Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sử dụng cây cao lương vỗ béo bò

01:35 28/10/2018 GMT+7

Việc nghiên cứu sử dụng cây cao lương nuôi vỗ béo bò sẽ cung cấp thêm tư liệu cho việc đánh giá và sử dụng có hiệu quả cây cao lương trong nuôi dưỡng gia súc nhai lại.

Phương pháp

Các công thức ủ chua: Ủ đơn cây cao lương; Ủ kết hợp cây cao lương với cỏ voi; Ủ đơn cây cao lương có bổ sung 3% cám gạo; Ủ kết hợp cây cao lương với cỏ voi có bổ sung 3% cám gạo; Ủ cây cao lương có hạt xanh. Phương pháp ủ chua: Nguyên liệu được băm chặt nhỏ (3 – 5 cm) bằng máy thái, được trộn với các chất bổ sung theo công thức rồi ủ trong bình nhựa (6 kg/bình). Mỗi công thức được ủ lặp lại 3 lần. Sau khi ủ được 90 ngày mẫu thức ăn ủ chua được lấy để đánh giá chất lượng sản phẩm ủ chua theo các chỉ tiêu: mức độ thối/mốc, pH, axit hữu cơ tổng số, hàm lượng chất khô, protein thô, xơ thô và HCN.

Thiết kế thí nghiệm

Thí nghiệm nuôi vỗ béo bò được tiến hành trên 20 bò Lai Sind 20 – 22 tháng tuổi, có khối lượng trung bình khoảng 220 kg. Bò được chia thành 4 lô để so sánh các khẩu phần có sử dụng cây cao lương tươi với tỷ lệ 75%, 50%, 25% và 0% (tính theo chất xanh) phần thức ăn thô xanh khẩu phần. Thức ăn tinh hỗn hợp được cho ăn với mức 2,5 kg/ngày. Thời gian thí nghiệm là 3 tháng. Cỏ voi được cắt vào giai đoạn 45 ngày tuổi, cao lương được cắt vào giai đoạn 60 ngày tuổi. Thức ăn tinh cho bò thí nghiệm bao gồm: bột ngô (40%), bột sắn (40%), khô đỗ tương (11%), bột cá 9%). Thức ăn tinh có tỷ lệ chất khô là 88,5%, protein thô 15% và mật độ ME 2.497 kcal/kg. Thức ăn tinh được chia đều thành 2 bữa/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Nước sạch được cho uống tự do.Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm: tăng khối lượng bò (bò được cân hàng tháng bằng cân điện tử, cân vào 2 buổi sáng liên tiếp trước khi cho bò ăn để lấy giá trị trung bình), thu nhận thức ăn (thức ăn tinh cho ăn theo định mức, thức ăn thô cho ăn tự do, từ lượng thức ăn cho ăn và lượng thức ăn thừa sẽ tính lượng thức ăn thu nhận), tiêu tốn thức ăn cho tăng khối lượng bò (FCR được tính hàng tháng dựa vào kết quả tăng khối lượng bò và lượng chất khô thức ăn thu nhận của bò thí nghiệm). Số liệu được phân tích phương sai (ANOVA) trên bảng tính của Microsoft Excel 2003.

Kết quả

Cả 5 công thức ủ chua đều có giá trị pH đủ thấp để cho phép bảo quản tốt thức ăn. Giá trị pH của các công thức ủ chua cây cao lương thấp là do hàm lượng axit hữu cơ tổng số trong thức ăn ủ chua cao (1,82 – 2,13%). Như vậy, cây cao lương có thể ủ chua một cách dễ dàng có/hoặc không bổ sung các chất bột đường hoặc kết hợp với nhóm thức ăn dễ ủ chua. Thức ăn ủ chua dự trữ trong thời gian dài (3 tháng) vẫn cho chất lượng thức ăn ủ chua tốt, tỷ lệ hỏng do mốc thấp. Việc ủ chua cây cao lương ngoài mục đích dự trữ còn làm giảm rõ rệt hàm lượng độc tố HCN, giúp gia súc sử dụng an toàn hơn.Kết quả trên cho thấy, các mức cây cao lương khác nhau trong phần thức ăn thô xanh đã không có ảnh hưởng rõ rệt đến tăng khối lượng của bò thí nghiệm mặc dù tăng khối lượng của bò ở các công thức không sử dụng hoặc sử dụng cây cao lương ở mức thấp có xu hướng cao hơn so với công thức sử dụng tới 75% cây cao lương. Ở các công thức không sử dụng cây cao lương hoặc sử dụng cây cao lương thấp hơn so với mức sử dụng 75% phần thức ăn thô xanh thì tăng khối lượng của bò có xu hướng cao hơn, nhưng thu nhận thức ăn cũng cao hơn nên tiêu tốn chất khô, protein và năng lượng trao đối cho kg tăng khối lượng không khác nhau nhiều giữa các công thức thí nghiệm (P> 0,05). Tuy nhiên sử dụng tới 75% cây cao lương trong phần thức ăn thô xanh khẩu phần vẫn đảm bảo tăng khối lượng cao của bò vỗ béo (800 g/ngày) với tiêu tốn thức ăn 8,25 kg CK/kg tăng khối lượng.

HV Nông nghiệp Việt Nam