Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tết sung túc của nhà nông ở Tân Lộc

Hoàng Nam - 07:11 31/01/2022 GMT+7
Vụ tôm đầu năm dù được mùa nhưng mất giá vì giãn cách xã hội, tưởng chừng bà con nông dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau sẽ có một cái Tết buồn tẻ vì thất thu. Nhưng vụ lúa cuối năm được mùa trúng giá khiến không khí Xuân nơi đây như sớm đã tràn về.
Ông Lê Văn Lô ấp 5 xã Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau: “làm chơi, ăn thiệt” khi  trồng  0,4 ha lúa để lấy rạ nuôi tôm, nhưng lại thu hoạch hơn 2,5 tấn lúa.

 An nhiên mùa đại dịch Covid - 19

Cách trung tâm thành phố Cà Mau chỉ hơn 10km, xã Tân Lộc huyện Thới Bình vẫn mang dáng dấp của một vùng quê Nam bộ thuần nông. Và cũng không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid - 19 đang hoành hành, khi Cà Mau đang trải qua những ngày khó khăn vì có những tuần có hơn tới 1.000 ca F0 mới/ngày. Những ngày cuối năm 2021, cái se lạnh của gió Xuân khiến những đứa trẻ co ro trố mắt nhìn người lạ nhưng không ngăn được bước chân của những người nông dân hăng hái ra đồng, kịp gặt những cánh đồng lúa đang chín rộ. Không ai nhìn rõ mặt ai vì tất cả đều đeo khẩu trang chống dịch, tuy vậy, người nông dân Tân Lộc vẫn tràn sức sống và niềm tin chiến thắng đại dịch. 

Ông Lê Công Thăng, nhà ở ấp 5 xã Tân Lộc cho hay, cán bộ xã đến nhà vận động từng người đi tiêm, bà con ở đây đều đã được tiêm 2 mũi vaccine, nên cũng không lo lắng nhưng vẫn không được chủ quan vì đây là đại dịch cả thế giới mà. Dịch này tụi tui không ngán, chỉ ngán “dịch chuột”. Lẽ ra hơn một công ruộng của tui (1.000m2) có vài chục giạ, bị dịch “ông Tý” mà chỉ còn có hơn chục giạ như vầy. 

Ông nói thêm, hồi giãn cách xã hội, thực hiện chỉ thị 15,16 của Chính phủ, bà con ở đây đều chấp hành nghiêm lắm. Vì ở miệt vườn sẵn gạo, cá nên không lo đói, còn những mặt hàng thiết yếu khác xã đều có cách hỗ trợ tận nhà. Những nhà khó khăn, xã còn hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm. Ở tỉnh, mấy ổng chống dịch quyết liệt lắm, dân tụi tui hoàn toàn ủng hộ. Nhưng chú biết rồi đó, chỉ cần không kiểm soát được, có 1 ca cộng đồng, thì mọi công sức đều bỏ đi hết.

“Toàn ấp còn mấy hộ nghèo, đều là công nhân trở về từ Bình Dương tránh dịch. Thất nghiệp chưa có việc làm giờ chuyển qua gặt lúa mướn, 1 ngày  gặt giỏi xong 1 công lúa cũng được 500.000 đồng, sống cũng ổn lắm. Toàn ấp 5 có diện tích xạ lúa mùa này hơn 50ha, đều xạ lúa ngắn ngày (85-90 ngày). Tất cả đều trúng mùa nên nhân công gặt lúa có việc làm thường xuyên”, anh Lưu Hoàng Sin, trưởng ấp 5 góp vui vào câu chuyện nói.

Ông Lê Công Thăng, ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình lạc quan trong mùa dịch Covid - 19, nuối tiếc dịch chuột đã làm thiệt hại hàng tấn lúa của gia đình. 

Làm chơi ăn thiệt

Ông Lê Văn Lô 52 tuổi nhà ở ấp 1 xã Tân Lộc vui vẻ cho hay: Tui làm có 4 công chủ yếu lấy rạ để mùa sau nuôi tôm. Hôm mới xạ giống, ra chợ mua phân, 1 bao phân tăng giá hơn 1 triệu đồng/bao. Giận quá bỏ về không mua nữa, chỉ dùng đúng 1 bao mùa trước còn lại. Vậy mà mới thu hoạch xong hôm qua, được hơn 2,5 tấn lúa, với giá thương lái bỏ cọc 6.500 đồng/kg, Tết cầm chắc vài chục triệu cho sắp nhỏ ăn Tết. Bù lại hồi đầu năm thất bát vì giá, tiền tôm chỉ 50-60 triệu đồng.

Anh Lô kể, Tân Lộc là vùng nuôi tôm thâm canh theo kiểu vụ lúa, vụ tôm. Mùa nước mặn nuôi tôm là chính, mùa ngọt trồng lúa lấy rạ cho mùa sau nuôi cua, tôm có xen lẫn nuôi tôm càng nước ngọt. Nên trồng lúa mùa ngọt chơi chơi, dẫu có thất  mùa cũng chả sao. Vì mục đích trồng lúa quan trọng nhất mùa tôm năm sau nhằm để con cua, tôm sú có thức ăn tự nhiên là rơm rạ phân hủy. Ai dè năm nay “làm chơi, ăn thiệt”. Trúng tôm đầu năm, trúng lúa cuối năm. Với lúa tốt kiểu này, đủ gốc rạ tốt để mùa sau đầu năm 2022 sẽ trúng đậm tôm cua. Anh Lô tin tưởng.

Anh  Phạm Văn Vui, cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết, Tân Lộc là xã thuần nông chuyên trồng lúa, nhưng năng suất không cao do ảnh hưởng của nước mặn mùa hạn. Gần 10 năm nay, xã đã chuyển dịch sản xuất sang vụ lúa vụ chuyên nuôi tôm. Sau Tết, bà con thả tôm đến tháng 6 (âm lịch), sau khi thu hoạch tôm xong sẽ phơi đầm. Đến tháng 9 (âm lịch) bắt đầu xạ giống, tháng 11-12 (âm lịch) vào vụ thu hoạch lúa. Năm nay, cả xã xuống giống 330ha lúa, hầu như đều trồng giống ngắn ngày. Vì vậy, cả xã hiện nay đang vụ thu hoạch rộ, với năng suất bình quân khoảng từ 4-6 tấn/ha. Với giá lúa cao hơn năm trước và đang có xu hướng tăng như hiện nay, bà con Tân Lộc sẽ có một cái Tết đầy đủ, no ấm trong mùa đại dịch. 

Mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn dân phải căng mình đối phó với đại dịch Covid - 19, phải chi đến 570 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid - 19 nhưng năm 2021, tỉnh Cà Mau vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,92%, trong đó lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư  nghiệp tăng trưởng 3,9%, sản lượng tôm tăng 4%. Tổng sản lượng lúa đạt 460.000 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ. Riêng kim ngạch xuất khẩu với thế mạnh truyền thống là con tôm đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,4% so năm 2020.