Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Logictic là khâu quan trọng trong xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam

Tú San - 15:57 03/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản (NLTS) quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, trồng trọt tăng 1,2%, chăn nuôi tăng cao 4,7%, thủy sản tăng 2,68% và lâm nghiệp tăng 3,66%. Kết quả là, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Tính trọng yếu của dịch vụ Logictic với ngành Nông nghiệp

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống logistics nông nghiệp vốn đang yếu, đây là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả, quy mô hàng hóa cao, đáp ứng được nhiều thị trường. Để đạt được kết quả này, toàn ngành sẽ tập trung vào 05 nhóm giải pháp bao gồm: Đảm bảo nguồn cung đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Tiếp tục tháo gỡ thị trường; Giảm thiểu tác động của dịch bệnh; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu công; và Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai Nghị định 105/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Dịch vụ Logictic đang đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả đạt được của ngành trong 3 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trong tháng 4 và quý II. Bộ NN&PTNT xác định những khó khăn và thuận lợi năm 2023 sẽ phải đối mặt; Khó khăn lớn nhất đối với ngành Nông nghiệp là vấn đề thị trường, với rào cản lớn là tất cả các chỉ tiêu năm 2022 rất cao.

Mặc dù vậy, những kết quả đạt được trong quý I là tương đối khả quan. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản (NLTS) quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, trồng trọt tăng 1,2%, chăn nuôi tăng cao 4,7%, thủy sản tăng 2,68% và lâm nghiệp tăng 3,66%.

Lúa gạo và rau quả là hai nhóm ngành hàng có kết quả sản xuất cao nhất trong quý I. Trong đó, ngành lúa gạo vừa được mùa vừa được giá, sản lượng lúa đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; năng suất lúa đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Giá lúa trong nước tăng và gạo xuất khẩu ở mức cao 530 USD/tấn. Nhóm rau quả đạt tốc độ tăng trưởng từ 1,9 - 27,8%.

Xuất khẩu gạo đang là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam

Theo ông Việt, trong quý I, khó khăn lớn nhất mà ngành Nông nghiệp phải đối mặt đến từ thị trường, cả trong nước và nước ngoài. Năm 2022 xuất khẩu NLTS đạt 53,53 tỷ USD, giá trị xuất khẩu quý I đã giảm 14,4%, trong đó thủy sản giảm 29% (mức giảm mạnh nhất), lâm sản giảm 28%.

Sức mua thị trường trong nước giảm kể từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp tiếp tục ở mức cao, tuy không tăng mạnh như năm 2021 và 2022 nhưng vẫn là một trở ngại lớn của ngành.

Bước sang quý II, ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu khó khăn hơn, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) toàn ngành 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 14 tỷ USD.

Cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững

Bốn chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và kế hoạch trồng trọt cần tập trung với các giải pháp nâng cao năng lực, giống quyết định năng suất chất lượng, thức ăn dinh dưỡng, quy trình canh tác, phân bón, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến đi theo chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, đa giá trị. Chỉ có con đường sản xuất theo chuỗi giá trị mới nâng cao được giá trị sản phẩm, gắn với chế biến sâu; Tạo môi trường thuận lợi để huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân - hệ sinh thái này nhiều năm qua đã khẳng định hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh thị trường, mở cửa thị trường, đặc biệt thị trường các nước châu Âu.

Sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ đang là xu hướng nông nghiệp bền vững

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với con số 53,53 tỷ USD xuất khẩu NLTS năm 2022, thặng dư nền kinh tế đạt 11,2 tỷ USD, riêng nông sản chiếm 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%. Như vậy, có thể thấy Nghị quyết TW XIII khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia hoàn toàn chính xác và đúng đắn.

“Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 rất khó khăn nên việc điều hành thị trường xuất khẩu phải rất linh hoạt. Tăng trưởng ngành Nông nghiệp 3 tháng đầu năm đạt 2,52% là một dấu hiệu tích cực, so với cả năm 2022 đạt 2,4%. Hiệu quả của người trồng lúa ở ĐBSCL đã được khẳng định” Ông Tiến chia sẻ thêm.

Nhìn chung, quý I tổ chức sản xuất vẫn tăng trưởng đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu từ tháng 1 sang tháng 2 đã có chuyển biến, tăng 5,7% và 2 tháng đầu năm là 6,28 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, theo nhận định của các hiệp hội ngành hàng, cuối tháng 12 là thời điểm tăng tốc xuất khẩu, yêu cầu Bộ phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo đạt được mục tiêu Chính phủ giao. Theo đó, giải ngân đầu tư công cao hơn toàn quốc cho thấy kết quả tập trung hơn vào đầu tư hạ tầng, hệ thống logistics nông nghiệp vốn đang yếu, đây là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả, quy mô hàng hóa cao, đáp ứng được nhiều thị trường.

Trước khó khăn thách thức, ngành Nông nghiệp cần khẳng định lại các giải pháp đề ra và điều hành phải hết sức linh hoạt thông qua việc nắm vững nhiều nguồn thông tin. Chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi giao ban Bộ ngày 30/3/2023 vừa qua cũng nhấn mạnh: “Càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta càng phải “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển”.