Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

OCOP tạo nền tảng phát triển cho kinh tế ở nông thôn

12:48 23/03/2021 GMT+7

Sáng 23/3/2021, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hội nghị đã có sự tham gia của trên 500 đại biểu đại diện của các bộ, ngành Trung ương; các Sở NN&PTNT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số trường, viện, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Khơi dậy tiềm năng của các địa phương

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 của Bộ NN&PTNT, đến nay đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Trong đó: Có 4.469/6.210 (chiếm 72%) sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký; Có 2.439/2.961 (82,4%) chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình OCOP, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La; lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…

Thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế

Không chỉ tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, OCOP còn tạo kênh để quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Những năm qua, OCOP đã có sức lan tỏa nhờ nỗ lực của Bộ NN&PTNT trong việc phối hợp với các đơn vị thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế về sản phẩm OCOP (iOCOP), đề xuất sáng kiến“Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã/làng một sản phẩm trong khối ASEAN” và được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 chấp thuận đưa vào thực hiện từ năm 2021.

Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho các tập thể và cá nhân tại Hội nghị.

Hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại đã được chú trọng triển khai từ Trung ương đến địa phương. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức 01 Hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP;… Bộ Công thương đã đưa sản phẩm OCOP vào Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển mạng lưới điểm bán hàng OCOP và tổ chức nhiều hội chợ kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP…

Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP của 23 tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động; 1.016 hợp đồng/bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết, trong đó 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market… và một số siêu thị địa phương.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;… góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

Trong giai đoạn 2018-2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Ngân sách Trung ương 1,8%, ngân sách địa phương là 0,9%, vốn tín dụng: 76,6%, vốn lồng ghép: 3,9%… Đặc biệt, nguồn vốn của các chủ thể tham gia triển khai chương trình chiếm 16,5%.

Một số hình ảnh trong khuôn khổ Hội nghị:

Khách dự Hội nghị được trực tiếp thưởng thức các sản phẩm OCOP độc đáo.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Hội nghị.

Trọng Đạt