Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP thuận đầu ra

Hoàng Tính - 13:06 14/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Áp dụng đúng theo quy trình sản xuất chè VietGAP những người nông dân ở xã Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã gặp không ít những khó khăn, bởi sản xuất phải theo đúng quy trình, tỷ mỉ từng khâu… nhưng đổi lại chè VietGAP đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống người trồng chè ngày càng ổn định.

Ghi nhật ký cho chè

Nhằm nâng cao các giá trị cho cây chè, bắt đầu từ năm 2012, 9 hộ gia đình hội viên nông dân ở xã Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã thành lập Hợp tác xã Tuyết Hương để sản xuất và chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã thực hiện sản xuất theo quy trình 4 không: Không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc kích thích và không sử dụng thuốc bảo quản sản phẩm.

Việc "Ghi nhật ký cho chè" đã được các thành viên Hợp tác xã Tuyết Hương thực hiện nghiêm túc để đảm bảo chất lượng chè sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh HTX Tuyết Hương 

Chị Trần Thị Tuyết – Giám đốc Hợp tác xã Tuyết Hương chia sẻ: Ban đầu nói đến sản xuất chè sạch tưởng chừng là dễ, nhưng khi thực hiện mới nảy sinh nhiều cái khó; trước đây do “Thói quen” sản xuất chè truyền thống mọi người đều làm theo kinh nghiệm, không có một quy trình chuẩn, do đó khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm cuối cùng. Vì vậy chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất, các thành viên đều phải “Ghi nhật ký cho chè” để tiện theo dõi.

Việc “Ghi nhật ký cho chè” đã được tất cả các thành viên Hợp tác xã Tuyết Hương thực hiện nghiêm túc: Từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái, chế biến đã được ghi lại cẩn thận, tỷ mỉ trong một cuốn sổ. Vì vậy mà việc quản lý sản xuất chè đã được thuận lợi, dễ dàng, chất lượng sản phẩm chè làm ra cũng đã đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của VietGAP.

Sản xuất chè theo đúng quy trình VietGAP, các hộ gia đình đã tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh. Khi có sâu bệnh phá hoại thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

Bên cạnh đó trong quá trình sản xuất và chế biến chè, Hợp tác xã Tuyết Hương đã chủ động tổ chức các khóa tập huấn, có mời chuyên gia, nhà khoa học… về để phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật mới về trồng và chế biến chè cho các thành viên.

Chị Trần Thị Tuyết cho biết thêm: Ban đầu chúng tôi cũng gặp khá khó khăn, nhưng ban lãnh đạo Hợp tác xã đã luôn bám sát từng thành viên, từng hộ gia đình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm. Chính vì vậy đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 15ha chè đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 10ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ.

Việc áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất chè theo hướng hữu cơ đã giúp cây chè phát triển khoẻ mạnh, ít sâu bệnh phá hoại. Không những sức khoẻ người trồng chè ngày một nâng cao mà người tiêu dùng cũng ngày càng yên tâm được sử dụng sản phẩm chuẩn sạch.

Từ khi chè được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP thì giá thành cũng cao hơn hẳn, nếu như trước đây, 1kg chè khô chỉ có giá 60.000 - 80.000 đồng, thì nay lên đến 300.000 - 500.000 đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần so với cách làm truyền thống.

Cùng với vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã Tuyết Hương đã đặc biệt chú trọng tới việc cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị tiên tiến như: Máy sao chè bằng ga của Đài Loan (Trung Quốc), máy đóng gói hút chân không...

Gặt hái quả ngọt

Với sự đầu tư bài bản chuyên nghiệp, vì vậy mà các sản phầm chè của Hợp tác xã Tuyết Hương đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp cây chè phát triển khoẻ mạnh; giá trị lại tăng từ 4-5 lần so với cách làm truyền thống. Ảnh HTX Tuyết Hương

Chị Tuyết cho biết thêm: Đến nay 4/8 sản phẩm của Hợp tác xã Tuyết Hương đã được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của các thành viên hợp tác xã trong nhiều năm trồng và phát triển chế biến chè sạch. Trong thời gian tới Hợp tác xã đang phấn đấu để có được sản phẩm đạt chất lượng 5 sao.

Chất lượng chè của Hợp tác xã Tuyết Hương còn luôn được đánh giá cao trong các hội thi về sản phẩm chè do tỉnh Thái Nguyên tổ chức như: Cúp bạc giải Búp chè vàng tại Festival trà lần thứ hai năm 2013; Cúp vàng giải Búp chè vàng tại Festival trà lần thứ ba năm 2015...

Một điều rất đáng tự hào và trân trọng đó chính là trong năm 2017, sản phẩm chè của Hợp tác xã Tuyết Hương đã vinh dự là một trong 2 sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên được Văn phòng Chính phủ lựa chọn làm quà tặng tại Hội nghị APEC.

Việc áp dụng những kỹ thuật vào sản xuất chè sạch ở Hợp tác xã Tuyết Hương còn tạo lên phong trào sản xuất chè theo VietGAP, hữu cơ tại địa phương. Đến nay trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có 4.000ha chè (65% đã được trồng theo VietGAP và hữu cơ) thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Hợp tác xã Tuyết Hương cũng ngày một phát triển, từ 9 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã có 13 thành viên. Ngoài ra Hợp tác xã còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Tổng doanh thu từ sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của Hợp tác xã mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 3,7 tỷ đồng.

Bà An Thị Hương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ cho hay: Mô hình áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Tuyết Hương và các thành viên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khẳng định sự thành công trong việc áp dụng những kiến thức, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; người nông dân nếu biết sản xuất sạch thì sản phẩm nông nghiệp chắc chắn sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.