Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làng bánh tráng Tuý Loan vào vụ Tết

10:55 29/01/2022 GMT+7
Những ngày này, làng bánh tráng Tuý Loan ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP.Đà Nẵng rộn ràng tráng bánh phục vụ người dân trong dịp Tết. Nhờ gắn bó với nghề truyền thống, cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây ổn định, dù năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bánh tráng tiêu thụ giảm hơn.

Từ lâu nay, bánh tráng Tuý Loan là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên và bữa ăn của mỗi gia đình người dân Đà Nẵng. Để phục vụ thị trường Tết, những ngày này, nhiều hộ làm bánh tráng Tuý Loan duy trì đỏ lửa lò để tráng các mẻ bánh thơm ngon.

Cả tháng nay, ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Trường Hữu, ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để xay bột nhóm lò tráng bánh cho kịp bỏ hàng dịp giáp Tết. Ông Hữu cho biết, để làm được một chiếc bánh tráng thơm ngon thì nguyên liệu chính là gạo Xiệc thêm gia vị đặc trưng của làng bánh Tuý Loang như: gừng, tỏi, nước mắm và đường.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lượng bánh tiêu thụ giảm hơn so với trước.

Ông Nguyễn Trường Hữu cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm nay, bạn hàng đặt mua ít hơn hẳn, chủ yếu là bán lẻ phục vụ khách ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Mỗi ngày, gia đình ông Hữu sản xuất tầm 1.000 chiếc bánh tráng, tương đương 3 tạ gạo. Giá một chục bánh tráng loại nhỏ là 60.000 đồng và loại lớn 170.000 đồng. Như mọi năm, vụ bánh Tết thu lãi cả 50 triệu đồng, năm nay chỉ bù vốn.

“Mấy năm trước gia đình bán bánh cho các tỉnh, bán rất chạy mà năm nay bán rất ể ẩm. Hiện tại, bánh còn 6.000 đến 7.000 bánh. Sở Công Thương có quan tâm tới, hỗ trợ cho máy nướng. Mọi năm đặt nhiều nhưng năm nay do dịch bệnh làm chỉ phục vụ trong địa phương”, ông Nguyễn Trường Hữu cho hay.

Bánh tráng Tuý Loan có mùi vị thơm ngon đặc trưng, nếu ai đã từng một lần thưởng thức loại bánh này thì khó có thể quên hương vị của nó. Chính vì thế mà vào những dịp Tết Nguyên đán, nhiều người lại tìm về Tuý Loan đặt mua bánh tráng về ăn và làm quà cho người thân… giúp người dân làm bánh có thêm thu nhập ổn định.

Bà Lê Thị Thuỳ Trang, ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ trước đến nay, trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình đều không thể thiếu món bánh tráng: “Năm nào cũng vậy, dịp Tết cuối năm mình thường về đây để mua bánh tráng đặt lên bàn thờ cúng, cũng như tặng cho bạn bè ở nhiều nơi. Bánh tráng ở đây thơm, đậm vị, đặc trưng mè nhiều nên béo”.

Khác với nơi khác, bánh tráng Tuý Loan được tráng mỏng, có cả loại lớn và loại nhỏ, đều được người dân xông khô bằng lồng than chứ không phơi nắng. Hiện, tại xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có hơn 20 hộ duy trì nghề truyền thống của địa phương.

Sấy bánh tráng bằng than.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, để giữ thương hiệu và phát triển làng nghề này, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của thành phố luôn quan tâm hỗ trợ vốn, giúp các hộ đầu tư máy xay bột, lò nướng bánh, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.

“Bánh tráng Tuý Loan làng nghề truyền thống được sản xuất từ bao đời. Hiện, huyện đang lập một đề án để duy trì và phát triển làng nghề bánh tráng Tuý Loan thành sản phẩm OCOP. Địa phương hỗ trợ cho bà con xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm đóng gói và hướng dẫn cho bà con về cách sản xuất tập trung để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cung ứng ra thị trường và tạo cho bà con sản xuất hàng hoá. Nhờ sản xuất nghề bánh tráng mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo”, ông Phan Văn Tôn cho biết thêm./.

Theo VOV

Giữ lửa cho làng nghề bánh tráng truyền thống ở Cù lao Mây
Hơn 100 năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, bánh tráng Cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được nhiều người biết đến. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho làng nghề. Làng nghề rộn rã Làng nghề bánh tráng