Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lãng mạn với sợi xà - tích trên đỉnh Pờ Ly Ngài

LÊ CÔNG HỘI - 07:04 22/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tôi nói với nghệ nhân Cháng Thanh Tờ rằng, không chỉ riêng người làm nghề trên đỉnh núi Pờ Ly Ngài này mà hơn thế, hầu như tất cả những thợ chạm bạc tại cái huyện miền núi Hoàng Su Phì  đều xem ông là “phù thủy” của ngọn lửa đèn khò để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật chạm bạc với  cái duyên “thương hiệu” rất riêng có nơi miền cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ, đầy chất thi ca đấy.
Vẻ đẹp của người phụ nữ Nùng càng được tôn thêm nhờ những bộ trang sức bạc truyền thống.

Còn chưa kịp dứt câu, tôi đã nhận được cái cười thuần hậu và khiêm cung của Cháng Thanh Tờ: “Ầy dà! Mình không xứng đáng được như thế đâu. Cháng Thanh Tờ chỉ là người kể lại những câu chuyện lịch sử bi ai, bất khuất và lãng mạn của tổ tiên người Nùng mình. Thêm nữa, mình cũng làm cái việc ghi lại vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của núi rừng Hoàng Su Phì cũng như của đất và nước miền cao nguyên đá Hà Giang lên những sản phẩm chạm bạc thôi. Ôi trời! “Phù thủy” gì mình chứ. Ngượng chết đi được. Thật mà!”.

Phút trải lòng, Cháng Thanh Tờ buông câu bổng câu trầm, chả cứ ngày xưa cổ lỗ sĩ đâu, ngay ở cái thời 4.0 đây, người Nùng vẫn giữ nguyên quan niệm tinh khôi, không phải trong nhà cứ nhiều trâu bò, ruộng vườn và tiền thế giàu có. Phải có nhiều đồ trang sức bạc mới là kẻ giàu có hơn người, nhất định thế.

Vợ chồng nghệ nhân Cháng Thanh Tờ.

Cháng Thanh Tờ nhớ lại: “Từ dạo còn nằm trong cái địu vải theo lưng mẹ ra ruộng bậc thang đẹp hơn cả tranh vẽ trên đỉnh Pờ Ly Ngài mình đã được nghe bà nội, rồi thì cha mình bảo: “Cái trang sức bạc của là hồn cốt tổ tiên. Là văn hóa tập tục truyền thống của người Nùng ta đấy con con trai à. Nếu không đeo bạc, người Nùng như con nai lạc trong rừng. Không còn biết đâu là nguồn cội. Cũng không gặp được sự may mắn, bình yên đâu mà. Thế thì không còn là người Nùng rồi!”.

Bất giác Cháng Thanh Tờ quay sang hỏi tôi: “Anh đã thấy phụ nữ Nùng chúng tôi đeo rất nhiều đồ trang sức bạc mỗi khi ra khỏi nhà rồi chứ?”. Tôi gật đầu xác nhận theo bản năng.  “Anh không biết đâu!” - Bất giác trong giọng nói của Cháng Thanh Tờ có nước mắt - “Mỗi món đồ trang sức đều có câu chuyện riêng, thấm máu và nước mắt của tổ tiên người Nùng cả đấy!".

Chuyện rằng, từ khi những thửa ruộng bậc thang đầu tiên trên đỉnh Pờ Ly Ngài vừa mới được tổ tiên người Nùng sinh ra, họ rất giàu có và hạnh phúc. Thế rồi một ngày kia, bọn giặc Hán mang quân tới cướp bóc. Trai tráng người Nùng tập hợp cùng nhau chống lại, bảo vệ bờ cõi. Quân giặc tàn ác, chúng bắt bớ phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng.

Chưa thỏa, chúng còn lấy kim bạc cắm vào đầu. Rồi lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ phụ nữ Nùng chưa đủ, chúng còn lấy vòng sắt đeo vào cổ tay sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ. Bọn cướp nước làm thế nhằm khiến trai tráng người Nùng phải quy hàng. Nhưng họ không khuất phục.

