Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khá, giàu từ rừng trồng

14:02 27/03/2021 GMT+7

Những năm qua từ rừng trồng mà người dân trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đã có của ăn của để nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ăn cơm nhà thu nhập công ty

Ông Đoàn Văn Toàn xã Bình Sơn, huyện Lục Nam cho biết: Hàng năm trên địa bàn có rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp có đất phát triển rừng trồng đòi hỏi nhân công rất lớn; vì vậy tôi đã đứng ra nhận khoán cho một số anh em, từ tháng 12 dương lịch bắt đầu đào hố đến tháng 2-3 khi có mưa xuống thì trồng cây, sau khi trồng 1-2 tháng mới bắt đầu làm cỏ, nếu khu vực nào cây kém thì bón thúc thêm phân bón; từ việc nhận khoán trồng rừng, tôi và một số anh em có thu nhập từ 6,5-7 triệu đồng/tháng.

Trước khi trồng, cây giống được kiểm tra nghiêm để có được những cánh rừng chất lượng. Ảnh Hoàng Tính

Đang làm ở xưởng gỗ bóc ở xã Vô Tranh huyện Lục Nam, anh Hoàng Văn Cao phấn khởi cho chúng tôi biết thêm: Hiện nay các xưởng gỗ trên địa bàn đang cần rất nhiều lao động, làm việc ở đây lại không bị gò bó như đi làm ở công ty các KCN, “Làm khoán ăn khoán” nhiều hôm cũng được 350.000-400.000đ/ngày.

Ông Toàn và anh Cao là hai trong hàng trăm lao động trên địa bàn có được thu nhập khá từ hoạt động trồng và chế biến từ rừng. Ngoài ra các hoạt động liên quan đến việc trồng rừng như: Làm vườn ươm, khai thác, vận chuyển gỗ… đã giúp cho nhiều lao động có việc làm tại chỗ mà không phải đi làm ăn xa.

Rừng gỗ lớn hướng đi hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Hải – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam cho biết: Trong sản xuất lâm nghiệp Lục Nam luôn đặt vấn đề cây giống lên hàng đầu bởi chỉ có cây giống chất lượng mới có được những cánh rừng chất lượng; các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn chúng tôi luôn kiểm tra, giám sát thường xuyên. Năm 2020 toàn huyện Lục Nam đã gieo ươm được 1.859.450 cây các loại phục vụ cho trồng rừng 2020 và 2021 trong đó keo hạt nhập ngoại 270.000 cây; keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô 210.000 cây; bạch đàn sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô 1.379.450 cây.

Về “Đầu ra” cho các sản phẩm gỗ rừng trồng cũng là thuận lợi cho các chủ rừng ở Lục Nam, hiện trên địa bàn có 75 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản. Các sản phẩm chủ yếu là ván bóc, ván dăm, băm dăm, than hoa; hiện nay đã có 02 doanh nghiệp và 01 hộ gia đình đã chế biến than hoa xuất khẩu trực tiếp được sang thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 75 tỷ đồng)…

Bạch đàn sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô đang phát triển tốt ở huyện Lục Nam. Ảnh Hoàng Tính

Thực tế cho thấy, người dân trồng rừng mà khai thác ở chu kỳ 5-6 năm tuổi như hiện nay thu được từ 80 – 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng; tính ra, mỗi năm người dân chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/ha. Nhưng nếu trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ từ 10 năm trở lên, người dân có thể thu từ 250-300 triệu đồng/ha, cao gấp 2-2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Giai đoạn 2016-2020 huyện Lục Nam đã xây dựng được mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 182ha và mô hình chuyển hoá rừng trồng kinh doanh gỗ lớn với tổng diện tích 31,5ha.

Chị Nguyễn Thị Hường xã Đông Hưng cho chúng tôi biết: Hiện gia đình đang có 170ha rừng, tính khai thác xoay vòng, mỗi năm thu hơn 2,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thời vụ. Từ năm 2015 chị bắt đầu chuyển 35ha rừng sang trồng rừng gỗ lớn, không những hiệu quả cao về kinh tế mà rừng gỗ lớn còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường như: Độ che phủ rừng lớn, giữ ẩm cao nên giảm cháy rừng; hàm lượng mùn trong đất gia tăng, khả năng phòng hộ tốt vì đất không bị xói mòn.

Hiện nay huyện Lục Nam có diện tích rừng sản xuất 20.386,58ha đây là lợi thế rất lớn để các xã phát triển được rừng trồng và rừng gỗ lớn như Đông Hưng, Bình Sơn, Vô Tranh… đem lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ cho các chủ rừng mà còn tạo công ăn việc làm khá cho lao động địa phương.

                                                                              Hoàng Tính