Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lễ hội mùa Xuân của các dân tộc vùng cao phía Bắc: Vốn quý chờ nhân lên giá trị

Quỳnh Thanh - 07:11 27/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hầu như mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có những ngày lễ hội riêng, được xem như di sản văn hóa đặc biệt. Với đồng bào khu vực vùng cao phía Bắc, lễ hội tập trung chủ yếu vào tháng Giêng, tháng Hai của mùa Xuân. Trong đó, cộng đồng người Tày, Nùng có Lễ hội Lồng tồng; Cộng đồng người Thái, Mường có Lễ hội Cầu an; người Mông có Hội Gầu Tào; đồng bào dân tộc Dao và Pà Thẻn có Lễ hội Nhảy lửa…
Màn múa rồng tại Lễ hội Lồng tồng huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Ảnh tư liệu

Lễ hội Lồng tồng 

Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Hội Xuống đồng, Oóc tồng là một trong những lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày và cũng là nét văn hóa đặc trưng của tộc người Nùng, Dao, Sán Chỉ. Lễ hội mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, là hoạt động tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Lễ hội được tổ chức ở những thửa ruộng tốt nhất, to nhất trong bản làng.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội rất chu đáo và cẩn thận. Trước ngày hội, tất cả các gia đình trong bản đều quét dọn nhà cửa, đường sá sạch sẽ và chuẩn bị nhiều lương thực để đón khách đến với gia đình. Vào ngày lễ hội, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng của từng gia đình và phô bày sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ trong việc nội trợ.

Mâm cúng đầy đủ có gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ và xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, âm dương thể hiện những mơ ước, khát vọng cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở của người dân gửi gắm. Ngoài ra, trên mỗi mâm cỗ đều có các món ăn truyền thống như: Bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh hình bông hoa nhiều màu sắc.

Phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống thu hút mọi người tham gia. Trò chơi phải nhắc đến đầu tiên trong lễ hội Lồng Tồng là trò tung còn. Hội thi Cấy lúa được rất nhiều người tham gia. Mỗi làng sẽ chọn ra những người phụ nữ nhanh nhẹn, khéo léo và cấy giỏi nhất để tham gia hội thi. Ngoài ra, phần hội còn diễn ra các trò chơi truyền thống khác như: Kéo co, đấu gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh bi, đánh khăng,…

Lễ hội Lồng tồng còn là nơi để các chàng trai, cô gái gặp gỡ, giao duyên qua những điệu hát then, sli… ngọt ngào. Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của nước nhà, đồng thời tạo cơ hội để phát triển du lịch của vùng.

Hội tung còn.

Lễ hội tung còn

Lễ hội tung còn là lễ hội mùa Xuân thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày… tổ chức vào dịp đầu năm mới. Với người Thái, tổ chức lễ hội tung còn là để mong muốn âm dương hòa hợp, con cái trong nhà đông đúc. Người Tày tổ chức lễ hội tung còn để cầu mùa màng tốt tươi, gia đình no ấm. Với người Mường, lễ hội tung còn là để nam thanh nữ tú gặp nhau, se duyên cho các trai gái trong thôn bản. 

Để tổ chức lễ hội tung còn, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc thường chọn một bãi đất bằng phẳng, dựng lên một cây cao từ 9 - 15m làm cột, trên đỉnh uốn vòng tròn đường kính khoảng 50cm, dán giấy một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương.

Quả còn được các cô gái chuẩn bị từ trước lễ hội, quả còn được thêu với nhiều màu sắc sặc sỡ với nhiều màu xanh đỏ. Nhìn quả còn trong lễ hội nhiều người có thể đoán biết được sự khéo léo, óc thẩm mỹ của các cô gái. Lễ hội tung còn không phân biệt tuổi tác, rất nhiều người từ già đến trẻ đều háo hức tham gia nhưng thu hút nhiều nhất vẫn là các nam thanh nữ tú ở trong thôn bản. 

Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Hà Giang.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông 

Gầu Tào là lễ hội truyền thống được người Mông trông chờ nhất vào dịp đầu Xuân. Lúc đầu, lễ Gầu Tào của người Mông đơn thuần là cảm ơn thần linh phù hộ sinh con cái, chỉ những gia đình giàu có mới tổ chức. Sau này, lễ hội được mở rộng quy mô trở thành lễ hội của cộng đồng. Bên cạnh việc cầu con cái, còn cầu bình an, may mắn, cuộc sống ấm no. 

Trong lễ hội Gầu Tào, cây nêu là vật linh thiêng nhất tượng trưng cho chiếc thang đưa lời cúng của các vị thần lên tới trời cao nên được chọn cẩn thận, không bị cụt ngọn, không bị sâu mọt, cây thẳng. Trước khi dựng cây nêu, thầy cúng phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần đồi, thần núi xin phép tổ chức lễ hội Gầu Tào ở đó rồi mới được dựng.

Sau phần lễ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo như: Múa khèn, múa gậy, múa sinh tiền, thi bắn nỏ, thổi đàn môi, hát giao duyên… Lễ hội thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Theo ông Hùng Đình Quý, nhà thơ người dân tộc Mông cao niên ở Hà Giang, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang: Trong đời sống của dân tộc Mông họ đặc biệt yêu thích “Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa Xuân” mà tiếng Mông gọi là “Gầu Tào”. Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.

Những thanh niên dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình, Tuyên Quang) dũng cảm nhảy vào đống than hồng trong lễ hội Nhảy lửa nhưng không hề bị bỏng rát. Ảnh tư liệu

Lễ hội Nhảy lửa

Một trong những lễ hội mùa Xuân độc đáo, lạ lùng, nhiều người biết đến ở miền núi cao Tây Bắc là lễ hội Nhảy lửa. Lễ hội Nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Theo quan niệm của các dân tộc này, tổ chức lễ hội Nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu mong thần linh tiếp tục che chở phòng tránh được tai ương, cuộc sống ấm êm no đủ. 

Người tham gia lễ hội nhảy lửa là đàn ông con trai trong làng trong bản. Nhìn chung, các nghi thức lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tương tự dân tộc Dao thường được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trên sân đốt một đống củi to, khi đống củi rực cháy, than hồng, thầy cúng bắt đầu làm lễ. Các chàng trai tham gia nhảy lửa sẽ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực nhảy bằng đôi chân trần của mình mà không sợ bỏng rát.

Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn có từ lâu đời, với những giá trị văn hóa và khoa học của di sản. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã đưa lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1 nhằm  bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia. 

“Các hoạt động văn hóa đầu năm, đặc biệt là gắn với các lễ hội xuống đồng, lễ hội cầu mùa trong những năm qua đã tạo động lực rất lớn, bà con các dân tộc rất vui tươi phấn khởi những ngày đầu năm và qua đó thúc đẩy mối đoàn kết giao lưu giữa các dân tộc, đồng thời khuyến khích bà con thi đua lao động sản xuất”.
Ông Nguyễn Bản – cán bộ văn hóa tỉnh Hà Giang.