Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Tân Biên phấn đấu 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025

Mai Anh - 07:09 26/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Quyết định 6369/QĐ-UBND được ban hành ngày 30/12/2022, về việc phê duyệt Đề án nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, đến 2030 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo đó, Đề án với nhiều thành phần kinh tế tham gia, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Kế hoạch đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Tân Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 90%. Đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên

Về chăn nuôi, từng bước giảm cả về số lượng hộ nuôi và quy mô trong từng hộ, hướng tới không còn chăn nuôi ở những nơi đang phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch. Theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời gắn với an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Định hướng mở rộng diện tích cây ăn quả các loại theo hướng tập trung, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến, chứng nhận sản phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP,... Dự kiến diện tích cây ăn quả các loại đến năm 2025 khoảng 3.843ha (tăng 1.531ha so với năm 2021); sản lượng trái cây các loại là 41.516 tấn. Đến năm 2030 tiếp tục tăng diện tích một số cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, đưa tổng diện tích trồng cây ăn quả các loại lên 4.076ha (tăng 234ha so với năm 2025), sản lượng trái cây đạt 51.974 tấn.

Mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là phấn đấu có 10/10 xã, thị trấn có đăng ký tham gia chương trình  OCOP, mỗi xã (thị trấn) có ít nhất 1 chủ thể phát triển sản phẩm (mỗi chủ thể tăng 1 sao so với lần đánh giá đầu tiên) thông qua quá trình tham gia chương trình. Trong đó, có 2-5 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.