Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày Dân số Thế giới: Tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của con người

10:39 11/07/2022 GMT+7
Nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7), UNFPA kêu gọi cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản.
Nhân viên y tế khám sức khỏe cho người dân.

Theo Dự báo dân số thế giới năm 2022 (World Population Prospects 2022), do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022.

Thời điểm mà thế giới chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết những thách thức mà đang phải đối mặt.

Vì vậy, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) kêu gọi cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản.

Dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người

Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, UNFPA đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai khác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người.”

Theo UNFPA, năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Năm nay, con số sẽ là 8 tỷ. Những tiến bộ trong y tế đã giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em và phát triển vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục.

Giám đốc Điều hành UNFPA, Tiến sỹ Natalia Kanem nhấn mạnh: “Mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng câu chuyện đằng sau con số 8 tỷ người và việc chúng ta chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công, không phải là một kịch bản về ngày tận thế. Thế giới của chúng ta, bất chấp tất cả những thách thức, là một thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử.”

Theo Tiến sỹ Natalia Kanem, việc chỉ tập trung hoàn toàn vào tổng dân số và tỷ lệ tăng trưởng là một thiếu sót và thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế và phản tác dụng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền con người. Trên thực tế, con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

UNFPA cũng đánh giá bên cạnh các thành tựu, những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột, COVID-19... Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.

Cho đến nay, hàng triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình, và chúng ta đang chứng kiến một sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ ở nhiều quốc gia.

Vì vậy, những thách thức này đòi hỏi chính phủ các nước cần tiến hành nhiều giải pháp mang tính tầm nhìn và hành động. Các chính phủ có thể thực hiện các chính sách dân số lấy người dân làm trọng tâm cùng với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và quyền làm cốt lõi. Khu vực tư nhân có thể phát triển các giải pháp sáng tạo, khai thác sức mạnh của sự đổi mới và công nghệ vì lợi ích toàn cầu.

Theo UNFPA, trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn được củng cố bởi các quyền và lựa chọn. Vì vậy, các quốc gia cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Chỉ khi đó, mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh phải đối mặt.

Chăm sóc bé mới sinh ở bệnh viên Phụ sản Hà Nội. Ảnh Q.T

Việt Nam: Mức sinh tăng trở lại ở nhiều nơi

Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) =2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.

Theo Tổng Cục dân số-kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trong 6 vùng kinh tế-xã hội, có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế (Trung du miền núi phía Bắc là 2,41 con, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2,31 con, Tây nguyên 2,41 con, Đồng bằng sông Hồng 2,34 con); 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế (Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,82 con, Đông Nam Bộ là 1,62 con).

Hiện nay, có sự khác biệt mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn-thành thị, trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (TFR=2,29 con).

Một số tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thay thế có mức sinh biến động tăng cao trên 2,2 con vào năm 2020 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Phước.

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.

Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn.

Theo Tổng Cục dân số-kế hoạch hóa gia đình, thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại vùng mức sinh thấp và thay thế, tại vùng mức sinh cao cần tiếp tục chú trọng bố trí đủ ngân sách triển khai các nội dung của Chương trình Điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 đã ban hành.

Các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vận động không kết hôn và sinh con quát sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con.

Trong công tác dân số, Việt Nam đang tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình…

Theo Vietnam+