Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp Hưng Yên phát triển theo hướng an toàn và bền vững

Đào Ban - 16:17 13/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinoingthonmoi.vn) - Sản xuất nông nghiệp năm 2023 diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức về diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, giá vật tư đầu vào tăng cao, cùng với đó chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng bị đứt gãy làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã vượt khó, giành nhiều thắng lợi.
Nông dân tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy trong gieo cấy lúa

Nỗ lực vượt khó

Khắc phục những khó khăn, ngành Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, có hiệu quả theo hướng an toàn và bền vững; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất trên quy mô lớn đã tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, thủy sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển theo hướng năng suất, chất lượng cao. Tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt hơn 50,3 nghìn héc-ta, năng suất bình quân 2 vụ đạt 63 tạ/ha (cao hơn 0,01 tạ/ha so với năm 2022). Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện được 169 mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn với tổng diện tích 3.100ha, trong đó có 119 mô hình sản xuất lúa tập trung, 11 mô hình trồng cây rau màu, dược liệu và 39 mô hình trồng cây vụ Đông. Các mô hình sản xuất ở vụ xuân như gieo cấy lúa chất lượng và các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 1,2 đến 1,5 lần; mô hình trồng dược liệu và rau an toàn, rau VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa từ 7 đến 10 lần. Các mô hình sản xuất ở vụ Mùa như gieo cấy lúa chất lượng và gieo cấy lúa giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 7 đến 10 triệu đồng/héc-ta; mô hình trồng dược liệu và rau an toàn, rau VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây rau màu khác từ 5 đến 7 lần.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được ngành chuyên môn, các địa phương và nông dân tích cực thực hiện, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây ăn quả của toàn tỉnh có 14.629 héc-ta, gồm các cây trồng cho giá trị kinh tế cao như nhãn, vải, chuối, cam, bưởi… Sản lượng các loại cây ăn quả như: Chuối đạt 72.459 tấn, tăng 2% so với năm 2022; vải đạt 15.480 tấn, tăng 8% so với năm 2022; nhãn đạt 34.050 tấn, cam ước đạt 31.763 tấn, bưởi ước đạt 30.541 tấn...

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh phát triển tốt, trong đó, đàn lợn có khoảng 511.000 con, tăng 0,9%, 100% là lợn nạc và siêu nạc; đàn gia cầm có trên 9,7 triệu con, tăng 9,8%, trong đó gà Đông Tảo và Đông Tảo lai chiếm trên 35% tổng đàn gà; đàn trâu có 4.800 con, tăng 2,0%; đàn bò có 32.000 con, tăng 7,8%; trong đó có trên 42% là đàn bò thịt chất lượng cao. Diện tích nuôi thả thủy sản có 5.239ha, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Năm 2023, sản lượng thuỷ sản ước đạt khoảng 52,5 nghìn tấn, tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng hành cùng nông dân  

Đồng hành và hỗ trợ nông dân trong sản xuất, ngành NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã tập trung làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, công tác xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả. Các giải pháp về công tác thuỷ lợi được triển khai khá đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất.

Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2023, toàn tỉnh hỗ trợ nông dân 10,8 tỷ đồng. Trong đó, cung ứng gần 350 tấn giống lúa mới, lúa chất lượng các loại, kinh phí 6,5 tỷ đồng, diện tích thực hiện trên 6.600ha; hỗ trợ mua phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho diện tích cây ăn quả đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 320 tấn, tương đương gần 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 3 tỷ đồng để mua gần 4.600kg thuốc diệt chuột tập trung ở vụ Xuân.

Nông dân huyện Phù Cừ thâm canh rau màu theo hướng hữu cơ

Với việc triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp được đưa ra phù hợp với thực tiễn nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên năm 2023 cơ bản được mùa; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 14.060 tỷ đồng, tăng 2,45% so với năm 2022; giá trị thu nhập trên một héc-ta canh tác đạt 238 triệu đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, ông Đỗ Minh Tuân cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ; Thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động ở nông thôn; Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, như các chính sách về phát triển giống nông nghiệp, quy trình sản xuất, thâm canh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả, tích cực thâm nhập thị trường mới trong và ngoài nước cho nông sản có lợi thế, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể đã được bảo hộ; đồng thời phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể mới cho một số nông sản khác của tỉnh.