Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quy định mới về quy trình rà soát hộ nghèo

07:09 27/08/2021 GMT+7

Trong những năm qua, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập; không ít trường hợp hộ có thu nhập khá, có nhà tầng, xe máy, ti vi, tủ lạnh… lại “rơi” vào diện hộ nghèo.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.

Quy trình đó bao gồm những bước nào? Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ra sao? …Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã có câu trả lời xung quanh vấn đề này như sau:

Việc rà soát, xác định tiêu chí đo lường nghèo đa chiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiến hành theo phương pháp nào, thưa luật sư?

Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.

Về thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm thực hiện như sau:

– Định kỳ mỗi năm 1 lần: Thực hiện từ ngày 01 tháng 9 đến hết ngày 14 tháng 12 của năm.

– Thường xuyên hằng năm: Mỗi tháng 1 lần, thực hiện từ ngày 15 hằng tháng.

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm được tiến hành như thế nào?

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát

Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp (viết tắt là thôn) và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, gồm:

– Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát;

– Hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Bước hai: Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình

Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

Bước ba: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát

– Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

– Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại (theo quy định tại khoản 2, điểm a và b khoản 3 Điều 4, Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg).

– Kết quả cuộc họp được lập thành 2 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (1 bán lưu ở thôn, 1 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

Bước bốn: Niêm yết, thông báo công khai

– Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 3 ngày làm việc.

– Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc.

– Hết thời hạn niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (sau khi rà soát).
Bước năm: Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện

– Chủ tịch UBND dân cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

– Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.

Bước sáu: Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch UBDN cấp huyện, quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn theo Mẫu số 02 và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg

Ảnh minh họa.

Còn Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên hằng năm phải thực hiện như thế nào?

– Hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch UBND cấp xã.

– Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên theo quy trình quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg: quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định này. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch UBND cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Các bạn lưu ý, ngày 18 tháng 7 năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn cụ thể phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo thông tư này

Thực tế cho thấy, trong việc rà soát để xác định khách quan, chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo thì UBND cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của UBND cấp xã?

Trong việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là cấp chính quyền gần gũi, gắn bó, hiểu dân nhất. Khoản 3, Điều 10, Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND cấp xã như: Thực hiện tốt những quy định đó thì chúng ta sẽ hạn chế được sai sót trong việc đánh giá, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)