Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiến tạo vùng đất đáng sống từ quyết định “ngược đời”

Đức Thủy - 07:05 10/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ một vùng đồi trọc, đất đai khô cằn, là nơi chỉ có gió chướng khiến cây cỏ chỉ một màu vàng, thế nhưng giờ đây, đồi Cu Vơ (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã phủ lên một màu xanh cùng với những ngôi nhà sàn, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp ở huyện miền núi này.

Chuyện cách đây 27 năm
Cách đây 27 năm về trước, già làng Hồ Văn Ổ (tên thường gọi là Hồ Pả Thương) sinh sống ở bản Miệt bên sông Rào Quán thuộc xã Hướng Linh đã một mình dắt đàn trâu trăm con vượt trùng điệp hiểm trở, lên đồi Cu Vơ dựng nhà làm trại. Giữa đại ngàn hoang vu, bạt ngàn lau lách, với bàn tay lao động cần mẫn và trí óc của ông, nơi đây bây giờ đã thay đổi thành một vùng đất đáng sống.
Chuyện bắt đầu từ một quyết định được người dân ở bản gọi là “ngược đời” vì ai ai cũng sống ở vùng đất bằng phẳng dưới thấp, nơi có nước để sinh sống, dễ làm nương rẫy trồng lúa, ngô… Vậy nhưng ông Thương lại bỏ vùng đồng bằng để lên đỉnh núi khai hoang, dựng nhà lập nghiệp. Nơi đây không có nước, ông phải cật lực đi vào tận các cánh rừng nguyên sinh, đầu nguồn con suối, đào vét thành dòng dẫn về tận nhà, chảy qua ruộng để canh tác. Từ đó những lối mòn cứ thế được mở ra, ruộng nương, ao hồ thành hình từ đôi chân, bàn tay và ý chí của ông.
Đó là câu chuyện từ năm 2003, tỉnh Quảng Trị tổ chức xây dựng công trình thủy lợi - thủy điện Rào Quán nên người dân bản Miệt được bố trí tái định cư tại các vùng đất Hoong Cóc và Xa Bai cách đó nhiều cây số. Riêng ông Thương không theo bà con về nơi ở mới, ông vẫn ngược lên vùng đồi núi Cu Vơ khai hoang, gắn bó và định cư sinh sống.
Ông Thương chia sẻ: Mình biết sống được ở đây là rất khó khăn nhưng đất đai bỏ không rất nhiều nên cứ thế là mình cứ bền bỉ, tìm tòi đi đến tận các khoảng rừng già nguyên sinh tìm nguồn nước dẫn về vùng đất này. Để duy trì được cuộc sống ngày đó thì ngoài giờ chăn trâu, khai hoang, phải đi vào rừng hái nấm, hái măng rồi đi nhặt phế liệu chiến tranh để bán kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày. 

