Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông nghiệp phải là ngành kinh tế có lợi thế chiến lược của quốc gia

13:16 15/06/2022 GMT+7
Mặc dù nguồn lực đầu tư còn hạn chế nhưng nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Để phát huy giá trị của nông nghiệp, cần xác định đây là ngành kinh tế có lợi thế chiến lược của quốc gia.

Đây là quan điểm TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách NN&PTNT, đưa ra xung quanh câu chuyện về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách NN&PTNT.

Xin ông đánh giá những mặt được và những hạn chế của việc phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua?

TS. Đặng Kim Sơn: Từ những nửa cuối những năm 1980 – thời kỳ bắt đầu đổi mới đến nay, nông nghiệp nước ta đã có nhiều thành tựu. Nhưng theo tôi thành tựu rực rỡ nhất chính là không những trở thành mảng xuất khẩu quan trọng, nông nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc hơn.

Nông thôn đến nay đã thay đổi cơ bản, khoảng cách nông thôn và đô thị được thu hẹp hơn. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn góp phần ổn định xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và giảm nhẹ thiên tai, giữ vững an ninh quốc phòng. 

Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là từ những năm 2008 đến nay, dù các Hội nghị Trung ương V, VI đã chỉ ra nhiều khuyết điểm trong phát triển nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Những yếu kém điển hình như tăng tường không bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ còn yếu, nguồn lực con người chưa phát huy được, lực lượng sản xuất chính vẫn là các nông hộ nhỏ. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn vẫn chuyển biến chậm, môi trường vẫn ô nhiễm, ứng phó với thiên tai còn nhiều thách thức.

Vấn đề đáng chú ý nhất là nông dân. Dù các nghị quyết của Trung ương đã đặt những vấn đề lớn như xây dựng nông thôn mới,  tái cơ cấu nông nghiệp nhưng lại chưa có đề án cụ thể nào tập trung cho nông dân. Nghị quyết số 26 năm 2008  về nông nghiệp-nông dân-nông thôn đã xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, nhưng thực tế đội ngũ này chưa được phát triển như mong đợi.

Vậy theo ông, để phát triển được nền nông nghiệp hiện đại trong tương lai, cần có sự thay đổi gì với hiện trạng?

TS. Đặng Kim Sơn: Gần đây mọi người hay nói về nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... Nhưng tôi cho rằng vấn đề tiên quyết vẫn là nông dân. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cần đến nông dân.

Do đó trên hết, cần thay đổi tư duy về vấn đề "tam nông" vì đó không chỉ là trụ đỡ, là lá chắn cho phát triển bền vững mà còn phải là động lực kinh tế để phát huy được lợi thế của đất nước.

Nếu xác định được nông nghiệp là lợi thế chính của đất nước thì các đối tượng khác phải dựa vào ưu thế đó để phát triển. Tất cả các vấn đề từ vật tư đầu vào, máy móc, vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, logistics… phải cung cấp và ưu tiên cho nông nghiệp. Từ nó nông nghiệp mới phát huy được vai trò lợi thế của mình để các ngành khác dựa vào.

Riêng về vấn đề nông dân, phải đặt nông dân làm đầu, lấy nông dân làm gốc và là chủ thể của sự phát triển để họ làm chủ quá trình làm chủ của cả nông nghiệp và nông thôn. Chủ thể phải là người quản lý, quyết định và cung cấp dịch vụ công chứ không chỉ "dân biết, dân làm, dân kiểm tra" như hiện nay… Rồi phải đổi mới hợp tác xã và Hội Nông dân.

Khảo nghiệm phun thuốc báo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái cho lúa tại Tiền Giang năm 2020 - Ảnh: Croplife Việt Nam

Ông có thể nói rõ hơn việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân để phát huy được nội lực của ngành nông nghiệp hiện nay?

