Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thách thức trong trồng rừng ngập mặn ở Quảng Ninh

14:33 16/07/2020 GMT+7
Là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn, đem lại nhiều lợi ích cho cư dân ven biển, thế nhưng cơ quan quản lý rừng ngập mặn Quảng Ninh cũng đang gặp phải nhiều thách thức. Người trên núi… xuống biển trồng rừng Đợi thủy triều rút, chị Quàng Thị Dung (người dân tộc

Là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn, đem lại nhiều lợi ích cho cư dân ven biển, thế nhưng cơ quan quản lý rừng ngập mặn Quảng Ninh cũng đang gặp phải nhiều thách thức.

Hiện nay lao động trồng rừng ngập mặn đang thiếu thốn do tính chất không lâu dài, người dân sở tại không mặn mà vì đủ khả năng tự tìm việc làm khác.

Người trên núi… xuống biển trồng rừng

Đợi thủy triều rút, chị Quàng Thị Dung (người dân tộc Thái, ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) nhanh chóng thực hiện phần việc của mình trên bãi đất triều trống, thoăn thoắt chị đã trồng xong một cây Trang (cây ngập nước mặn), cứ như thế người khác trong “Tổ lao động trồng rừng ngập mặn” lại tiếp tục công việc tiếp theo là chăm sóc, dựng lớp bảo vệ giúp cây con đứng thẳng, hiên ngang trước sóng, gió.

“Công việc này được bà con người dân tộc thiểu số chúng tôi gọi vui là thổi hồn cho cây, mọi người nói cây ở biển khó sống, nên các đơn vị thường nói vui với chúng tôi là các chị đang “làm phép” cho cây dễ sống” – chị Dung cười vui vẻ nói.

Trái với lo ngại của nhiều người là tại sao những người dân tộc vùng núi Tây Bắc lại có thể trồng rừng ngập mặn (RNM), trong khi đó họ vốn dĩ nổi tiếng với tục lệ đốt rừng làm nương rẫy, điều đó có vẻ bất hợp lý. Tuy nhiên với những người đồng bào dân tộc này họ đã có kinh nghiệm trồng RNM nhiều năm, được nhiều đơn vị thuê nhân công trồng cây ngập mặn dọc tuyến ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Ninh.

Chị Lường Thị Ngọc (dân tộc Thái, cùng ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La) làm việc ở đây đã một thời gian, kể từ khi có công việc trồng RNM chị có thu nhập đáng kể, có khả năng tự trang trải kinh tế gia đình. Với ngày công 400.000 đồng, chị cho rằng điều này ngoài sức tưởng tượng với bà con, hàng xóm nơi chị sinh sống. Bộc bạch bằng tiếng phổ thông pha chút giọng đặc trưng của người dân tộc Thái, chị Ngọc tâm sự: “Tôi xuống đây làm cũng được một thời gian lâu rồi, thấy làm được nên rủ thêm cả em trai, chị gái xuống làm. Làm ở đây không vất vả như lên núi trồng ngô, trồng sắn mà lại nhận được tiền công luôn trong ngày”.

Cũng cùng một bãi triều, cách đó khoảng 5km, người dân thôn 2 (xã Hải Đông) bắt đầu một ngày mới bằng cách đem theo cuốc, xẻng, xô đi săn bắt sá sùng. Thời điểm này đang là mùa thu hoạch sá sùng nên dễ bắt, các đơn vị thu mua, chế biến sá sùng đến hỗ trợ người dân kỹ thuật bắt, sẵn sàng bỏ tiền mua dụng cụ để phục vụ người dân bắt sá sùng, đồng thời thu mua tại chỗ với số lượng lớn.

Sá sùng là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát pha ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những đồi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun đầy màu sắc trong những hang đá, khe cát ở các bãi sình ven biển Quảng Ninh. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 – 10cm, cá biệt có con dài đến 15 – 40cm, đường kính 20cm, nặng từ 1 đến 3kg. Đến nay, giá của loài này cũng trên 500.000 đồng/kg sá sùng tươi, bởi vậy người dân bản địa chẳng mấy mặn mà với thu nhập từ trồng rừng ngập mặn, thay vào đó họ chọn công việc dễ dàng hơn, thu nhập cao hơn.

