Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Bài toán khó và lời giải từ quản lý

08:34 29/08/2020 GMT+7
Vụ Đông Xuân năm 1956 – 1957, dịch sâu gai, sâu cuốn lá bùng phát ở Hưng Yên. Lần đầu tiên ở miền Bắc, sử dụng 100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được dùng để trừ dịch. 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi 500 đến 700 triệu USD để nhập

Vụ Đông Xuân năm 1956 – 1957, dịch sâu gai, sâu cuốn lá bùng phát ở Hưng Yên. Lần đầu tiên ở miền Bắc, sử dụng 100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được dùng để trừ dịch. 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi 500 đến 700 triệu USD để nhập thuốc BVTV; trong số này 40% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh khoảng 16.000 tấn. Khối lượng hoạt chất BVTV/1ha cây trồng/1 năm ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Việc sử dụng quá mức hay lạm dụng thuốc BVTV sẽ đem lại hệ lụy xấu. Ảnh minh họa.

Thị trường, cung – cầu và sử dụng

Bất cứ một quốc gia nào, khi “trọng cung”, cần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đều phải sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực cho Quốc gia của mình- Với nhiệm vụ này, thì thuốc BVTV là cần thiết, là tích cực.

Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức hay lạm dụng thuốc BVTV sẽ đem lại hệ lụy xấu: gây độc hại cho con người, gây nhiễm độc đất, ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng, vi sinh vật hữu ích. Từ đó, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn. Dùng thuốc BVTV không tuân theo 4 đúng: đúng đối tượng, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh, dịch hại; tồn dư chất độc hại trong nông sản, đồng thời gây nên hai hậu quả lớn: sức khỏe con người, cộng đồng và không thể xuất khẩu được nông sản.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới và tại Việt Nam thế nào? PGS.TS Phạm Thị Vượng – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật cho rằng, “quá trình sử dụng thuốc BVTV ở thế giới trải qua 3 giai đoạn:

1 – Cân bằng sử dụng: Yêu cầu cao, sử dụng có hiệu quả.

2 – Dư thừa sử dụng: Bắt đầu sử dụng quá mức, lạm dụng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến môi trường, giảm hiệu quả.

3 – Khủng hoảng sử dụng: Quá lạm dụng thuốc BVTV, tạo nguy cơ tác hại đến cây trồng, môi trường, sức khỏe cộng đồng, giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn dư thừa sử dụng từ những năm 80 – 90 và giai đoạn khủng hoảng từ những năm đầu thế kỷ 21. Với những nước đang phát triển, sử dụng thuốc BVTV chậm hơn (trong đó có Việt Nam) thì các giai đoạn trên lùi lại khoảng 10 đến 15 năm – Có nghĩa là, Việt Nam trong hiện tại đang ở giai đoạn dư thừa sử dụng thuốc BVTV”.

Hiện, Việt Nam nhập khẩu 100.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm và sử dụng hơn 2.000 sản phẩm bảo vệ cây trồng, do hơn 200 doanh nghiệp phân phối. Cũng vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) cho biết, thị trường phân bón và thuốc BVTV đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong số 4.000 sản phẩm thuốc BVTV, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học. Trong cơ cấu cây trồng cũng có sự mất cân đối khi có 3.800 loại thuốc tập trung cho cây lúa, chỉ có 200 sản phẩm cho các cây trồng khác.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV về nội địa không chỉ để bán sử dụng ở Việt Nam, mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác. Trong số 100.000 tấn thuốc BVTV và nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam, khoảng 40% được phối trộn, sang chai đóng gói để xuất khẩu sang 40 thị trường khác như Campuchia (sử dụng đến 80% thuốc BVTV của Việt Nam), Lào, Myanmar, Singapore, Philippines…., mang lại doanh thu khá lớn. 60% còn lại được tiêu thụ tại Việt Nam. Thị trường thuốc BVTV Việt Nam sẽ đạt giá trị 1,2 tỷ USD vào năm 2022. Theo báo cáo mới công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường thuốc BVTV tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,8%/năm trong giai đoạn 2017-2022.
Nhìn từ bài toán thị trường, mức cung – cầu thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, cho thấy 4 vấn đề lớn cần lưu tâm:

– Sử dụng thuốc quá nhiều, quá mức cần thiết: Số lần phun thuốc BVTV cho chè ở Thái Nguyên từ 6,2 đến 29,7 lần/ năm, cho lúa ở Đồng bằng sông Hồng từ 1 – 5 lần/ vụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 2 – 6 lần/ vụ, trên 6 lần có 35,6% hộ. Số lần phun cho rau từ 7 – 10 lần/vụ ở Đồng bằng sông Hồng, ở Thành phố Hồ Chí Minh 10 – 30 lần. Một kết quả điều tra năm 2018 ở vùng rau Đồng bằng sông Hồng cho thấy số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 26 – 32 lần (11,1 – 25,6 kg /ha) trong 1 năm. Số lần phun như trên là quá nhiều và có thể giảm 45 – 50% số lần phun thuốc trừ sâu bệnh/ vụ hoặc trong 1 năm trên một một số cây trồng chủ lực (1).

