Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hành động ngay vì tương lai con cá tra

23:17 21/04/2019 GMT+7
Theo thông tin mới đây từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), kim ngạch XK cá tra của Việt Nam năm 2018 ước đạt 2,2 tỷ USD với thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Tổng sản lượng cá tra nuôi trồng trên toàn thế giới năm 2018 ước đạt 2,8 triệu tấn,

Theo thông tin mới đây từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), kim ngạch XK cá tra của Việt Nam năm 2018 ước đạt 2,2 tỷ USD với thị trường chủ yếu là Trung Quốc.

Tổng sản lượng cá tra nuôi trồng trên toàn thế giới năm 2018 ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm tới 45%, đạt gần 1,3 triệu tấn. Đầu năm 2019, một dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung với quy mô lớn 600 ha tại tỉnh An Giang đã được khởi công. Dự kiến dự án này bắt đầu vào quí IV/2019 với kỳ vọng sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong thông tin FAO đưa ra là: Thị phần cá tra Việt Nam trên thế giới đang có xu hướng giảm dần, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng khá nhanh của ngành cá tra tại Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh. Thị phần của mỗi quốc gia này hiện đạt khoảng trung bình 15 – 20%. Trong khi đó, tại Trung Quốc, một báo cáo cho thấy có khoảng 20 nhà máy chế biến cá tra tại khu vực phía Nam Trung Quốc, ước tính sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Mặc dù quy mô nuôi cá tra tại Trung Quốc còn khiêm tốn nhưng đang trong xu hướng mở rộng do lợi thế về ngành Thủy sản phát triển kèm theo nhu cầu trong nước đối với loại cá này lớn. Điều này đồng nghĩa với việc, trong tương lai, ngành cá tra Trung Quốc sẽ chính thức trở thành đối thủ của Việt Nam tại thị trường nội địa.

Trên thực tế, câu chuyện cá tra Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn không phải điều gì mới mẻ. Cách đây vài năm, các hiệp hội, DN đã đề cập, bày tỏ lo ngại xung quanh vấn đề cá tra Việt hết thời “một mình một chợ”. Tuy nhiên, chưa bao giờ nỗi lo lắng ấy trở nên thường trực, gay gắt như hiện tại. Không còn là dự báo, dự đoán, tất cả đã dần định hình một cách rõ ràng.

Khi trao đổi với báo giới, không ít lần, đại diện các đơn vị như Hiệp hội Cá tra Việt Nam hay Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, để đối mặt với cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững, lời giải mấu chốt cho ngành cá tra Việt không phải là mở rộng diện tích, sản lượng mà là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường XK, tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc… Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, điều mà các DN cá tra cần lưu ý còn là nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giá trị cho sản phẩm…

Tất cả những nội dung này vài năm trước hay ngay ở hiện tại vẫn luôn đúng. Tuy nhiên, trước những áp lực cạnh tranh sát sườn, điều quan trọng với ngành cá tra là phải hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa chứ không chỉ loanh quanh đánh giá, bàn thảo, định hướng các giải pháp.

Thanh Nguyễn