Vì non nước quê hương, những người phụ nữ Nùng quyết không chịu khuất phục giặc ngoại bang. Họ một lòng một dạ thủy chung với chồng. Vua Hán nể phục, sai quân lính tháo những chiếc cối đá, những vòng xích sắt thay bằng những sợi dây xà - tích, những chiếc vòng tay, chiếc nhẫn nhỏ hơn đeo cho người phụ nữ. Đồng thời rút quân, chấm dứt chiến tranh với người Nùng.

“Hoà bình trở lại, phụ nữ Nùng được sum họp với gia đình” - Cháng Thanh Tờ cảm động kể tiếp - “Để con cháu đời đời nhớ đến năm tháng gian nan vất vả tủi nhục của những người bà, người mẹ và những người em gái Nùng quê tôi đã mặc chiếc váy có cạp to phía sau, đeo những bộ trang sức bạc chạm khắc hình chiếc cối, sợi xích, hòn đá... cho tới thời bây giờ đấy!”

“Vì lẽ…”. Đôi mắt tinh anh, thuần hậu Cháng Thanh Tờ chợt loang loáng nước. Anh nghẹn giọng đỡ lời tôi: “Mỗi một sản phẩm bằng bạc đều là đại diện cho lịch sử, tâm hồn và cốt cách, Và trầm tích lớp lang văn hóa của người Nùng đấy. Ngày còn sống chả ngày nào, tháng nào, năm nào mà cha mình lại không dặn dò con trai như thế!”.

Nghệ nhân Cháng Thanh Tờ thực hiện công đoạn nấu bạc.

Người nghệ nhân đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với nghề chạm bạc bồi hồi nhớ lại, đã có lúc các trang sức bạc truyền thống của người Nùng trên đỉnh Pờ Ly Ngài đứng trước nguy cơ trở thành những món đồ của dĩ vãng.  Cái thời ấy xảy ra cách nay hơn chục năm về trước.

Ấy là khi những món đồ trang sức mỹ kim bày bán ênh hềnh tại các sạp hàng chợ huyện gần, xa. Lúc đó, những nam thanh nữ tú người Nùng trên đỉnh Pờ Ly Ngài bảo nhau, làm chiếc vòng bạc theo truyền thống tốn hết cả đôi con trâu. Nhưng ra chợ huyện mua chỉ mất vài trăm nghìn thì tội gì.

Còn những ông già, bà lão làng gần bản xa trong lúc tỉ mẩn vá vá khâu khâu chằng đụp những bộ đồ cũ kỹ thì bất giác ghìm một tiếng thở nặng rồi miễn cưỡng chậc lưỡi một cái: Biết là chiếc cúc áo bằng bạc nó đẹp thật đấy, tổ tiên mình nghìn đời vẫn yêu quý nó. Ôi dà! Phải cái nó đắt quá. Tiền đâu mà mua đính lên áo chứ. Thôi thì dùng cái cúc nhôm đính vào cho xong vậy. Tổ tiên biết con cháu nghèo nên chắc cũng bỏ qua cho thôi mà.

“Dạo đó, phải mất một thời gian rất dài, mình không còn được nhìn thấy con gái Nùng trước khi theo chân chồng về làm dâu được khoác lên người bộ trang sức bạc truyền thống nữa. Đau lòng vô kể!” - Cháng Thanh Tờ ngậm ngùi - “Ầy dà! Xem ra, một khi cái sự đói cơm, rách áo còn ràng buộc bà con của mình hàng ngày thì phần hồn của dân tộc cũng dễ bị hao gầy đi đấy!”.

Cháng Thanh Tờ kể, dù vậy thì người nghệ sĩ miền sơn cước ấy không chịu bất lực ngồi thở dài nhìn giá trị di sản văn hóa vật thể của cha ông bị đói nghèo cuốn phăng. Một ngày nắng bừng sáng rất đẹp, Cháng Thanh Tờ bỗng có nhân duyên khi may mắn gặp được nghệ nhân Ly Sào Tin, người bản Thinh Rầy, xã Nàng Đôn cùng trên đỉnh Pờ Ly Ngài.

Cháng Thanh Tờ nảy ra ý tưởng bàn với bạn tâm giao về nhà “xui” con cháu, hễ cứ tới phiên chợ huyện là khoác vào người những bộ trang sức bạc truyền thống lộng lẫy nhất để “chào hàng” với khách bản gần, kẻ huyện xa. Mà không chỉ riêng với người Nùng đâu.

 “Mưa dầm thấm lâu!”. Qua rất nhiều phiên chợ huyện, người ta bắt đầu quan tâm tới những bộ trang sức bạc Nùng truyền thống. Những mặt hàng mỹ kim rẻ tiền dần bị thiên hạ ngoảnh mặt làm ngơ. Biết là ít nhiều vẫn còn có những người thiết tha nặng lòng với giá trị văn hóa Nùng truyền thống, Cháng Thanh Tờ và Ly Sào Tin vui hơn Tết.

Rồi thì, thay vì chỉ thể hiện những gì thuộc về di sản văn hóa Nùng trên các sản phẩm chạm bạc. Hai người nghệ nhân bảo nhau cùng “thổi hồn” mình vào những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em khác lên các sản phẩm chạm bạc của mình những hoa văn, họa tiết đầy sáng tạo tinh tế, công phu.

Truyền thống và hiện đại ngay trên các sản phẩm chạm bạc, các món hàng của Cháng Thanh Tờ và Ly Sào Tin không chỉ hài lòng người tiêu dùng trung niên mà còn vô cùng quyến rũ thế giới người trẻ không chỉ riêng miền cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ, lãng mạn.

Lại gặp lúc đời sống vật chất của bà con Nùng và các dân tộc anh em ngày mỗi ngày “có bát ăn bát để” nhờ biết “xóa đói, giảm nghèo”, người ta đã nhận chân ra rằng: Những giá trị truyền thống trong mỗi món trang sức bạc  phải được trân trọng nâng niu gìn giữ như chính hơi thở của mình.

Thế là chả ai bảo ai, người gần kẻ xa chủ động tự nguyện tìm tới gõ cửa nhà Cháng Thanh Tờ đặt mua những bộ trang sức bạc với hy vọng: Sẽ được cha ông tiếp thêm sức mạnh để gia đình sẽ có thêm thật nhiều trâu bò, thật nhiều những đồi dứa mênh mông; những héc - ta thảo quả, những cánh rừng quế,…bạt ngàn giá trị bạc tỷ.

Một chiếc vòng cổ tinh xảo của phụ nữ Nùng truyền thống.

Thành kính dâng nén tâm nhang lên án thờ gia tiên, nghệ nhân Cháng Thanh Tờ xúc động kính cáo với người cha - ông thày học đã truyền cho anh tình yêu đặc biệt với lịch sử, vẻ đẹp của nước non, với bạc rằng, nghề chạm bạc của người Nùng trên đỉnh Pờ Ly Ngài đã được Nhà nước vinh danh là Di sản vật thể Quốc gia.

Cháng Thanh Tờ còn trải lòng với cha mình rằng, dẫu có lúc thăng khi trầm, nhưng nghề chạm bạc của người Nùng vẫn được bảo tồn, phát triển. Vậy nhưng tiếc sao, trên đỉnh Pờ Ly Ngài số người nắm được các bí quyết chế tác các đồ trang sức dành cho người phụ nữ Nùng trong ngày cưới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

 Buồn lòng hơn, ngay trong gia đình Cháng Thanh Tờ, con cháu cũng chả ai có hứng thú với nghề của tổ tiên trao truyền lại nữa. Dù chúng biết, theo nghề là có “đồng ra đồng vào”. Bởi thế, Cháng Thanh Tờ đã - đang làm mọi cách tốt nhất để nghề chạm bạc truyền thống của gia đình không bị thất truyền trước khi theo hầu các bậc tiên tổ và cha đẻ của mình.

Trong làn khói hương quẩn trắng bảng lảng nhuốm màu sắc u linh, huyền bí nhưng cũng đầy hiện thực, bất giác Cháng Thanh Tờ bắt gặp ánh mắt người cha đang hướng vào mình.  Và cái nhìn đầy tin yêu, nhân từ của người cha đã mang lại cho Cháng Thanh Tờ cái cảm giác tự tin với khát vọng nhân văn của mình và anh tự hứa với lòng mình: Sẽ vươn tay để chạm bằng được vào giấc mơ lãng mạn và hiện thực ấy./.