Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hành trình tạo ra “củi sạch” của chàng tỷ phú trẻ

17:16 05/06/2020 GMT+7
Sinh năm 1984, anh Đỗ Mạnh Trung, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã sớm tìm ra cho mình hướng đi riêng với một hành trình vượt khó, phát triển sản phẩm củi trấu siêu nhiệt đầy ấn tượng. Bỏ công chức đi kinh doanh Tốt nghiệp đại học ở Thủ đô

Sinh năm 1984, anh Đỗ Mạnh Trung, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã sớm tìm ra cho mình hướng đi riêng với một hành trình vượt khó, phát triển sản phẩm củi trấu siêu nhiệt đầy ấn tượng.

Bỏ công chức đi kinh doanh

Tốt nghiệp đại học ở Thủ đô với bằng cử nhân tài chính kế toán trong tay. Năm 2012, anh Trung đã thi vào làm công chức tại một xã ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Song với bản tính thích tự do, ưa khám phá, về sau anh đã bỏ ngang đi tìm công việc mới khiến bạn bè, người thân ngỡ ngàng và không ít người đã kịch liệt phản đối nhưng anh vẫn quyết làm theo ý mình.

Đúng vào dịp đó, anh Trung được mọi người giới thiệu về mô hình củi siêu nhiệt ở miền Nam, thấy thú vị, hai vợ chồng anh đã bắt xe vào tận nơi để trải nghiệm các công đoạn sản xuất sản phẩm mới. Càng tìm hiểu, anh Trung càng mê và quyết định ở lại cơ sở này dài ngày để học tập nhằm mong muốn đưa nghề này về quê để làm giàu.

Năm 2018, nhờ thành tích của mình, anh Đỗ Mạnh Trung được vinh danh và nhận giải thưởng Lương Đình Của.

“Sản xuất củi từ trấu là một “mảnh đất” màu mỡ, nguồn nguyên liệu dồi dào ở một đất nước có truyền thống nông nghiệp, đầu ra của sản phẩm cũng rộng mở, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường ngoài nước”, anh Trung chia sẻ.

Nghĩ là làm, sau khi đi thực tế, học hỏi mô hình về quê, năm 2013, anh Trung quyết định bàn với vợ vay vốn trên 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất thử nghiệm củi trấu trên diện tích đất nhỏ, hẹp của gia đình.

Nghĩ đến sản xuất củi trấu không ít người mường tượng giản đơn, chỉ cần điều khiển máy móc, đổ trấu vào máy nghiền trấu, có gì khó? Nhưng người trong cuộc mới thấu nhọc nhằn. Theo tiết lộ của anh Trung, những bước đi đầu tiên của anh khá chật vật, nhiều thách thức. Bởi khi sản xuất sản phẩm này, 50% sản phẩm trấu ép thành củi đều bị hỏng.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Trung chủ động sửa chữa máy móc, tháo lắp hàng ngày, bằng sự kiên trì và cần cù mỗi ngày làm việc anh lại tích lũy thêm được kinh nghiệm và làm quen dần với máy móc hiện đại.
“Thời gian đầu có ngày máy hỏng tôi phải thức thâu đêm sửa, có lần bị máy thúc, kẹt dập đầu ngón tay, nhưng tôi không nản mà tiếp tục cố gắng thực hiện ước mơ của mình”, anh Trung nhớ lại.

Thành tỷ phú “củi trấu”

Tuy nhiên, khi sản phẩm củi trấu siêu nhiệt của chàng trai trẻ này lần đầu xuất hiện ở Ninh Bình nên nhiều đơn vị, khách hàng chưa dám đặt mua nhiều mà chỉ nhận dùng thử nghiệm. Chính vì thế mà năm đầu sản xuất được gần 30 tấn củi trấu siêu nhiệt, nhưng vợ chồng anh không bán được đành đắp kho để đấy, hoặc cho bà con mang về làm củi đốt hay bón ruộng.

Anh Trung giới thiệu sản phẩm củi trấu siêu nhiệt do mình sản xuất ra tại Ninh Bình.

Dù thế nhưng anh vẫn không lùi bước mà tiếp tục động viên vợ quyết tâm theo đuổi nghiệp làm “than sạch”. Vừa kiên trì làm và cải tiến công nghệ, đồng thời vợ chồng anh vừa đưa hàng đi tiếp thị, mời chào khách tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhà. Thấy anh chị cố gắng, nhiệt huyết nhiều khách hàng đã dần chấp nhận.

Trải qua những khó khăn ban đầu trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, đến nay, sản phẩm củi trấu do cơ sở của anh Trung sản xuất đã bắt đầu được ưa chuộng vì dễ bén lửa, nhiệt cao, duy trì được lâu và không gây ô nhiễm môi trường.

Do than củi trấu hoàn toàn có thể phục vụ trong sản xuất công nghiệp như đốt lò hơi, lò sấy, chế biến nông sản, thực phẩm, đặc biệt về khía cạnh kinh tế, việc sử dụng than củi trấu có giá thành rẻ hơn rất nhiều lần so với các loại chất đốt khác như than đá, củi, ga nên sản phẩm đầu ra của cơ sở anh Trung xuất bán rất ổn định cho các công ty xi măng ở trong và ngoài tỉnh…

Hiện nay, nguyên liệu trấu được ông chủ trẻ thu gom chủ yếu ngay tại Ninh Bình. Một năm ông chủ củi trấu này thu gom vài trăm tấn trấu, mang lại niềm vui cho nhiều người nông dân ở trong địa phương.

Vào thời gian này, gia đình anh Trung đã có 2 xưởng sản xuất đi vào hoạt động với diện tích 400m2 tại 2 xã Khánh Lợi, Khánh Ninh và 1 xưởng 300m2 dự kiến sẽ khởi công tại xã Khánh Hải trong thời gian tới.

Đến nay, trung bình mỗi năm, anh Trung đưa ra thị trường trên 1.000 tấn sản phẩm và có doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất củi siêu nhiệt của anh Trung đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng/tháng…

Điều đặc biệt tại cơ sở sản xuất của anh Trung là khí thải sau khi đốt vỏ trấu để ép thành củi cũng được chàng trai trẻ này nghiên cứu xử lý đi qua hệ thống lọc trước khi thải ra môi trường. Vì vậy lượng khí thải đưa ra ngoài rất thấp và gần như không có.

Chia sẻ về tương lai của nghề củi trấu, anh Trung lạc quan cho hay: “Nhu cầu của thị trường rất lớn. Hiện thị trường mới bắt đầu chứ chưa bão hòa”. Ngoài cung cấp cho thị trường Ninh Bình, anh Trung còn bán hàng sang những thị trường khác như Nam Định, Hải Dương, Hà Nội.

Về tiềm năng xuất khẩu, anh Trung cho rằng: Trong thời gian vừa qua, sản phẩm của tôi cũng đã nhận được những hồi âm tốt nhưng tôi cần thời gian. Ngay lúc này xưởng sản xuất của gia đình vẫn chưa được chạy hết công suất tối đa, bởi thành phẩm làm ra chiếm một diện tích lớn, trong khi đó, cơ sở của tôi còn nhỏ, chưa đủ điều kiện đáp ứng được sản xuất lớn được ngay.

“Sau 2 năm hoạt động, nhu cầu mở rộng cơ sở sản xuất đang đặt ra cấp thiết nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tính đến việc tăng diện tích nhà xưởng và quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường”, anh Trung tiết lộ.

Vừa qua, sản phẩm củi trấu siêu nhiệt (ảnh) của anh Đỗ Mạnh Trung đã được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Trí