Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp công nghệ cao từ những cánh đồng trăm tỷ ở Bắc Giang

13:27 12/02/2021 GMT+7

Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC) nhằm phát huy lợi thế đã giúp ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang chuyển biến mạnh mẽ. Dấu ấn nổi bật là việc hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ với giá trị sản xuất đạt hàng trăm triệu đồng/ha.

Vùng trồng cam đường Canh của ông Bùi Đức Long (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) cho thu nhập trên 5 tỷ đồng/năm.

Đòn bẩy từ chính sách

Một trong những quyết sách mang tính bước ngoặt mở đường cho việc thu hút và ứng dụng CNC vào nông nghiệp là Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16.8.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang. Sau 4 năm, Bắc Giang đã huy động được trên 593 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

CNC đã tạo lực đẩy để nông nghiệp Bắc Giang nâng cao chất lượng, từ đó thu nhập của nông dân cũng tăng nhanh. Hiệu ứng nông nghiệp CNC đã lan tỏa khắp các địa phương làm bật dậy lợi thế với những nông sản thế mạnh. Hiện nay, Bắc Giang đã xây dựng được trên 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu như vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh bình quân đạt từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường; trong đó mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 700 triệu – 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng tăng từ 30-40% so với năm 2016.
Tại huyện Yên Dũng được coi là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp CNC hiện đã xây dựng được những vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến với diện tích hàng chục hecta cho giá trị thu nhập bình quân từ 500-800 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định thông qua hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Ông Khổng Minh Tùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Dũng cho biết: Ứng dụng CNC vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm vượt trội, năng suất ổn định, giá trị tăng so với sản xuất đại trà từ 5-7 lần. Các mô hình đều sử dụng giống mới; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, giúp chủ động thời vụ sản xuất và có thể sản xuất trái vụ. Điển hình có thể kể đến HTX rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng). Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê của HTX rau sạch Yên Dũng sản xuất 3 vụ/năm, năng suất trung bình từ 23-25 tấn/ha/vụ, doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận 400-500 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm được Công ty VinEco ký hợp đồng tiêu thụ.

Còn tại huyện Lục Ngạn, nhờ ứng dụng nông nghiệp CNC đã phát huy lợi thế vườn đồi, với những vùng trồng vải, cam cho nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm đưa huyện trở thành một vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của miền Bắc, với tổng diện tích hơn 27.000ha chuyên canh cây ăn trái, sản lượng hằng năm trên dưới 200.000 tấn các loại. Ông Bùi Đức Long (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) là một trong số rất nhiều những nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng từ kinh tế vườn. Hiện gia đình ông có 5ha cam đường Canh cho thu nhập đạt 5,4 tỷ đồng/năm.

Ông Long cho biết, đã 19 năm trồng cây cam trên vùng đất Lục Ngạn. Mặc dù cam Canh là cây khó trồng, nhiều sâu bệnh, nhưng cũng là loại cây ăn quả cho năng suất cao, đặc biệt, quả nhìn bóng đẹp, ăn ngọt mát… nên đầu ra khá tốt. Mỗi năm, cam cho thu hoạch một lần, thu được bao nhiêu tiền lãi, ông lại đầu tư mở rộng diện tích. Từ vườn cam đầu tiên, ông mở rộng sang vườn thứ 2 và hiện là vườn thứ 3 với tổng diện tích 5ha.

“Nói về cách trồng và chăm sóc thì khá phức tạp, nhưng với diện tích này tôi chỉ cần khoảng 10 nhân công. Bởi, toàn vườn tôi đã làm hệ thống tưới tự động, lao động chỉ việc cắt tỉa cành, thu hoạch quả và bón phân”, anh Long cho biết thêm.

Lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.

Nông sản đạt chuẩn quốc tế

Khi những vùng chuyên canh với những nông sản giá trị được định hình, Bắc Giang tiến thêm một bước nhằm “chuẩn hóa” chất lượng. Đến nay, Bắc Giang đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác chiếm trên 39% diện tích cây ăn quả; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos, phần mềm VietGAP, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch. Trong đó, nổi bật là việc tạo dựng vị thế cho vải thiều với 14.300ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 258ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bởi thế không ngạc nhiên khi vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…

Từ những thành công đó, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng CNC vào nông nghiệp sẽ là một trong những xu hướng chủ đạo của Bắc Giang trong giai đoạn tới. Theo ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương.

Vải Lục Ngạn xuất khẩu được đóng hộp với đủ thông tin chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác bắt mắt. Ảnh: B.G.

Đồng thời, Bắc Giang sẽ rà soát, lựa chọn, định hướng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.

Một vấn đề cũng được quan tâm là liên kết sản xuất cũng được địa phương coi là mấu chốt để sản xuất bền vững. Tỉnh Bắc Giang sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách nhằm củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả của hình thức liên kết trong tập trung, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát triển, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại, kinh tế hộ theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng khuyến khích, hỗ trợ loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó ưu tiên phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp…

Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2020 của Bắc Giang ước đạt 110 triệu đồng bằng 133,8% so với năm 2016 (năm 2016 đạt 82,2 triệu đồng); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao bình quân từ 220 – 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với sản xuất thông thường.

Khánh Nguyên