Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nét đẹp trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng

10:21 27/09/2018 GMT+7

Bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích tự nhiên 4.439ha, hội đủ các yếu tố về kinh tế, quốc phòng an ninh và bảo tồn thiên nhiên. Là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn -một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, cũng là nơi sinh sống của quần thể Voọc chà vá chân nâu.

Góc ngắm từ đỉnh Sơn Trà

Theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 và Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được chuyển thành Khu Dự trữ thiên nhiên với diện tích được xác định là 2.591,1ha.

Hàng ngày, nơi đây đã và đang được nhiều người biết đến với kiểu du lịch xe máy, vượt qua những cung đường khúc khủy để đến với đỉnh Bàn Cờ, cây đa ngàn năm, đồi Vọng Cảnh hay bãi Trực Thăng. Với đỉnh Bàn Cờ là điểm cao gần 700m, có thể ngắm nhìn toàn bộ Đà Nẵng. Xa xa là một thành phố sầm uất nhộn nhịp những tòa nhà và 9 cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hàn.

Tại tiểu khu 63 thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có rất nhiều cây đa tạo thành quần thể đa, trong quần thể này có một cây đa rất đẹp với nhiều rễ phụ rủ xuống đâm sâu vào lòng đất tạo nên nét đẹp hiếm nơi nào có được, nhiều người gọi là Bách niên đại thụ hay cây đa ngàn năm. Theo báo cáo của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, cây đa này có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m.

Tại đồi Vọng Cảnh -là cách gọi khác của Trạm rađa 29, được sử dụng đặt đài rađa quan sát phục vụ nhiều lĩnh vực từ hàng không dân dụng, không quân và hải quân Việt Nam. Trạm rađa 29 có chức năng đảm bảo an toàn một vùng trời rộng lớn của Tổ quốc từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, với lượng khách du lịch ngày càng tăng thì công tác bảo vệ môi trường nơi đây là một thách thức không nhỏ của BQL bán đảo Sơn Trà, phải quản lý như thế nào cho hiệu quả mà vẫn không làm mất đi tính hoang sơ của nơi này. Dọc theo 27km từ Tây sang Đông bán đảo, con đường được thảm bê tông nhựa đường như một trục xương sống đi giữa một khu bảo tồn thiên nhiên, giúp việc giao thông được thuận lợi, những thùng rác đặt dọc tuyến đường được thiết kế rất đơn giản và phù hợp với cảnh quan chung quanh.

Trục đường xương sống

Việc thu gom rác tại khu vực này được giám sát bởi hệ thống camera và các cán bộ của BQL bán đảo Sơn Trà, hàng ngày có đội ngũ nhân viên thu gom rác, bảo đảm môi trường cảnh quan luôn sạch sẽ. Câu chuyện nghe qua thì rất đơn giản, nhưng với địa hình đồi núi có độ dốc trung bình khoảng 10%, cộng thêm thời tiết luôn luôn biến đổi là một thách thức không nhỏ.

Anh Nguyễn Quốc Hà (sn 1984, bán nước và giữ xe tại chân đỉnh Bàn Cờ Tiên) cho biết: “Khách du lịch thường không bỏ rác vào các thùng rác mà tiện đâu vất đó, có nhắc nhở thì họ cười bảo lần đầu đến đây. Rồi còn những nhóm phượt ngủ xuyên đêm tại bãi đáp Trực Thăng, họ đốt lửa trại, đi vệ sinh bừa bãi mặc dù ở đây có nhà vệ sinh đàng hoàng. Hàng ngày các anh cán bộ phải liên tục đi thu gom rác dọc tuyến đường và các điểm dừng chân cho dù nắng hay mưa, vì nếu chỉ cần có rác là bị xử phạt ngay”.

Thùng rác được làm từ các nhành cây, không làm mất đi mỹ quan chung nhưng rất hiệu quả.

Thực tế quan sát tại hai điểm dừng chân ở đồi Vọng Cảnh và đỉnh Bàn Cờ Tiên đều có nhà vệ sinh được xây dựng kiên cố, với hệ thống điện nước đầy đủ có thể đáp ứng cho tất cả các nhu cầu vệ sinh cá nhân của du khách.

Nhà vệ sinh được bê tông hóa kiên cố và đầy đủ hệ thống điện nước

BQL bán đảo Sơn Trà và Hạt Kiểm lâm 2 quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn đang ngày đêm tích cực bảo vệ di sản của thiên nhiên cho chúng ta, mang lại những giá trị mà con cháu chúng ta sẽ rất biết ơn. Trong những nơi tôi đã từng đi qua, thì Sơn Trà đang cho tôi niềm tin về công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản cho con cháu chúng ta.

Anh Vũ