Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi giun quế giúp xử lý chất thải chăn nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao

Bùi Ánh - 07:09 26/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nuôi giun quế vốn không phải là mô hình mới nổi nhưng để phát huy được hiệu quả thì không hề dễ dàng. Trên nền diện tích 2.000m2 anh Dương Văn Tú đã thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm từ mô hình này.
Trang trại những ngày đầu xây dựng trên nền diện tích 2.000m2

Theo chân anh Tú đến trang trại, nghe anh tâm sự: “Là người con sinh ra trên vùng đất hoa quả ở Lục Ngạn, Bắc Giang, đam mê về nông nghiệp nên tôi hiểu sự cần thiết và lợi ích của nguồn phân hữu cơ vi sinh mang lại và đặc biệt là phân giun quế. Qua quá trình đi thi công hệ thống tưới tự động cho các vườn cam, bưởi tại Nghệ An, tôi đi qua các trang trại lợn và thấy nguồn phân rất nhiều mà mọi người chưa tận dụng, nên nảy sinh ý tưởng: Chuyển phân lợn từ 1 thứ gây ô nhiễm môi trường, thành 1 nguồn dinh dưỡng sạch cho vật nuôi, cây trồng”. Và rồi anh quyết tâm hành trình khởi nghiệp tại vùng đất Thanh Lâm (Thanh Chương). Để thành công với mô hình mới mẻ này bản thân anh Dương Văn Tú đã dày công tìm hiểu khí hậu, điều kiện chăn nuôi trên địa bàn và các vùng phụ cận để chuẩn bị tốt cho “cơ ngơi” của mình tại một vùng đất mới.

Bước đầu, anh trực tiếp hợp tác với một trang trại có quy mô nuôi trên 5.000 con lợn. Để thuận lợi hơn trong việc xây dựng mô hình nuôi giun quế được thuận lợi, anh tiến hành đàm phán phía trại lợn sẽ cung cấp nguồn chất thải, hạ tầng (đất, chuồng trại...) còn anh Tú bỏ công, kỹ thuật, sau đó lợi nhuận chia đều.

Bước đầu triển khai mô hình nuôi giun quế anh Tú trực tiếp hợp tác với một trang trại có quy mô nuôi trên 5.000 con lợn

Qua nắm bắt thông tin, được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều mô hình nuôi giun quế khá thành công ở các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳ Hợp,… nhưng để có quy mô lớn, trở thành hàng hoá và có doanh thu tiền tỷ thì anh Tú là người tiên phong trong lĩnh vực này.

Các sản phẩm từ giun được trang trại sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản, kết hợp trồng vườn. Sở dĩ các chủ trang trại ưa chuộng các sản phẩm từ giun cho vật nuôi và cây trồng vì ít dịch bệnh, có sức đề kháng cao. Hơn nữa, việc nuôi giun trùn quế còn giúp làm sạch môi trường xung quanh, góp phần bảo vệ môi trường trong sạch.

Trên nền diện tích 2.000m2, trang trại đã đầu tư xây dựng bể lắng, dãy chuồng nuôi giun… Toàn bộ chất thải của lợn hàng ngày được hoà nước, làm thức ăn cho giun. Sau khi thu gom, lắng lọc sẽ được chuyển trực tiếp tới bể ngâm ủ, xử lý axit, vi khuẩn gây hại, chất thải của lợn được bơm trực tiếp cho giun ăn. Sau 30-45 ngày thì cho thu hoạch 1 lứa. Giun quế bán ra theo giá thị trường với giá 50.000 đồng/kg, 3.500 đồng/kg phân, mỗi năm, nguồn thu từ giun quế của trang trại lên đến khoảng 1 tỷ đồng.

Sau 30-45 ngày nuôi giun quế cho thu hoạch 1 lứa

Qua trao đổi, anh Tú cho biết: “Trung bình, mỗi năm, lượng phân bón mà đàn lợn này thải ra khoảng 600 tấn. Chất thải được trang trại xử lý bằng bể lọc, hầm biogas, thông qua một hồ điều hoà; tuy nhiên, mùi hôi thối vẫn chưa được hạn chế triệt để nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý này thường quá tải, chi phí vận hành tốn kém. Năm 2020, trang trại đưa vào vận hành hệ thống xử lý phân thải của lợn bằng cách nuôi giun quế”.

Quy trình chăm sóc giun quế không khó, nhưng để đảm bảo cho giun phát triển đều, việc quan trọng đầu tiên là thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn: Cách âm, đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, đủ kín để các loại côn trùng không thể xâm nhập.

Với việc chăm sóc tốt, đúng quy trình, một năm mỗi con giun đẻ được khoảng 1.000 trứng và giun trưởng thành nặng khoảng 0,3 gam. Anh Tú cho hay: Nuôi giun quế không những giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn là nguồn thức ăn rất tốt cho vật nuôi và cây trồng. Không những thế, giun có nhiều chất đạm, nên vật nuôi lớn nhanh và có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Đặc biệt cách nuôi này đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Với mô hình nuôi giun quế này thì bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng

“Hiện, ngoài trại lợn ở xã Thanh Lâm, tôi đang liên kết với các trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn để triển khai nuôi giun quế, sâu quy, ruồi lính đen. Trong đó, giun quế đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Ngoài ra, tôi cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho hàng chục trang trại quy mô, hàng trăm gia trại và các hộ gia đình về cách xử lý chất thải vật nuôi bằng giun quế.

Thời gian tới tôi tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi và đầu tư chế biến sâu một số sản phẩm từ giun quế. Việc nuôi giun quế ở miền Trung vào mùa nắng gió Lào, nắng nóng cộng với hanh khô là điều kiện rất bất lợi đối với con giun. Tôi cũng từng bị thất bại khi nuôi giun quế vào mùa nắng nóng, qua thời gian trải nghiệm đúc rút kinh nghiệm, nay trang trại đã cải thiện lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm làm giảm nhiệt độ và tăng cường ẩm vào mùa Hè. Về mùa mưa cũng có khó khăn về ngập úng do đó điều kiện tiên quyết là trại cần phải làm nơi cao ráo, thông thoáng”, anh Tú cho biết thêm.