Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nam Định: Doanh nghiệp bắt tay với người nông dân sản xuất lúa theo chuỗi giá trị

Kiều Anh - 07:11 23/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định hướng đi là chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định tạo thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Phương châm của Công ty “Lấy thế mạnh của địa phương làm điểm đột phá xây dựng thương hiệu chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao Toản Xuân Nam Định”.
Nhiều đối tác đến tham quan mô hình chuỗi liên kết cánh đồng mẫu lớn trồng lúa gạo sạch của Công ty TNHH Toản Xuân. 

 HTX, hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết cho thu nhập cao

Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết, chất lượng gạo của Công ty khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng trả giá cao hơn gạo thông thường từ 20-30% nên việc phân phối lợi ích trong chuỗi luôn được đảm bảo, nhiều hộ nông dân có diện tích sản xuất từ 30-50 mẫu có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/vụ.

Từ vụ mùa năm 2022 nhằm nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, Công ty liên kết với các trang trại chăn nuôi lớn có chất thải chăn nuôi như Tập đòan Hòa Phát, các trang trại địa phương sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho chương trình 1.000ha lúa hữu cơ của chuỗi và đưa toàn bộ vùng lúa rươi trong tỉnh vào chương trình sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo sinh thái ruộng rươi có giá trị kinh tế gấp 3 lần gạo thông thường.

Theo ông Toản nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường gạo, việc tiêu thụ luôn đặt trước thách thức rất lớn đối với người nông dân hiện nay và những năm tới. Chuỗi liên kết của Công ty đã chủ động tham gia xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm tiêu biểu trong tỉnh do các HTX, các hộ nông dân sản xuất đủ điều kiện ATVSTP, đảm bảo có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống tiêu thụ của công ty đang đứng vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Với quy mô khởi đầu năm 2016 chuỗi liên kết của Công ty có 23 HTX và 50 hộ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu 200ha với sản lượng đưa ra thị trường 600 tấn gạo thành phẩm. Đến nay chuỗi đã có vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết gần 1.500ha với hơn 20 HTX và hàng nghìn hộ nông dân tại 9 huyện trong tỉnh Nam Định và một số tỉnh lân cận như  Ninh Bình (xã Khánh Thủy, Ninh Bình 30ha).

Với 2 mã sản phẩm lúa gạo chất lượng cao (gạo sạch Toản Xuân và gạo Toản Xuân 888), sản phẩm của Công ty được hội đồng thẩm định OCOP tỉnh Nam Định đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao và đang đề nghị hội đồng thẩm định OCOP Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản lượng năm 2021 chuỗi đã đưa ra thị trường 3.500 tấn gạo thương hiệu; Dự tính năm 2022 cung ứng trên 4.000 tấn. Sản phẩm của chuỗi Gạo sạch Toản Xuân ngày càng được người tiêu dùng khắp cả nước, đặc biệt các tỉnh, thành phố phía Bắc đón nhận.

Công ty và người nông dân cùng chia sẻ lợi ích

Nam Định là vùng đất có nông hóa thổ nhưỡng đặc thù ven vùng phù sa sông Hồng giáp biển nên hạt gạo có chất lượng khác biệt với các vùng trồng khác trên cùng giống canh tác, nông dân Nam Định lại có trình độ thâm canh lúa cao. Công ty Toản Xuân sớm xác định hướng đi là chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh của địa phương, lấy đó làm điểm đột phá xây dựng thương hiệu chuỗi sản phẩm lúa gạo chất lượng cao cho công ty.

Ông Toản  cho biết: Công ty đã đầu tư  xây dựng nhà máy và dây chuyền chế biến gạo với công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Công ty lo toàn bộ đầu ra cho sản phẩm lúa gạo cho nông dân, lấy đầu mối liên kết trực tiếp là hợp tác xã nông nghiệp. Công ty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác cho nông dân thông qua hợp tác xã và trực tiếp các hộ có diện tích lớn từ 5ha trở lên; thu mua toàn bộ lúa tươi ngay sau khi thu hoạch, đưa về sấy bảo quản; sản phẩm được định danh giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc chi tiết đến các hộ sản xuất quy mô lớn, các hợp tác xã. Tất cả các khâu đều được giám sát chặt chẽ và được thể hiện cụ thể trong hợp đồng liên kết sản xuất.

Theo chia sẻ của Giám đốc công ty ,để tạo ra vùng nguyên liệu lớn và giữ họ làm ăn lâu dài với công ty, công ty đã thống nhất với các hộ nông dân đưa ra tiêu chí kết nạp các thành viên trong chuỗi thông qua các hợp đồng kinh tế tự nguyện, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia chuỗi. Cụ thể đối với HTX là đại diện cho các hộ đảm bảo có diện tích 40ha trở lên; Các hộ nông dân trực tiếp tham gia có diện tích liên kết tối thiểu 5ha trở lên; yêu cầu các hộ nông dân, HTX tuân thủ kỷ luật, tuân thủ quy trình sản xuất, hợp đồng.

Về phía doanh nghiệp sẽ tổ chức kết nối sản xuất theo quy trình sản xuất hàng hóa, chuẩn bị toàn bộ vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng (ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân với giá thấp hơn thị trường);  Xây dựng thương hiệu tiêu thụ hết số sản phẩm nông dân sản xuất ra với giá mua cao hơn thị trường 5-10% và sẵn sàng chia sẻ lợi ích khi thương hiệu phát triển; Mở các lớp đào tạo khoa học kỹ thuật và  công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân được tiếp cận kiến thức; Tuân thủ chặt chẽ cam kết trong hợp đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng liên kết chuỗi, ông Toản cho biết thêm: “Muốn phát triển bền vững, phải xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, do đó Công ty phải tìm các hộ dân, hợp tác xã thực sự có nhu cầu làm dịch vụ, sản xuất hàng hóa để liên kết. Bên cạnh đó, để bà con yên tâm sản xuất, Công ty luôn xác định đồng hành cùng nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp, chia sẻ lợi nhun cũng như khó khăn với nông dân từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng”

Đến với Hội nghị Biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022 do T.Ư Hội NDVN tổ chức ngày 13.9 vừa qua, ông Toản đã có bài tham luận chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, tại hội nghị ông đã nêu một số kiến nghị như: Đảng và Nhà nước sớm ban hành chính sách đất đai để người nông dân có điều kiện tập trung, thuê đất mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa; Hội ND cần có chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo kỹ năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa cho các hộ nông dân có diện tích lớn tự tin tham gia các chuỗi liên kết sản xuất; Thành lập trung tâm giới thiệu và phân phối sản phẩm tiêu biểu do nông dân hoặc chuỗi liên kết của nông dân sản xuất tại các trung tâm của các tỉnh, thành phố theo mô hình doanh nghiệp, có sự định hướng và hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, từ dó kết nối tiêu thụ trong toàn quốc; xây dựng hệ sinh thái thông tin tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường do T.Ư Hội NDVN quản lý hỗ trợ các hộ nông dân, các chuỗi sản xuất, chuỗi tiêu thụ và các nhà phân phối tiêu dùng có nhu cầu hợp tác nắm được tình hình sản xuất tiêu thụ trong cả nước, rút ngắn thời gian tìm thông tin thị trường.

Doanh nghiệp rất muốn hợp tác lâu dài với nông dân
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại diễn đàn “Người nông dân chuyên nghiệp” do T.Ư Hội NDVN, Bộ NNPTNT chủ trì diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội, trả lời cho phần thảo luận – đối thoại thúc đẩy liên kết Nông dân -Doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế bày tỏ quan điểm rất muốn được hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân.