Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều cây dược liệu giúp nông dân miền núi “đổi đời”

14:02 26/05/2021 GMT+7

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện quy hoạch, phát triển cây dược liệu hiệu quả, qua đó không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng cao mà còn góp phần bảo vệ rừng.

Đẳng sâm vốn là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Loài cây này đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ… sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch.

Trước đây, gia đình bà Briu Thị Thịnh, ở xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang chỉ trồng cây keo, thu nhập không cao. Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, bà Briu Thị Thịnh mạnh dạn chuyển sang trồng cây đẳng sâm. Được HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, mỗi năm gia đình bà Briu Thị Thịnh thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 – 200 triệu đồng.

“Giá trị của cây đẳng sâm là đem lại cho mình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn. Không giống như hồi xưa, không có tiền chỉ có thể lấy lúa rẫy về giã cũng mệt mỏi. Giờ có tiền thì có thể mua gạo sẵn từ đồng bằng về ăn, không giống ngày xưa quá cực khổ” – bà Briu Thị Thịnh nói.

Người dân miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thu hoạch quế.

Những năm gần đây, xã nghèo vùng cao Trà Leng, huyện Nam Trà My vẫn duy trì và nhân rộng thêm nhiều diện tích cây quế. So với cây keo và các loại cây trồng khác, cây quế dễ trồng và ít tốn công đầu tư, chăm sóc. Hàng năm, xã Trà Leng vận động bà con tập trung đưa giống quế bản địa nức tiếng một thời vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chị Hồ Thị Cười, người dân tộc Ca Dong ở xã Trà Leng cho biết, quế là nguồn thu chính của các hộ gia đình trong xã. Giá quế ngày càng tăng nên ai cũng phấn khởi.

“Nhà tôi có hơn 1.000 cây quế, trong đó có những cây đã 10 năm tuổi. Năm nào nhà tôi cũng trồng mở rộng thêm diện tích trồng quế bởi vì đây là cây trồng từ xưa đến giờ rồi. Hồi trước 1 ký quế có giá 70.000 đồng, nay có cao hơn chút” – chị Hồ Thị Cười chia sẻ.

Huyện Nam Trà My là địa phương có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam. Theo thống kê, tại huyện miền núi này có khoảng 1.500 hộ dân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu các loại với gần 400 ha theo quy hoạch trồng dược liệu của tỉnh.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy năm gần đây huyện tập trung vận động bà con tham gia trồng, hỗ trợ vốn và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình các cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh cao nhất là cây sâm Ngọc Linh, quế…

“Những hộ dân trồng dược liệu đã khá lên và giàu có. Hiện nay như vùng Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang thì một số hộ người ta tập trung trồng sâm Ngọc Linh, bên cạnh đó học có trồng thêm một số cây dược liệu như giả cổ lam, sâm lam và một số cây khác thu nhập cũng rất khá” – ông Trần Duy Dũng nói.

Sâm Ngọc Linh đang được nhân rộng ở nhiều xã giúp người dân vùng cao Nam Trà My nâng cao thu nhập.

Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển cây dược liệu là chủ trương định hướng quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân sống từ rừng. Hiện nay, ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có nguồn cây dược liệu phong phú, đa dạng về chủng loại với với cả ngàn loài, chi, họ thực vật làm thuốc, đặc biệt có 36 loài cây thuốc có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Trong đó, nhiều loài cây quý hiếm như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu, chè dây… Một số mô hình trồng cây đẳng sâm, sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, Tây Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như: cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm…

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tiếp tục xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng các cơ sở sản xuất giống, gắn cung ứng giống với tiêu thụ, trồng và chế biến sản phẩm dược liệu.

“Trong những năm qua, Quảng Nam cũng định hướng phát triển cây dược liệu. Chúng tôi đã có Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh về phát triển các cây dược liệu quý đối với vùng núi Quảng Nam. Phải nói rằng, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt nhờ đầu tư trồng cây dược liệu. Chính vì vậy, trong những năm đến, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp để đầu tư bài bản hơn về vấn đề phát triển cây dược liệu” – ông Phan Việt Cường nói./.

(Theo VOV)