TS. Đặng Kim Sơn: Chúng ta có thể thấy hiện vai trò của Hội Nông dân hay các hợp tác xã vẫn còn khá một chiều, là đơn vị vận động, thụ hưởng chính sách mà chưa có quyền quyết định nhiều về kinh tế. Ở nhiều quốc gia gần chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, các tổ chức này phát huy vai trò cộng đồng rất tốt, thậm chí họ có những tổ chức tài chính riêng như ngân hàng để cho hội viên vay ưu đãi làm nông nghiệp, có nguồn và chủ động kiểm soát vật tư đầu vào...

Một điểm khác nữa là nếu muốn xây dựng tổ chức này thiết thực, ngoài những cơ chế, chính sách  phát triển thì nhân sự lãnh đạo phải người là từ các cấp hội nông dân ở dưới bầu lên. Người lãnh đạo hội nông dân sẽ nhận lương từ chính các hội viên, đại diện cho quyền lợi của nông dân và thực hiện mọi chính sách để người nông dân được phát triển và đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế.

Tôi xin nhấn mạnh việc tại sao phải thay đổi tư duy này?

Sau giai đoạn phát triển rất thành công như vừa qua, ngành nông nghiệp bộc lộ rõ thế mạnh cũng như hạn chế. Chúng ta thấy rằng nếu ngành nông nghiệp không phối hợp giữa các địa phương với nhau và các địa phương chỉ lo phát triển khu công nghiệp hay các thành phố lớn thì việc di dân ồ ạt vào một địa phương cũng chỉ tạo ra việc làm cho lao động chứ không phát triển được đô thị. Vì thế nếu xảy ra dịch bệnh, nhiều khu công nghiệp sẽ thiếu nhân lực, chuỗi sản xuất bị đứt gãy… Lúc đó vai trò của nông thôn mới được phát huy.

Nhìn về tương lai, tôi cho rằng người dân sống ở nông thôn có thể chỉ còn 30% vì sẽ có hàng chục triệu người từ nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. 

Vì vậy, đổi mới tư duy, đổi mới mới thể chế sẽ giúp sự biến đổi này mang tính tích cực và bền vững hơn.

Quan điểm của ông về việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh như thế nào?

TS. Đặng Kim Sơn: Theo tôi nông nghiệp sinh thái là một nền nông nghiệp xanh về số lượng và cả môi trường, giải tỏa sức ép tối đa cho môi trường và chuyển từ số lượng sang chất lượng. Điều này cũng tạo ra sự đặc biệt của sản phẩm nông nghiệp Việt, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng và cả với thế hệ tương lai.

Với nông thôn hiện đại thì trước tiên, thu nhập của người nông dân phải tiệm cận với người dân ở đô thị.

Còn nông dân văn minh thì người nông dân phải có mọi cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và đóng góp tích cực vào quá trình này. Người nông dân muốn văn minh thì cũng phải có tri thức, có mức sống tương đương với cư dân cả nước và đô thị.

Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là xác định rõ vai trò ngành nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà phải là lợi thế chiến lược của đất nước. Phải hình thành nền kinh tế tổng hợp đủ sức tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới. Cư dân nông thôn phải trở thành trung tâm và chủ thể của quá trình phát triển.

Cần hướng tới 60-70% nông dân là người điều hành bằng cách tiếp cận với tài nguyên, thị trường, kiến thức để tạo động lực và cơ hội phát triển. Starup cần bắt đầu từ chính nông thôn, nông thôn cũng chính là bảo tàng văn hóa lớn nhất của dân tộc. Khi dân số già hóa, biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt hơn... thì nông thôn mãi mãi là chỗ dựa vững chắc, là địa bàn nền tảng để phát triển kinh tế xã hội.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!

Theo Chinhphu.vn

Kinh tế biển là động lực phát triển
Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển-hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản; chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển… là những giải pháp trọng tâm cần thực hiện để phát triển kinh tế biển bền vững, tận dụng được hết tiềm năng, thế mạnh.
  • “Nông dân chính là tương lai của chúng ta”
    Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
  • Cách trồng chuối Laba cho năng suất cao
    Chuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
  • Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyện
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025.  Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
  • “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
  • Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
    Tháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
  • Đổi mới trên quê hương Nho Quan
    ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".