– Sử dụng thuốc khi thiếu hiểu biết về kỹ thuật: Chỉ có 52,2% cán bộ kỹ thuật nông nghiệp – khuyến nông cơ sở hiểu đúng kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, tỷ lệ này ở người bán thuốc là 33% ở nông dân 49,6% (2).

– Sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, tùy tiện hỗn hợp khi sử dụng. Kết quả điều tra năm 2018 của Cục Bảo vệ thực vật, chỉ có 22,1 – 48% nông dân sử dụng đúng nồng độ liều lượng thuốc trên lúa, 0 – 26,7% trên rau và 23,5-34,1% trên chè, trong khi đó có nhiều nông dân tăng liều lượng lên gấp 3 – 5 lần. Ở các tỉnh phía Nam, có tới 38,6% dùng liều lượng cao hơn khuyến cáo, 29,7% tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc khi phun. Năm 2010, 19,59% nông dân cả nước vi phạm sử dụng thuốc, trong đó không đúng nồng độ là 73,2% (3).

– Sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ thời gian cách ly: Đây là một tồn tại nguy hiểm, tác động trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm song đáng tiếc là rất phổ biến, đặc biệt là ở các vùng rau quả, chè… có tới 35 – 60% nông dân chỉ thực hiện thời gian cách ly từ 1 – 3 ngày, 25 – 43,3% thực hiện cách ly 4 – 6 ngày trong khi phần lớn các loại thuốc có yêu cầu cách ly từ 7 – 14 ngày hoặc hơn. Năm 2010 trên diện rộng còn tới 10,22% nông dân không đảm bảo thời gian cách ly (4).

– Coi trọng lợi ích lợi nhuận hơn tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng: Có một thực tế rất đáng lên án là một bộ phận nông dân cố tình sử dụng thuốc BVTV, sai quy định pháp lý và kỹ thuật vì mục đích lợi nhuận của bản thân, xem nhẹ luật pháp và lợi ích cộng đồng. Đặc biệt ở các vùng rau, quả, chè, hoa, nông sản có giá trị cao… Điều tra năm 2017 tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, có tới 20 – 88,8% số nông dân vẫn dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Và còn 5,19% số hộ dùng thuốc cấm, ngoài danh mục, 10,22% không đúng thời gian cách ly, 51% không thực hiện theo khuyến cáo của nhãn hiệu (5).

Như vậy có thể thấy, việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta trong vòng 10 năm lại đây, diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng về lượng và lạm dụng đối với cây trồng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ phía xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách quản lý và kỹ thuật và chủ quan từ phía thực hiện của người sản xuất nông nghiệp trong sử dụng thuốc BVTV. Xét về góc độ quản lý đã đặt ra bốn thách thức:

– Một số quy định về quản lý, kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV đã bắt đầu lỗi thời, chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn;

– Danh mục thuốc BVTV hiện nay cũng còn mất cân đối, chủ yếu là thuốc BVTV gắn với cây lương thực, trong đó cây lúa là chủ yếu còn các cây khác chưa được chú ý;

– Vấn đề chính sách ưu tiên chưa rõ ràng, chưa hiệu quả đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sản xuất hay sử dụng thuốc BVTV có nồng độ sinh học thế hệ mới;

– Và hiện nay, cũng chưa có quy trình sử dụng thuốc BVTV sinh học với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Cần đẩy mạnh các hoạt động tập huấn chuyên môn về thuốc BVTV cho người dân. (Trong ảnh: Khai giảng lớp chuyên môn về thuốc BVTV tại tỉnh Bình Dương).

Lời giải từ quản lý

Thập kỷ qua chứng kiến sự tuyên chiến mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước với các loại hóa chất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, môi trường. Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội ban hành, kéo theo sự thay đổi trong quản lý đăng ký danh mục hóa chất BVTV sử dụng trong nông nghiệp. Từ năm 2010 – 2015, Bộ NN&PTNT loại bỏ 14 hoạt chất, 1.706 sản phẩm có bằng chứng khoa học gây hại sức khỏe cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500 – 700 triệu USD để nhập thuốc BVTV. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19.000 tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh khoảng trên 16.000 tấn. Khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng mỗi năm ở Việt Nam lên đến 2kg, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do vậy, để có tăng trưởng xanh và nông nghiệp phát triển bền vững, vấn đề quản lý, sử dụng thuốc BVTV cần có lời giải từ “gốc”, đó là:

– Đối với quản lý nhà nước:

Trên cơ sở Luật Bảo vệ thực vật và Kinh doanh thuốc BVTV sẽ được ban hành cần có quy định cụ thể về xây dựng, ban hành và sử dụng danh mục thuốc BVTV theo các định hướng sau:
1/ Hạn chế số lượng hoạt chất trong danh mục, rất hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp, hạn chế số tên sản phẩm cho 1 hoạt chất.

