Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hưng Yên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

13:55 26/05/2021 GMT+7

Xác định, OCOP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông sản chủ lực, dịch vụ du lịch có lợi thế của địa phương, tỉnh Hưng Yên đã đặt ra mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản trị của các chủ thể tham gia OCOP (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hưng Yên thăm gian hàng OCOP của tỉnh tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình OCOP năm 2021.

Nhân rộng những mô hình

Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 26 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng, gồm: Nhãn lồng Hưng Yên, tương Bần và hương Thôn Cao; 23 sản phẩm đã và đang được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Các sản phẩm tham gia thực hiện Chương trình OCOP đa dạng về mẫu mã, bao bì, tem mác, chất lượng sản phẩm cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ 3 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho 4 Hợp tác xã (HTX) về máy móc, thiết bị, đường giao thông để phát triển, nâng hạng sản phẩm. Trong đó, giúp HTX nghệ Chí Tân (Khoái Châu) phát triển, nâng hạng sản phẩm từ nghệ như: Bột nghệ, tinh bột nghệ, Nanocurcumin. HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát và HTX Nông nghiệp Ngũ Phúc (Phù Cừ) được hỗ trợ phát triển, nâng hạng sản phẩm dưa lưới, dưa vàng. HTX Nhãn Miền Thiết (huyện Khoái Châu) phát triển, nâng hạng sản phẩm nhãn quả tươi, chế biến từ nhãn. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Tỉnh cũng tạo điều kiện để các địa phương thành lập mới 113 HTX nông nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ 50 HTX mua máy, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 17 tỷ đồng, mỗi HTX được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh thành lập mới 99 tổ hợp tác nông nghiệp tư vấn hướng dẫn tổ chức, xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm một số máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động. Kinh phí hỗ trợ 1,98 tỷ đồng (20 triệu đồng/tổ hợp tác).

Tại các huyện đã hình thành 5 mô hình HTX kiểu mới như: 2 HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Quan (Văn Giang) và Yên Phú (Yên Mỹ); 3 HTX nông nghiệp chuyên ngành gồm: HTX chăn nuôi – dịch vụ an toàn Siêu Việt (Văn Lâm); HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Phù Cừ); HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh (Kim Động).

Các HTX kiểu mới được hỗ trợ hướng dẫn xây dựng tổ chức bộ máy theo quy định của Luật Hợp tác xã, thành lập các tổ, nhóm chuyên môn; hướng dẫn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng hợp tác. Mỗi HTX được hỗ trợ 280 triệu đồng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Sở NN&PTNT Hưng Yên cũng đang phối hợp với các huyện triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng 4 mô hình HTX phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: HTX thủy sản Hưng Phát (Phù Cừ), 2 HTX chăn nuôi – kinh doanh gà Đông Tảo xã Dạ Trạch và xã Đông Tảo (Khoái Châu), HTX chăn nuôi con giống gia cầm Ngô Đức Thắng, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).

Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư để chăn nuôi triển khai mô hình đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng, mỗi HTX được hỗ trợ bình quân 300 – 400 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã đánh giá, phân hạng và xếp hạng được 67 sản phẩm của 34 chủ thể sản xuất (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và chủ cơ sở). Trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao, 49 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược đều đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định.

Nhãn lồng Hưng Yên là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, trong giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP, Hưng Yên sẽ xây dựng hệ thống điều hành và nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện và thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo, Hội đồng OCOP, Tổ giúp việc để chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền; xây dựng các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các trang thông tin điện tử về Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, nêu gương điển hình các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời, thực hiện đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện để tham gia triển khai thực hiện chương trình.

Đi cùng với đó, địa phương sẽ thực hiên rà soát, lựa chọn, hướng dẫn lập và tổ chức thực hiện các dự án thành phần Chương trình OCOP để hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nhằm nâng hạng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Chương trình OCOP.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, Hưng Yên sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Mặt khác, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP)…

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, Hưng Yên chủ trương tập trung chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP để đảm bảo chất lượng, an toàn. Đồng thời, tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với phát triển thị trường.

Giai đoạn 2018 – 2020, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp, Hưng Yên đã huy động trên 2.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ được lồng ghép từ các chương trình, dự án,… của các sở, ngành, địa phương và nguồn vốn tự lực của các chủ thể sản xuất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư máy, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Thái Hưng