Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm phân hữu cơ vi sinh từ bã thải nấm rơm – Lợi ích kép

13:14 04/09/2021 GMT+7

Bình Trị là một xã có số hộ nông dân (ND) làm nghề nấm rơm nhiều nhất của huyện Thăng Bình (Quảng Nam), vấn đề ô nhiễm môi trường từ bã làm nấm bỏ đi sau thu hoạch ngày một khó giải quyết. Được sự hướng dẫn, chuyển giao KHKT của Hội ND và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, Hội ND xã Bình Trị đã tiến hành khảo sát, vận động xây dựng mô hình “Nhóm hộ ND làm phân hữu cơ vi sinh từ nguồn bã thải nấm rơm”.

Mô hình giúp hộ ông Lê Văn Lan hạn chế lượng phế thải từ nấm rơm ra môi trường. Ảnh Biên Thực

Ô nhiễm môi trường từ hàng nghìn tấn bã thải

Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Trị có gần 100 hộ sản xuất nấm rơm, nghề trồng nấm ngày càng phát triển mạnh, dẫn đến phế phụ phẩm sau trồng nấm cũng ngày càng nhiều. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng nấm hàng tháng thải ra khoảng 2 tấn bã thải nấm, một số hộ đem đốt, còn lại phần lớn nguồn bã thải được đỗ trực tiếp ra môi trường tự nhiên gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan và lãng phí nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.

Tại xã Bình Trị, lượng rơm sử dụng để trồng nấm trung bình mỗi tháng khoảng 4,5 tấn/tháng/hộ. Tùy vào số lượng lao động và điều kiện của mỗi gia đình mà lượng rơm ủ mỗi tháng là khác nhau, dao động từ khoảng 1 – 9 tấn/tháng, tổng lượng rơm sử dụng của xã khoảng 5.000 tấn rơm/năm. Như vậy, mỗi năm có khoảng 3.500 tấn bã thải được đưa ra môi trường từ hoạt động này…

Qua khảo sát tại xã Bình Trị cho thấy, có 89/96 hộ trồng nấm có bã thải không xử lý. Bã thải nuôi trồng nấm rơm chỉ được đốt thu tro để bón ruộng vào mùa nắng, phần còn lại được thải trực tiếp ra môi trường. Bã thải được đổ trong vườn của các hộ trồng nấm, nhà có vườn rộng thì dành một khu vực để chứa bã thải chờ đốt hoặc hoai mục, các nhà có diện tích nhỏ, bã thải được đổ ngay cạnh các nhà trồng nấm, thậm chí một số gia đình còn đổ bã thải lên trên mái nhà.

Việc xả thải như vậy thường gây ảnh hưởng đến môi trường trồng nấm và sinh hoạt của người dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng nấm rơm nên hầu hết các hộ dân chọn cách đổ bã thải ra các khu vực công cộng của địa phương như bờ ruộng, ven đường, thậm chí là đổ xuống kênh mương… gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, cản trở giao thông, dòng chảy của kênh mương. Ngoài ra, bã thải chất đống lâu ngày phân hủy chậm gây rỉ nước, bốc mùi hôi thối, theo nguồn nước ruộng, kênh mương làm ô nhiễm nguồn nước tại khu vực xả thải cũng như các khu vực xung quanh.

Vì vậy, việc xử lý môi trường trong quá trình trồng nấm rơm nói chung và xử lý bã thải sau thu hoạch nấm nói riêng cần phải được quan tâm đúng mức và thường xuyên nhằm góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần giúp nghề trồng nấm rơm đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa bệnh và nấm dại gây hại.

Đầu tháng 4.2021, Hội ND xã Bình Trị và Ban Nông nghiệp xã phối hợp thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ phế thải nấm rơm tại hộ ông Lê Văn Lan (thôn Việt Sơn). Mô hình có sự tham gia đông đảo của những hộ làm nấm lân cận. Sau các công thức pha trộn từ chế phẩm sinh học, 5 tấn phế thải từ nấm rơm đã được ủ trộn.

Theo ông Lê Văn Lan, thời điểm này, toàn bộ lượng phân vi sinh hữu cơ trên đã có thể sử dụng được. Sắp tới, ông sẽ đem lượng phân này bón cho 1 mẫu ruộng và hoa màu khác. Nếu mô hình này giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn thì vụ tới gia đình ông có thể giảm được một nửa lượng phân bón hóa học.

“Mỗi tháng gia đình tôi làm khoảng 5.500 bánh rơm, ước tính có khoảng 7,5 tấn phế thải từ nấm rơm ra môi trường. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm phân vi sinh hữu cơ thì lượng phế thải ra môi trường không còn, vừa đem lại lợi ích lớn cho nông dân” – ông Lan nói.

Bã thải được đổ hai bên đường của các hộ nuôi trồng nấm ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình. Ảnh Biên Thực

Nhân rộng mô hình để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường

Đây là một mô hình mới đầu tiên trên địa bàn huyện, được hình thành và đi vào hoạt động tại tổ 13, thôn Việt Sơn xã Bình Trị. Tham gia mô hình có 12 thành viên là hội viên nông dân trực tiếp làm nghề nấm rơm tại đây trong nhiều năm qua. Thời gian xử lý bã thải để làm phân hữu cơ vi sinh trung bình khoảng 10 ngày với sản phẩm thu được là 5 tấn/mẻ. Hiện nay Hội ND xã Bình Trị đang phối hợp thành lập, ra mắt thêm 2 mô hình như trên cũng tại thôn Việt Sơn.

Ông Trịnh Tấn Dõng – Chi hội trưởng Chi hội ND thôn Việt Sơn cho hay, mô hình này ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng phương án xử lý bã thải trồng nấm với mục tiêu vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tạo thêm sản phẩm hữu ích phục vụ nông nghiệp, cụ thể là ứng dụng các chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng.

“Nếu mô hình hiệu quả, Chi hội sẽ khuyến khích các hộ khác cùng thực hiện. “Hiện nay Chi hội không chỉ thực hiện “3 cùng” (cùng sản xuất nấm, cùng hỗ trợ kỹ thuật và cùng phát triển) mà còn tích cực chung tay bảo vệ môi trường từ việc biến phế thải thành phân hữu cơ vi sinh.

Mô hình này thành công sẽ giúp cho toàn bộ lượng bã thải từ nấm rơm bỏ lãng phí lâu nay trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để làm phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa giúp giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường và mỹ quan của địa phương. Hội ND huyện Thăng Bình sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình này đem lại để giới thiệu, nhân rộng trong thời gian tới tại những địa phương có làm nghề nấm rơm trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng nông thôn mới khang trang sạch đẹp, bảo vệ môi trường.

“Việc tận dụng phế thải này để làm phân vi sinh hữu cơ là hướng đi có lợi cho nông dân và môi trường sống. Dự kiến thời gian tới, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình mở rộng thêm 2 mô hình ứng dụng phế thải nấm rơm để làm phân hữu cơ vi sinh tại địa bàn Bình Trị. Đây sẽ là cơ hội lớn để các nông hộ áp dụng”.
Ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trị.

Vĩnh Tường