– Hạn chế đăng ký sản phẩm mới cũng như nhập khẩu thuốc BVTV: Đánh giá hiệu quả kỹ thuật đồng thời hiệu quả về môi trường, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế của các hoạt chất lẫn phụ gia. Hạn chế đăng ký sản phẩm thuộc nhóm độc I, II có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá. Xem xét tăng phí khảo nghiệm và đăng ký.

2/ Đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30 – 40% trong 5 – 7 năm tới, giảm rõ rệt các loại thuốc thuộc nhóm độc I và II.

– Thuốc nhập khẩu phải có phiếu xác nhận xuất xứ. Xuất xứ phải phù hợp với hồ sơ đăng ký. Tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng, miễn thuế đối với loại thuốc khuyến khích sử dụng, thân thiện môi trường, ít độc hại.

– Thực hiện nguyên tắc “có vào có ra danh mục” để định kỳ sàng lọc sản phẩm. Định kỳ 3 năm cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa được sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

– Xây dựng các danh mục khuyến cáo sử dụng của Trung ương và từng tỉnh giúp nông dân lựa chọn đúng.

3/ Xây dựng lộ trình giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta từ nay đến năm 2025 theo hướng:

– Giảm thiểu lượng thuốc sử dụng hàng năm khoảng 30 – 40% đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu.

– Giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30 – 40%, số sản phẩm thương mại cho 1 loại hoạt chất (tối đa 5).

– Nâng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4,5), thuốc thân thiện môi trường lên 40 – 60%.

4/ Xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể việc mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có tác dụng giảm thiểu, chống lạm dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV như IPM, 3 giảm 3 tăng công nghệ sinh thái BVN, SIR, VietGAP.

5/ Tăng cường thanh kiểm tra khâu sử dụng thuốc BVTV, khâu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Củng cố và nâng cao quyền lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành về BVTV, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã phường trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Xây dựng và củng cố về tổ chức và chính sách nội dung hoạt động của màng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật – khuyến nông cơ sở.

6/ Thống nhất việc xây dựng ban hành bộ tài liệu huấn luyện về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, chương trình huấn luyện các quy trình kỹ thuật ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Coi trọng huấn luyện cán bộ kỹ thuật, nông dân, đại lý bán thuốc.

7/ Các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV, loại bỏ dần các loại thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn.

Việt Nam nhập khẩu 100.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm và sử dụng hơn 2.000 sản phẩm bảo vệ cây trồng, do hơn 200 doanh nghiệp phân phối. Ảnh minh họa.

– Đối với nông dân:

Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng quá nhiều, quá lạm dụng các loại thuốc BVTV như hiện nay, trước hết:

1/ Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất BVTV đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

2/ Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, 4c và chương trình canh tác lúa cải tiến, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.

3/ Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ và tìm thị trường cho các sản phẩm sinh thái hữu cơ vừa tốt cho đất đai, sức khỏe con người và môi trường nông thôn.

4/ Cần xây dựng tổ hợp tác, HTX nông nghiệp theo Luật HTX nông nghiệp 2012 trên cơ sở tập trung đất đai thành vùng sản xuất, có ít nhất 6ha đến 10 ha, trồng một loại cây, theo một quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Lợi ích có được trong vùng cây trồng này là có “mã vùng” sản xuất. Các sản phẩm thu được sẽ đủ lớn, chất lượng ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm – Đây là điều kiện tốt nhất trong việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản theo hợp đồng và nâng cao giá trị lợi nhuận trên diện tích gieo trồng.

Quản lý và sử dụng thuốc BVTV hiện nay ở nước ta là 1 bài toán khó, đang cần được giải đúng.

Trong số 70.000 – 100.000 tấn thuốc nhập khẩu về có rất nhiều loại khác nhau, gồm: Thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ tuyến trùng, thuốc bảo quản, khử trùng, thuốc trừ cỏ… Tôi xin nhắc lại, riêng thuốc trừ cỏ đã chiếm 30%; các thuốc bảo quản nông sản, khử trùng, tức là không sử dụng ra đồng ruộng cũng chiếm khoảng 20%.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT.

Việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta trong vòng 10 năm lại đây, diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng về lượng và lạm dụng đối với cây trồng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ phía xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách quản lý và kỹ thuật và chủ quan từ phía thực hiện của người sản xuất nông nghiệp trong sử dụng thuốc BVTV.

Th.s Đào Ngọc Thủy – Học viện Hành chính Quốc gia