Già làng Hồ Pả Thương với ý nghĩ “trồng rừng để chăn thả trâu bò, để cho con cháu sau này”.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như ông nghĩ, sau một thời gian sinh sống và gắn bó với vùng “rừng thiêng nước độc” này, ông Thương mới thực sự nhận ra những thách thức do sự khắc nghiệt của thời tiết gây ra. 
Sau chưa đầy một năm lên đồi Cu Vơ ở hẳn, đàn trâu gần 100 con của gia đình ông cứ chết dần, có ngày chết mấy con vì bị đói, rét, sức đề kháng suy giảm dẫn đến bị bệnh… Nhìn gia sản cứ thế mà mất ông lại nhớ ngôi nhà cũ dưới chân núi bên sông, nhớ về cuộc sống yên bình nơi bản làng mà gia đình ông đã gắn bó qua nhiều thế hệ và ông cũng đã đôi lần quay về ngồi thơ thẩn nơi bản cũ. 
Thương đàn con nheo nhóc sống trong khổ cực ông lại không cam chịu. Với nghị lực phi thường ông lại mày mò tìm cách để chống lại sự khắc nhiệt ở đồi Cu Vơ. Một ngày nọ ông nhìn lên đồi thì thấy cây trẩu nở hoa mà cảm thấy như tìm được phép màu vậy là ông nảy ra ý nghĩ trồng rừng để thả trâu.
Trồng rừng để cho con cháu sau này
Ở đồi Cu Vơ, ông Thương tình nguyện làm bảo vệ rừng cho Lâm trường Hướng Hóa, rồi những vùng đất trống, ông trồng cây trẩu, vì theo kinh nghiệm của ông thì ở đây chỉ có loài cây trẩu mới chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, mới lớn kịp nhanh thành rừng để giữ đất, giữ nước, tỏa bóng mát vào mùa Hè và đặc biệt là có đủ sức để ngăn chặn, xua đuổi gió chướng vào mùa Đông.
Ông Thương từng nói với dân trong làng rằng: Đồi Cu Vơ, vùng nào mà không có rừng, đất trống thì mình hãy khai hoang trồng trẩu, vùng nào đẹp thì đào hồ nuôi cá, làm ruộng. Vào rừng cây nào mình làm nhà được thì lấy chứ đừng chặt phá rừng, nhất là những cây nhà nước trồng. Cứ trồng rừng đi để còn chăn thả bò, cây nó lớn lên sau này con cái mình hưởng thụ.
Từ đó đàn trâu của ông lại được “tái sinh” dần, đến nay ông vẫn duy trì đàn trâu 60 con, mỗi năm cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng. Nhưng việc phụ thuộc hoàn toàn vào đàn trâu thì sẽ không giàu lên được, chính ý nghĩ đó ông đã bắt tay khai hoang hơn 0,5ha ven rừng để trồng lúa rồi đào gần 1ha ao hồ nuôi cá. Chưa hết, rừng trẩu mà ông Thương trồng đến nay đã hơn 12ha. Ông nói, “cây trẩu vừa có thể tỏa bóng thành tán rừng, vừa thu hoạch lâu dài và còn là tài sản để lại cho con cháu. Rồi trẩu cũng cho thu hoạch thật, mỗi cây tới mùa cho quả từ 20 đến 30kg, thời điểm rẻ nhất mỗi cân trái cũng được 7 nghìn đồng, đắt hơn lên tới 15 nghìn đồng/kg.”

Già làng Hồ Pả Thương cùng vợ giờ đây đã có cuộc sống tốt khiến bao người noi theo.
Thấy ông có thể làm giàu từ đỉnh Cu Vơ, bà con tin rồi lần lượt cùng nhau lên Cu Vơ dựng nhà, có thời điểm hơn 75 hộ dân sinh sống. Cứ ai lên đây, khó khăn gì là ông lại đứng ra giúp đỡ. Khi thì tặng cặp ngan, đôi gà giống, lúc khác lại vài chục cân lúa giống… từ đó ông được bà con yêu thương đặt cho cái biệt danh “người đổi gió”. Từ những uy tín đó, ông có ý kiến gì bà con cũng đồng lòng làm theo. Vậy là ông lại vận động bà con trồng rừng, giữ rừng để cho con cháu sau này. Ông bảo “mình rảnh thì mình cứ trồng rừng để giữ nước, để chăn trâu bò, để tránh gió rồi sau này con cái vẫn có đất để sống tốt”.
Từ đó, Cu Vơ - ngọn đồi hoang hiểm trở và khắc nghiệt năm xưa giờ đây đã là ngôi làng với những ngôi nhà ẩn mình dưới tán cây trẩu xanh tốt, cùng với những cánh đồng, ao cá... giúp người dân ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Hữu Xuân – nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Hướng Phùng, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông cho biết, già làng Thương là người tiên phong lên đây lập nghiệp, ông là một mẫu hình làm kinh tế rất giỏi và được dân làng hết sức tin tưởng. “Ông Thương rất tích cực trong công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, giờ tuổi cao đã nghỉ làm nhưng ông vẫn thường xuyên tuyên truyền tới bà con dân bản nơi đây về tầm quan trọng của rừng. Ông được Ban quản lý và huyện tặng nhiều bằng khen về công tác bảo vệ rừng” - anh Xuân cho hay.