Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên:

Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi

Việt Dũng - 07:15 20/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm khuyến khích các chủ thể mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT Hưng Yên đã đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất mua sắm máy, thiết bị, kho lạnh bảo quản, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi.
Sản phẩm vải trứng Hưng Yên đạt OCOP 4 sao của HTX nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ). 

Hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh hỗ trợ thành lập mới 17 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí mua máy, thiết bị, hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển sản phẩm OCOP. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các chủ thể đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và chi phí thiết lập mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết kế mới hoặc thay đổi bộ nhận diện sản phẩm; tạo mã QRCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì sản phẩm, kết nối Website, zalo, facebook; thiết kế, xây dựng các website quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến cho từng chủ thể.

Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân (Khoái Châu) chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ nghệ như: Bột nghệ, sữa nghệ, nanocurumin, tinh bột nghệ… Công ty có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty cho biết: Là đơn vị hàng đầu trong trồng và chế biến các sản phẩm nghệ, công ty đã liên kết mở rộng quy hoạch trồng nghệ trong nhiều vùng trên cả nước. Vùng sản xuất nghệ được khảo sát, đánh giá chất lượng nước, đất; quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để đáp ứng điều kiện xuất khẩu bột nghệ sang một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc… Việc xây dựng chuỗi liên kết đã góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân sản xuất nghệ. Công ty cũng phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Dược liệu Việt Nam ứng dụng KHCN để trồng và sản xuất các sản phẩm nghệ đỏ đạt chuẩn GlobalGAP, được bảo hộ độc quyền thương hiệu Nghệ nếp đỏ tại Chí Tân (Khoái Châu). 

Năm 2023, huyện Phù Cừ có 6 sản phẩm được chứng nhận mới, chứng nhận lại sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao gồm có: Cam Hưng Yên của HTX nông nghiệp Đăng Dương; vải trứng Hưng Yên của hộ kinh doanh Vũ Hồng Ngân; nhãn siêu ngọt của HTX nông nghiệp kiểu mới Đức Thắng; cam Bố Hạ, cam đường canh của HTX nông nghiệp Ngũ Phúc và 1 sản phẩm đạt 4 sao do UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm vải trứng Hưng Yên của HTX nông nghiệp Quyết Tiến. Qua đó, nâng tổng số đến hết năm 2023, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP gồm 3 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Bùi Quang Nam, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương,  các ban, ngành đã hỗ trợ bao bì, đóng gói, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm; chủ thể được hỗ trợ xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, máy sản xuất. 

Chương trình OCOP đã thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả. Các sản phẩm OCOP được liên kết theo chuỗi giá trị đã giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Theo tổng hợp, khoảng 60% chủ thể tham gia chương trình OCOP có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tăng doanh thu bình quân khoảng 16%/năm, giá bán tăng bình quân khoảng 12%; thị trường tiêu thụ được mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc.

Năm 2024, phấn đấu có thêm 22 - 30 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên

Trong năm 2023, Sở Công thương tỉnh Hưng Yên đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan mở rộng chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của huyện Phù Cừ và huyện Ân Thi; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể dược liệu Khoái Châu và mộc Dương Quang của thị xã Mỹ Hào. 

Toàn tỉnh đã lồng ghép, bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP cho các chủ thể sản xuất, phát triển vùng sản xuất, máy, thiết bị, kết cấu hạ tầng, xây dựng nhãn hiệu, bao bì, tem nhãn... để phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với kinh phí hơn 791,4 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hơn 9,7 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 247,4 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn từ các chủ thể sản xuất).

Năm 2024, huyện Phù Cừ phấn đấu có thêm từ 3 - 4 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó, đề nghị UBND tỉnh gia hạn, công nhận 1 sản phẩm đạt 4 sao (dưa lưới của HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát); UBND huyện công nhận từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 3 sao. Cùng với đó, huyện tập trung tuyên truyền về Chương trình OCOP; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và sản phẩm OCOP; củng cố, nâng cấp và thành lập mới hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, huyện tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Theo ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để tiếp tục phát triển, nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP, năm 2024, các ngành liên quan, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý các cấp và chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP; Phấn đấu có trên 90% sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử; 

Tiếp tục hoàn thiện, củng cố, thành lập mới 8 đến 10 tổ chức phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; Duy trì và phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận (từ 3 sao trở lên), xác định các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh để hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể sản xuất lập hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; Phấn đấu năm 2024, có từ 22 đến 30 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên; Đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trực tiếp, trực tuyến về kết nối cung cầu, phát triển thị trường, chuyển đổi số, bán hàng online; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, HACCP, GMP. 

Với những giải pháp thực hiện, năm 2023, Hội đồng OCOP tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 53 sản phẩm của 31 chủ thể, trong đó 49 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP  của tỉnh lên 252 sản phẩm, gồm 206 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.