Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nỗ lực đưa Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu

Bách Dương - 13:04 30/01/2022 GMT+7
Sau 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Nam Đàn (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều tiêu chí khác vì thế mà nâng lên nhờ mức sống của người dân trên địa bàn được cải thiện như văn hóa, y tế, giáo dục... Đặc biệt là chất lượng phong trào ngày một được nâng tầm về chất.
Mô hình nuôi chim bồ câu tại xã Nam Thanh – hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ dân.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập - tiêu chí hàng đầu cần đạt

Với phương châm “Không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu”. Kể từ ngày phát động phong trào xây dựng huyện kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025 các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực tham gia thực hiện; tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, của thôn, bản, vai trò chủ thể của các hộ nông dân trong xây dựng NTM nên Chương trình ngày một phát triển toàn diện. Từ đó tất cả các xã trên địa bàn huyện đã bắt đầu tiến hành xây dựng xã nâng cao, kiểu mẫu.

Nam Đàn vốn là huyện bán sơn địa, nằm ở khu vực hạ lưu sông Lam, cách thành phố Vinh 20km về phía Tây, hệ thống giao thông kết nối với các vùng phụ cận có nhiều thuận lợi trong quá trình giao thương nên vấn đề phát triển kinh tế hàng hóa có nhiều lợi thế. Gần với trung tâm kinh tế của tỉnh cùng với việc biết phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, Nam Đàn đang dần hình thành nhiều vùng hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị nhằm đưa đến những ”sản phẩm riêng biệt” mang đặc trưng của vùng. Nhờ biết vận dụng và phát huy lợi thế sẵn có, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 58 triệu đồng.

Ngành Nông nghiệp vẫn đang là thế mạnh trên toàn địa bàn, xác định rõ điều đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển cây, con phù hợp với từng địa phương. Tiếp tục duy trì các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, các vùng sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP đã có; Nhân rộng mô hình nhà lưới tại Hùng Tiến, Nam Anh, Kim Liên, Nam Phúc, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Nam Giang. Đến nay toàn huyện có 11 mô hình sản xuất rau củ quả trong nhà lưới.

Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi được 130 ha diện tích đất bãi cao, đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, có 30ha sử dụng hệ thống tưới tiên tiến; chuyển trên 28ha diện tích vùng sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để cung cấp nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen. Xây dựng thành công các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, trong đó có 216 ha lúa năng suất cao tại 4 xã Nam Thanh, Nam Lộc, Nam Kim, Nam Nghĩa.

Để sản phẩm nông nghiệp phát huy tối đa giá trị mang lại, huyện đã tập trung triển khai thực hiện Đề án OCOP đạt hiệu quả. Sau 3 năm thực hiện, đến nay toàn huyện có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 38 sản phẩm 3 sao. Một số sản phẩm OCOP có thế mạnh, định hướng xây dựng các sản phẩm phục vụ khách du lịch như: Các sản phẩm từ Sen, chanh, bột sắn dây…

Hiện tại, huyện đang tiếp tục phát triển nông nghiệp, hình thành những vùng kinh tế hàng hóa gắn với các điểm du lịch như vùng rau củ quả Nam Anh gắn với du lịch tâm linh chùa Đại Tuệ, các sản phẩm chế biến từ sen ở Kim Liên với du lịch quê nội - quê ngoại Bác Hồ… Để làm được điều này cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân toàn huyện cùng với sự quan tâm của lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh nhằm mang đến một sắc diện mới mẻ hơn, khác biệt hơn trên quê hương Bác.

Nhà văn hóa thôn 6 Nam Giang – một trong 7 nhà văn hóa kiểu mẫu được đầu tư xây dựng của huyện Nam Đàn.

Dồn lực đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông

Trong hai năm vừa qua dù có nhiều khó khăn do yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai đã có những tác động bất lợi đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Cùng với đó, trong năm qua cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác sáp nhập xóm, xã; chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nên việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở địa phương có bước chậm lại.

Tuy nhiên, từ ngày đầu triển khai, huyện đã tập trung vào 3 khâu đột phá như: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng như giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch…; Tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện và cơ sở; Nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền xã, thị trấn.

Để hoạt động sản xuất và giao thương thuận lợi, huyện chú trọng đầu tư cơ bản vào hệ thống hạ tầng giao thông từ tác tuyến đường lớn kết nối khu vực đến  giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng ngày một được hoàn thiện. Chỉ tính riêng năm 2021, toàn huyện nâng cấp thêm 180km đường giao thông trục xã, trục xóm; 26,5km giao thông nội đồng, 62km mương thoát nước dọc; thi công cầu Cồn Gát xã Nam Anh; cầu xóm 7,8 Nam Lĩnh... Nhờ đó, đến nay tỷ lệ đường huyện, đường xã đạt chuẩn là 100%; tỷ lệ đường trục xóm, ngõ xóm đạt chuẩn 98%, tăng 9,4% so với năm 2018; Tỷ lệ đường giao thông nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn là 80%. Tỷ lệ kilômét kênh mương được kiên cố hóa đến nay là 470/522km, đạt 90%.

Cùng với đó, cơ sở vật chất như nhà văn hóa, trường học, y tế... ngày một khang trang và bài bản hơn. Đến nay 100% nhà văn hóa, xóm khối có lễ nghi, khánh tiết đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, trong đó có 7 trung tâm văn hóa - thể thao mẫu tại 7 xóm, khối. Toàn huyện có 62/71 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 87,3%, tăng 11,7% so với năm 2018 và có 15/19 xã, thị trấn có Y tế xã đạt chuẩn quốc gia...

Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện được giữ vững và nâng cao; 18/18 xã giữ vững xã nông thôn mới, có 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Kim Liên); có 4 xã đạt 15/15 tiêu chí. Hội đồng thẩm định của tỉnh đã tổ chức thẩm định, hiện nay đang chờ quyết định công nhận của UBND tỉnh (Nam Nghĩa, Nam Giang, Nam Cát, Nam Anh); các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên.

“Những kết quả mà thời gian qua Nam Đàn đạt được là nhờ vào sự đồng thuận của tất cả người dân trên toàn huyện. Tới đây, huyện sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Đề án được phê duyệt để xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phấn đấu trong năm 2022 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã NTM kiểu mẫu; Đến năm 2024 có 100% xã NTM nâng cao, thị trấn Nam Đàn trở thành đô thị văn minh và hoàn thiện mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch vào năm 2025”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết.