thời gian qua khu vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp tại tỉnh Hoà Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX đã đóng vai trò quan trọng vừa là cầu nối để liên kết giữa các thành viên, vừa là cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.

Thành lập HTX giúp sản phẩm rau su su của xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) có được chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình chủ yếu là: Cung ứng vật tư, phân bón cho sản xuất; làm đất, thủy lợi, khuyến nông; cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, một số HTX đã tích cực tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Trong đó, có những HTX tiêu thụ trên 60% sản phẩm cho thành viên như: HTX Nông nghiệp hữu cơ Lương Sơn, HTX Đà Giang, HTX Mường Động, HTX Quyết Chiến…

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã trở thành “hạt nhân” tích cực tham gia vào việc hình thành các vùng sản xuất lớn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao cho các nông sản như: Cam Cao Phong, cá sông Đà, gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, ngô ngọt Kim Bôi, rau su su Tân Lạc…

Chị Đinh Thị Quyết – Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (HTX Quyết Chiến) ở xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Được thiên nhiên ban tặng các điều kiện thuận lợi như: đất đai màu mỡ, khí hậu lạnh ổn định quanh năm, chính vì vậy người dân xã Quyết Chiến chúng tôi đã đưa cây rau su su về trồng từ nhiều năm nay. Trước đây, mọi nhà trồng su su theo kiểu mạnh ai người đấy làm, vì vậy có những thời điểm giá su su chỉ bán được 1.000-1.500 đồng/kg, nhiều người đã phá bỏ cây su su. Từ thực tế đó, năm 2017, tôi đã vận động bà con để thành lập HTX Quyết Chiến nhằm giải quyết tình trạng được mùa mất giá và được giá do mất mùa.

Sau khi thành lập, HTX Quyết Chiến đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể để đưa các thành viên đi học tập kinh nghiệm tại các lớp: Trồng rau sạch, làm rau hữu cơ, sơ chế bảo quản rau an toàn… Lợi thế của HTX là có nhiều thành viên, vì vậy chỉ cần có 1 người được đi học tập, khi về sẽ trao đổi lại để các thành viên khác để cùng nắm bắt được những kỹ thuật mới. Nhờ đó, rau su su ở HTX Quyết Chiến đã có sản lượng lớn, trở thành hàng hoá đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

45 thành viên trong HTX Quyết Chiến đều có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ việc trồng rau su su, đậu.

Song song với việc phát triển sản lượng rau su su, các thành viên HTX Quyết Chiến cũng thay đổi từ duy, không trông chờ ỷ lại vào thương lái đến thu mua như trước đây, mà đã phân công cử người để đi tìm kiếm thị trường, đưa rau su su vào chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hoà Bình, Hà Nội…

Chính vì vậy mà giờ đây HTX Quyết Chiến đã nâng cao về diện tích và sản lượng. Ngày mới thành lập, tổng diện tích sản xuất của HTX Quyết Chiến có 6,5 ha với 39 hộ thành viên. Đến năm 2021 đã phát triển lên diện tích sản xuất đạt 20 ha (trong đó, 17 ha trồng su su, 3 ha rau, đậu các loại) với số thành viên hiện có 45 hộ gia đình.

Vào HTX Quyết Chiến đã giúp cho đời sống của các thành viên của HTX ngày một nâng cao, bình quân các thành viên tham gia HTX đều có thu nhập từ 120 - 200 triệu đồng/năm. Tiêu biểu là các hộ: Đinh Thị Quyết, Đinh Thị Nha, Bùi Thị Bằng, Bùi Thị Binh, Bùi Văn Thiện...

Lên đời với nông sản nhờ OCOP

Nổi bật, trong hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đó là đã có 39 HTX xây dựng và có sản phẩm đạt chất lượng OCOP. Từ đây, nông sản ở địa phương đã được khai thác hết tiềm năng, lợi thế; giúp nâng tầm giá trị hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tham gia vào sản xuất theo chứng chỉ OCOP đã giúp các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu, làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa nông sản.

Chương trình OCOP còn tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn ở khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Hoà Bình. Góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hạt dổi OCOP Chí Đạo đã giúp người dân trong xã Chí Đạo "đổi đời" từ việc bán hạt và giống cây trồng

Ông Bùi Văn Bun – Giám đốc HTX Cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo (xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Cây hạt dổi đã có mặt trên đất Chí Đạo từ bao đời nay. Những cây hạt dổi cao vút có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm đem lại cuộc sống ấm no cho người dân chúng tôi là câu chuyện không hiếm. Nhất là từ năm 2019, khi sản phẩm “Hạt dổi Chí Đạo” được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Hoà Bình.

Được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, hạt dổi Chí Đạo đã khoác trên mình một diện mạo mới. Hạt dổi được xuất bán với bao bì, nhãn mác, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn thương hiệu mà còn giúp cho việc đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Hoà Bình được dễ dàng thuận lợi hơn.

Từ đó, hạt dổi của HTX Chí Đạo đã trở thành gia vị trong bữa ăn không thể thiếu của nhiều gia đình, nhanh chóng có mặt tại các thị trường khó tính trên cả nước. OCOP không chỉ giúp hạt dổi Chí Đạo dễ dàng mở rộng thị trường, cây giống dổi ở xã Chí Đạo cũng đã được nhiều người dân ở: Hà Hội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đắc Lắk… tìm mua để trồng.

Cũng chính từ việc bán hạt dổi, cây dổi giống mà cuộc sống của các thành viên HTX Chí Đạo đã có nhiều đổi thay, đời sống của bà con ngày một cải thiện và nâng lên. Đến nay đã có 5/20 hộ gia đình thuộc HTX Chí Đạo đã có ô tô.

Thực tế cho thấy rằng các HTX nông nghiệp ở Hoà Bình hoạt động ổn định đều bắt nguồn từ việc đã tạo được chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Đây là xu thế tất yếu trong hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới.

Trong thời gian tới, ngoài việc tạo chuỗi liên kết giữa các thành viên, các HTX cũng cần tính toán đến việc liên kết giữa các HTX để tạo thành những Liên hiệp HTX nhằm tạo chuỗi sản xuất cung ứng hàng hoá bền vững hơn. Từ đó, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng nông sản qua những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, góp phần xây dựng ngành Nông nghiệp Hoà Bình ngày một khởi sắc./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Đưa OCOP lên non, khẳng định giá trị từ bản sắc
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lan tỏa đến các xã, bản vùng cao còn góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. OCOP lên non, mang theo những kỳ vọng tạo sức hút cho những vùng quê với những sản vật tưởng như chỉ bó hẹp trong mỗi nếp nhà sàn.