Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu từ bưởi da xanh

01:00 27/05/2018 GMT+7

Sau bảy năm canh tác, 150 cây bưởi da xanh của anh Hưng oằn sai trĩu quả. Mỗi năm, bưởi da xanh cho anh Hưng thu lời trên 400 triệu đồng.

Chuyển đổi cây trồng

Năm 2000, anh Nguyễn Phùng Hưng (42 tuổi) ở khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) lập gia đình riêng được ba mẹ cho 4 sào đất rẫy. Đây là khu đất tốt, cha anh Hưng đã trồng quýt đường năm thứ 5. Quýt rất ngọt và sai trái nên khu vườn được xem là món quà hồi môn rất “đẹp” cho đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên sau mấy mùa quýt ngọt, anh Hưng đã quyết định cưa cây để chuyển hướng canh tác sang bưởi da xanh.

Anh Hưng bên vườn bưởi trĩu cành, mọng trái của chính mình

Thấy anh Hưng cưa vườn quýt đẹp, người quen rất ngỡ ngàng. Nhiều người thắc mắc, cũng có người hồ nghi việc làm của Hưng không hiểu vì sao anh Hưng lại cưa đi vườn quýt đang đẹp. Song với sự quyết đoán, anh Hưng cùng vợ đã mạnh dạn xới đất, trồng lại 150 cây bưởi da xanh. Đây là vườn bưởi da xanh ruột đỏ được trồng đầu tiên tại khu phố Phước Hòa.

Nhớ lại những ngày đầu trồng bưởi, chưa có kinh nghiệm nên cây còn “sụt sùi” như dận như hờn, không muốn lớn. Thương cây, thương công mình đầu tư chăm sóc, anh Hưng quyết tâm tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn ở Bình Dương, Bình Long và tìm hiểu thông tin trên các kênh khuyến nông. Dần dần vườn đất thương cây, cây trái thương người cứ vậy “vụt” lớn, xanh tốt. Hai năm sau, anh Hưng có bưởi “bói” ngọt thanh, mát dịu. “Xẻ trái bưởi đầu tiên, vợ chồng tôi rất hồi hộp. Tâm huyết vào công sức hai năm trời, không biết ngọt, nhạt thế nào. May mà trời thương, bưởi ngon, cơm dày, nhiều nước”, anh Hưng nhớ lại.

Để chăm sóc bưởi được tiện lợi hơn, anh Hưng đàu tư hệ thống tưới tự động với hai loạt vòi. Vòi tưới ẩm cho gốc cây nằm sát đất, vòi tưới trên thân cây nằm trên cao hơn. Đây là quyết định và là sáng tạo riêng của anh Hưng vì thường những nhà vườn khác chỉ tưới một vòi duy nhất. Với hệ thống tưởi này, gốc và ngọn của cây bưởi đều giữ được độ ẩm cần thiết để phát triển. Để tiêu úng nước vào mùa mưa, anh Hưng đã đào những rãnh lớn trong vườn như bể thoát nước.

Đối với việc thụ phấn và giữ cho trái bưởi không bị con trùng làm hư hại, anh Hưng đã nghĩ ra một “chiêu” mà anh cho là “bí quyết riêng”. Tại một góc vườn, anh trồng mấy chục cây ôi, loại trái to để thu hút côn trùng. Những cây ổi này nở hoa quanh năm có nhiệm vụ là “mồi” đề ong, ruồi tới chích. Khi chích trái ổi, hút nhị hoa ổi, bầy côn trùng sẽ “tha” cho những trái bưởi. của Chính vì vậy, những trái bưởi trong vườn của gia đình anh không cần màng bọc vẫn phát triển tốt.

Đất lành cho trái ngọt

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi sai trĩu trái, anh Hưng cho biết mỗi năm khu vườn nhỏ này cho trên 8 tấn bưởi. Bưởi thu lai lai mỗi tháng hai lần vào dịp mùng Một và ngày rằm. Mùa rộ nhất chính là dịp tết Nguyên Đán. Giá bưởi giao động từ 35-50 ngàn đồng/kg vào ngày thường, dịp lễ tết tăng lên 65-70 ngàn đồng/kg.

Vườn bưởi của anh Hưng trồng là bưởi “chiết” nên tán nhỏ, dễ xử lý sâu bệnh và dễ chăm sóc hơn bưởi “ghép”. Bưởi “chiết” cũng cho quả sớm hơn. Đây cũng chính là lý do vì sao năm thứ 2, cây bưởi của anh Hưng đã cho trái ngọt. Ngoài bán trái, anh Hưng còn “chiết” cành bán giống cho những nhà vườn ở Bình Long, Lộc Ninh, Phú Riềng. Anh Hưng cho biết mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 2.000 cành bưởi giống, giá bán trung bình 30 ngàn đồng/cành. Tính sơ sơ, vườn bưởi da xanh ruột đỏ cho anh Hưng thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Bí quyết để vườn cây luôn xanh tốt, đầy sức sống được anh Hưng chia sẻ: “Muốn cây tốt mình phải chịu khó học hỏi, tìm hiểu chất đất, xem đất thiếu gì, mình sẽ bón phân bổ sung. Việc bón phân diễn ra hai lần/tháng. Mùa nắng thì bón phân hóa học, mùa mưa đất ẩm hơn thì bón hữu cơ, phân chuồng, phân xanh sẽ dễ hấp thụ”. Đối với những cành bưởi bị nhiễm nấm, anh Hưng không xịt thuốc mà cưa bỏ. “Bỏ hẳn để loại trừ mầm bệnh mà cây quả không bị ảnh hưởng bởi thuốc  hóa học độc hại”, anh Hưng chia sẻ.

Để chăm sóc cho vườn bưởi luôn khỏe, anh Hưng cho biết bộ rễ rất quan trọng. Nếu cây bị nhiễm trùng từ lòng đất, rễ bưởi sẽ bị “suy” không thể tiếp nhận được thức ăn, vi chất dinh dưỡng dẫn đến hư hại. Muốn phòng được điều này, anh Hưng đã xịt thuốc bón phân đúng định kỳ. “Quan trọng là mình nên phòng trước khi phải trị”, anh Hưng cho biết.

Thành công từ vườn bưởi da xanh, anh Hưng đã xây dựng cho mình một mái ấm hạnh phúc. Vợ chồng anh Hưng là nông dân điển hình biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nhật Linh