Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hợp tác xã nông nghiệp: Địa phương phải dành nguồn lực để phát triển

20:58 29/10/2018 GMT+7

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội sáng 26/10/2018, Ô.Mai Sỹ Diến (đại biểu Đoàn Thanh Hóa) cho biết vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, tuy nhiên cần thực hiện nghiêm các chính sách hiện có về hợp tác xã (HTX), bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển kinh tế HTX theo hướng thiết thực.

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Mục tiêu thành lập HTX nông nghiệp là để thu hút nhiều nông dân tham gia, liên kết đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đây là động lực, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trong cơ cấu lại nông nghiệp, và đặc biệt là góp phần quan trọng để không phải lo giải cứu nông sản cho nông dân.

Hiện nay, có gần 10.000 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 3.300 HTX hoạt động hiệu quả, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đại biểu Hồ Sỹ Diến cho rằng điều này báo hiệu đến năm 2020, việc phấn đấu 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả sẽ khó đạt.

Theo đại biểu Diến, chưa có thời điểm nào mà các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chú trọng như thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người dân đều nhận thức rõ điểm này.

Tuy nhiên, việc thực thi còn có những bất cập. Trong chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi riêng với các HTX nhưng số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Các chính sách chưa đi vào cuộc sống như chính sách về tín dụng, cả nước chỉ có 35 HTX được vay gần 70 tỷ đồng vốn từ ngân hàng thương mại không có tài sản bảo đảm, nên chưa bảo đảm nguồn vốn cho HTX hoạt động.

Thu nhập bình quân của hội viên HTX cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các hộ không tham gia HTX, nhưng quan trọng nhất là được bảo đảm về mặt tiêu thụ sản phẩm.

Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định: Căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc-lãi. Thế nhưng các ngân hàng thương mại ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ vay mới.

Địa phương phải bố trí nguồn cho phát triển HTX

Nói về việc phát triển HTX, Ô.Ma Quang Trung -Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, khẳng định: “Tới nay, hầu như tất cả các chính sách cho phát triển nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Chính phủ đều ban hành hết rồi với các nguồn đầu tư, hỗ trợ đều xác định rõ hết. Các địa phương phải bố trí nguồn cho phát triển HTX, sản xuất nông nghiệp để nâng thu nhập của hộ nông dân lên chứ không nên chỉ tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đầu tư cho hạ tầng là việc lâu dài”.

Định hướng phát triển HTX là chính sách đúng đắn, cần phải kiên trì thực hiện. So sánh thu nhập của các hộ gia đình trong và ngoài HTX sẽ thấy các hộ nằm trong HTX có thu nhập bình quân cao hơn từ 1,3 đến 1,5 lần so với các hộ không tham gia HTX, nhưng quan trọng nhất là những người sản xuất trong HTX luôn được bảo đảm yên tâm về mặt tiêu thụ sản phẩm.

Về phương thức phát triển để đạt mục tiêu 15.000 HTX năm 2020, Ô.Ma Quang Trung cho biết: Con số này thể hiện quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ để tự thúc ép chúng ta nhanh chóng vượt lên khỏi nền nông nghiệp nhỏ lẻ. Nếu quá ít HTX hiệu quả thì không thể đẩy nhanh quá trình tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp hiện nay. Có nhiều phương cách thực hiện:

Thứ nhất là duy trì số HTX hiệu quả hiện nay. Thứ hai, với 5.400 HTX đánh giá là chưa hiệu quả thì các địa phương sẽ phải hỗ trợ để các HTX chuyển đổi hoạt động. Với dạng này, có HTX gồm hàng nghìn thành viên nhưng chỉ đi bán thuốc trừ sâu, phân bón, bán giống nên càng bán nhiều thì càng có thu nhập tốt. Mà thuốc trừ sâu sử dụng nhiều sẽ lợi bất cập hại. Những HTX kiểu này vô cùng yếu kém nên phải tổ chức lại theo hướng tập trung vào sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, còn các dịch vụ khác chỉ hướng tới phục vụ cho sản xuất thôi.

Thứ ba, chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình thành lập mới các HTX có sự chọn lọc thành viên, những người có ý thức tốt, có tiền để đóng góp. Tiền người dân bỏ ra thì người ta mới quý, khắt khe trong làm ăn. Trong số các HTX liên kết với Nhà máy mía đường Lam Sơn Thanh Hoá thì có HTX chỉ có 9 thành viên mà người ta tự góp tới 400- 600 triệu đồng/xã viên, làm ăn rất bài bản, chuyên nghiệp. Theo tính toán sẽ có khoảng 6.000 HTX sẽ thành lập trên cơ sở này trong giai đoạn 2016- 2020.

Thanh Tuấn

Chú thích ảnh: