Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể

Huỳnh Khánh - 10:40 12/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 11/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Lễ công bố Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Đom Lơng Néak Tà theo Quyết định 377/QĐ-BVHTTDL ngày 21/02/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Đạt (ngoài cùng bên trái) - Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh trao quyết định và chứng nhận của Bộ VHTTDL.

Bảo tồn, phát huy truyền thống của một lễ hội dân gian giàu tính nhân văn

Ngày 21 tháng 02 năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định  số 377/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội truyền thống: “Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh”.

Ngày nay, trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sự hội nhập và cạnh tranh với các nền kinh tế trên thế giới, văn hóa truyền thống Việt Nam là nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Việc bảo tồn và phát huy lễ hội Đom Lơng Néak Tà là cần thiết và cấp bách, nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước mắt và lâu dài.

Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Lễ công bố.

Tại Lễ công bố, ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Lễ hội Đom Lơng Néak Tà được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể là niềm vui của nhân dân trên địa bàn nói chung và của đồng bào Khmer nói riêng, cũng là vinh dự của tỉnh Trà Vinh. Nhằm tôn vinh và phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành cùng chung tay bảo tồn và xây dựng nền văn hoá bản địa, văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Miếu thờ thần Néak Tà của người Khmer tại Trà Vinh.

Tại tỉnh Trà Vinh, các huyện, thị xã, thành phố đều có miếu Néak Tà với tổng số 242 miếu. Trong số này, huyện Trà Cú có nhiều nhất với 64 miếu. Néak Tà ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dạng như Néak Tà Som Rôn (cây trôm), Néak Tà Đôm Prìnl (cây trâm), Néak Tà Đôm Chrey (cây da), Néak Tà Kô Ki (cây sao), Néak Tà Kom Pong Riênl (Bến Củ Chi), Néak Tà Bần Nai (cây duối)... và khá nhiều Néak Tà Méchas Srok (Néak Tà chủ xóm) như: Tà Miês ở Trà Cuôn, Tà Ớt Kim Câu, Tà Năng ở Năng Nơn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang)… Các Néak Tà Wạt được thờ trong khuôn viên một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer Trà Vinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở để tỉnh đầu tư, bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh. Thông qua đó góp phần phát triển, quảng bá tiềm năng du lịch gắn với những phong tục tập quán và ngôi chùa Khmer mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tín ngưỡng dân gian cổ xưa, nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của người Khmer

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Néak Tà là vị thần bảo hộ của cả cộng đồng phum sóc, gần tương đồng với thần Thành hoàng của người Kinh. Néak Tà là vị thần tốt bụng, công minh, chính trực, vì vậy lễ hội Đom Lơn Néak Tà là lễ hội truyền thống định kỳ hàng năm được cả phum sóc tham dự và xem như lễ hội chung của phum sóc mình. Vì vậy trước đây khi phum, sóc có xảy ra biến cố hay sự kiện mà con người không lý giải được như dịch bệnh, hạn hán thì mọi người cùng nhau sắm lễ vật làm lễ cúng cầu khẩn Néak Tà.

Múa chằn khỉ - điệu múa truyền thống của người Khmer tại lễ hội Đom Lơng Néak Tà.

Néak Tà đối với người Khmer Trà Vinh còn là thần ban phúc, giáng họa, thần xét xử, thần chữa bệnh... Trước đây, khi có xích mích, khiếu kiện, nghi kị lẫn nhau họ đến miếu Néak Tà để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng dám của Néak Tà. Người bị bệnh thường đến đây khấn và hứa trả lễ khi lành bệnh. Ai mất mát đồ đạc gì cũng khấn Néak Tà nhờ tìm và chỉ giúp. Nếu lời khấn được linh nghiệm thì sau đó họ sẽ đem lễ vật đến dâng cúng trả ơn. Lễ vật là cây trái hoặc con gà, con vịt hoặc đầu heo tùy thuộc vào việc cầu xin khấn nguyện.

Đồng bào Khmer mỗi nơi chọn cho mình một ngày tổ chức lễ hội Đom Lơng Néak Tà riêng, nhưng hầu hết đều tổ chức vào tháng 3, 4, 5 âm lịch. Đây là thời điểm giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa, nhà nông chuyển từ mùa nông nhàn sang mùa gieo cấy. Theo nghĩa đó, lễ hội Đom Lơng Néak Tà có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Kỳ yên - Hạ điền ở các ngôi đình của người Kinh. Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer Trà Vinh trước đây thường kéo dài trong nhiều ngày, nhưng nay thường được tổ chức trong hai ngày.

Trước ngày diễn ra lễ hội, những người có trách nhiệm trong phum, sóc thông báo cho các gia đình biết ngày, giờ để người dân tập trung. Sáng sớm ngày đầu vào lễ, người dân tập trung về miếu Néak Tà tiến hành dọn dẹp, trang trí, dựng rạp để chuẩn bị vào lễ. Các hòn đá tượng trưng cho Néak Tà được người dân vệ sinh sạch sẽ và phủ lên mảnh vải đỏ mới. Mọi người cũng chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng của cộng đồng và của riêng gia đình. Trong Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, tùy theo từng nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, thể thao truyền thống như: Nhạc ngũ âm, Rô băm, Dù kê, trống Chhay dam, đập nồi, kéo co, leo cột, nhảy bao, đua ghe,..

Thờ Néak Tà là tín ngưỡng dân gian cổ xưa của người Khmer nói chung người Khmer Trà Vinh nói riêng. Ngoài ước nguyện cầu cho người an vật thịnh, còn có mục tiêu hướng con người đến chân, thiện, mỹ, niềm tin đó giúp ích không ít cho con người thêm ý chí và nghị lực, vượt qua gian khổ hạn chế điều ác, làm điều thiện. Như vậy, tín ngưỡng thờ thần Néak Tà không chỉ có ý nghĩa về đạo đức, đáp ứng một nhu cầu thiêng liêng của con người, niềm tin đó đã góp phần quan trong cho trật tự xã hội.

Nhìn chung, lễ hội Đom Lơng Néak Tà là lễ hội giàu tính nhân văn đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của cư dân Khmer ở Trà Vinh. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng dân tộc tại địa phương.

Tính đến tháng 02/2024, tỉnh Trà Vinh đã có 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật “Chầm riêng chà pây" của đồng bào dân tộc Khmer; Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh; Nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”; Lễ hội “cúng biển Mỹ Long” thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; Nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè và Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh.

  • “Nông dân chính là tương lai của chúng ta”
    Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
  • Cách trồng chuối Laba cho năng suất cao
    Chuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
  • Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyện
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025.  Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
  • “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
  • Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
    Tháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
  • Đổi mới trên quê hương Nho Quan
    ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".