Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Minh Tú - 07:24 06/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang mới đây đã công bố Kế hoạch tổ chức Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Theo đó, Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18 đến 23-11-2023 tại trục đường Chiến Thắng Sông Lô, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Quy mô Hội chợ dự kiến sẽ có hơn 60 gian hàng. Trong đó, 40 gian hàng của tỉnh, hơn 20 gian hàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm tham gia hội chợ là các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP, các sản phẩm triển lãm làng nghề, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Khu vực tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2023 (Ảnh: Hoàng Thảo) 

Hội chợ là dịp giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc sản của tỉnh Tuyên Quang đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương quảng bá, giới thiệu thương hiệu, mở rộng hợp tác và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa… Qua đó góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Bên cạnh đó, Hội chợ cũng là cơ hội để các chủ thể sản phẩm hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn; điều kiện an toàn thực phẩm; vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy được sức mạnh cộng đồng và lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất…

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của Tuyên Quang dự kiến sẽ tham gia Hội chợ:

1. Sản phẩm Dưa lưới DUC DUONG FARM

Chủ thể là Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương.

Đây là sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm được trồng theo mô hình canh tác dưa lưới và dưa chuột bao tử trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt của Isarel trên giá thể sơ dừa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, giá thể sơ dừa dễ dàng tái xử lý dinh dưỡng thừa và nguồn bệnh sau mỗi vụ, loại bỏ các loại bệnh hại so với canh tác trên đất. Với những điều kiện tối ưu trên cây trồng có điều kiện phát triển để cho ra chất lượng sản phẩm cao nhất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dư lượng phân bón, thâm canh quanh năm tạo ra nguồn hàng ổn định, giá trị cao.Dưa lưới DUC DUONG FARM đã được Cục sở hữu trí tuệ-(Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ nhãn hiệu và UBND tỉnh công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Sản phẩm có độ ngọt cao (độ Brix 14-16), mùi thơm đặc trưng, sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Hiện nay, diện tích nhà lưới của công ty là 0,5 ha; sản xuất 3 vụ/một năm, sản lượng 60 tấn/năm; giá bán lẻ 60.000 đồng/kg; giá bán buôn 40.000 đồng/kg; Doanh thu 2,2 tỷ/năm; lợi nhuận khoảng 900 triệu/năm; Công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên  6 lao động, tiền công bình quân 5,5 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm Dưa lưới DUC DUONG FARM (Ảnh: OCOP Tuyên Quang)

2.  Sản phẩm: Trà Ngọc Thuý

Chủ thể là Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn

Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được thành lập năm 2017, với 07 thành viên và 100 hộ gia đình trồng chè tham gia liên kết với hợp tác xã. Chè xanh ở Mỹ Bằng, Yên Sơn dưới sự chăm sóc cũng như chia sẽ những bí quyết pha trà của bà con dân tộc Cao Lan với các anh bộ đội cụ Hồ đã dần dần đã trở thành bí quyết pha trà lưu truyền cho đến tận ngày nay. Chè xanh khi được pha chế nước có màu xanh như Ngọc, màu chè được ví như viên ngọc giữa núi rừng nơi đây. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè đặc sản của địa phương.

Sản phẩm “Trà Ngọc Thúy” được làm từ nguyên liệu chính là búp chè xanh tiêu chuẩn một tôm hai lá, xử lý qua các công đoạn chính, gồm: Làm héo chè - diệt men - vò săn - ướp lạnh - đóng gói - ủ lên men Nét độc đáo của sản phẩm là khi đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được hương vị đặc trưng tự nhiên nguyên bản và các thành phần có trong búp chè tươi.

Diện tích chè Ngọc Thuý của đơn vị là 60ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng hàng năm 10.000 hộp, với khối lượng 400 gam/1 hộp; giá bán buôn: 200.000 đồng/01 hộp 400 gam; doanh thu hàng năm 2 tỷ/năm; lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động thu hái và chế biến chè, bình quân thu nhập khoảng 5,5 triệu/lao động/tháng.

Sản phẩm: Trà Ngọc Thuý. (Ảnh: OCOP Tuyên Quang)

3. Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá

Chủ thể Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá

Đỗ đen xanh lòng là loại cây trồng được nhân dân các xã: Linh Phú, Tri Phú, Vinh Quang, Bình Nhân, Kim Bình trồng từ bao đời nay, sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng thô, chưa qua sơ chế, chế biến, thị trường không ổn định.

Nguyên liệu hạt đậu đen xanh lòng về được Hợp tác xã sơ chế qua 11 công đoạn để cho ra thành phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng. Đậu đen xanh lòng được bào chế kết hợp với Hà thủ ô đỏ, sau đó hạ thổ, sao chín và đóng gói tạo nên sản phẩm có mùi hương thơm đậm của đậu đen và vị ngọt thanh mát tự nhiên; sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng phù hợp cho nhiều đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người sau phẫu thuật, người nuôi con nhỏ đều có thể sử dụng được.

Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá (Ảnh: OCOP Tuyên Quang)

Sản phẩm Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá đã được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Là sản phẩm chế biến từ đậu đen duy nhất tham gia OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Diện tích vùng nguyên liệu hiện nay của HTX là 22 ha; sản lượng 3 vụ/năm khoảng 55 tấn đậu đen/năm; sản lượng chế biến 58.000 hộp/năm; giá bán buôn tại Hợp tác xã: 60.000k/hộp 240 gam; doanh thu 3,4 tỷ/năm; lợi nhuận chiếm trên 10% doanh thu (khoảng 350 triệu đồng/năm). Tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại cơ sở chế biến, bình quân thu nhập 4-6 triệu/người. Sản phẩm đã có bán ở 32 đại lý của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương”

Mạnh dạn khởi nghiệp, đưa chuối Khoái Châu đạt OCOP 3 sao
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mong muốn hỗ trợ người dân tiêu thụ quả chuối đặc sản quê hương khi thu hoạch rộ và quảng bá sản phẩm ra thị trường, anh Nguyễn Văn Phát ở thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên) đã quyết tâm thành lập HTX, mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến thành công sản phẩm chuối sấy được thị trường rất ưa chuộng.