Hai sắc thái có phần đối nghịch của người dân bản địa và người dân tộc thiểu số từ các tỉnh vùng cao di cư xuống làm việc tại các địa phương có biển phần nào lý giải về khó khăn trong thị trường lao động của khu vực ven biển nói chung và công việc trồng và phát triển diện tích rừng ngập mặn nói riêng tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong khi đó, trước sự xói lở, biển lấn sâu vào đất liền do biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách của các địa phương này. Việc bảo vệ, mở rộng diện tích rừng trồng ven biển nhằm ngăn mặn, chắn sóng, giảm sự tàn phá của bão gió luôn được đặt lên hàng đầu nhưng nguồn lao động tại chỗ phục vụ công việc này đang thiếu hụt đáng kể.

Rừng ngập mặn ở Quảng Ninh đang có diện tích lớn nhất tại miền Bắc.

Địa phương, doanh nghiệp không mặn mà trồng rừng bởi rủi ro cao

Rừng ngập mặn có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ môi trường đặc biệt là chắn sóng bảo vệ đê biển nhất là khi xảy ra thảm họa sóng thần. Ở vùng ven biển phía Bắc rừng ngập mặn do con người gây trồng chiếm một tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, trong thực tế cho dù ở địa phương đó rất cần thiết phải xây dựng một hệ thống rừng nhằm chắn sóng biển, bảo vệ đê điều, chống sạt lở bờ biển, hạn chế tác hại của gió bão… nhưng không phải chỗ nào cũng có rừng ngập mặn phân bố tự nhiên hoặc việc gây trồng rừng ngập mặn gặp thuận lợi. Để trồng rừng ngập mặn thành công thì khu vực được chọn để trồng phải có điều kiện môi trường thuận lợi cho giống cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển.

Theo tài liệu “Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng ngập mặn trên các điều kiện lập địa khó khăn, góp phần chắn sóng ven biển các tỉnh phía Bắc” của tác giả Đoàn Đình Tam thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng cho thấy: Mặc dù một số loại cây trồng ngập mặn tại các mô hình thí nghiệm nhìn chung có tỷ lệ sống cao (trên 93%), cây trồng sinh trưởng tương đối tốt. Tuy nhiên khi đưa ra trồng tại các địa phương, còn nhiều yếu tác động đến tỷ lệ sống của cây trồng như môi trường đất, nước, phù sa…

Cũng theo ông Đoàn Đình Tam: Diện tích đất có rừng ngập mặn tại Quảng Ninh là lớn nhất với 19.740ha, chiếm 48% diện tích đất ngập mặn của toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn. Hải Phòng là tỉnh có diện tích đất ngập mặn lớn thứ hai với 24.578ha (chiếm 19,3% tổng diện tích đất ngập mặn toàn vùng).

Những con số trên cho thấy các ngành chức năng tại Quảng Ninh đã nỗ lực, cố gắng trong việc bảo vệ, phát triển rừng ven biển, bởi trồng rừng trên cạn đã khó, trồng rừng ngập mặn càng khó khăn hơn rất nhiều. Trồng rừng trên cạn dù kinh phí ít nhưng rủi ro thấp nên nhiều doanh nghiệp trồng rừng xin được làm, còn trồng rừng ngập mặn rủi ro rất cao nên không chỉ địa phương mà các doanh nghiệp được thuê trồng cũng không mặn mà.

Theo ông Dương Ngọc Hưng, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh: Quá trình hình thành rừng ngập mặn cần phải có thời gian, do khả năng thích ứng thấp của cây rừng ngập mặn trước các biến động của thời tiết, thiên tai, thay đổi điều kiện lập địa các bãi triều; diện tích bãi bồi nhỏ, hẹp và có biến động về quy mô, độ mặn thay đổi. Ngoài ra, nguyên nhân khác từ thực tiễn triển khai các dự án bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn là suất đầu tư trồng rừng thấp nên các dự án trước đây chủ yếu trồng cây bằng trụ mầm để giảm chi phí, do đó dễ bị sóng cuốn trôi.

Thực tế, diện tích rừng ngập mặn được trồng chủ yếu là rừng phòng hộ ở khu vực giao thông khó khăn, diện tích manh mún. Mặt khác, đơn giá trồng rừng ngập mặn theo quy định thấp so với chi phí thực tế, song so với chi phí trồng rừng trên cạn lại quá cao (khoảng 246 triệu đồng/ha, cao hơn 6 lần). Đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp phải thực hiện trồng rừng ngập mặn, nhất là đối với các dự án nhỏ lẻ.

“Khi xác định được nguyên nhân trong phát triển trồng rừng ngập mặn, các ngành chức năng đã có những giải pháp đẩy mạnh độ thích nghi của rừng ngập mặn. Tính đến năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện trồng trên 4.000ha rừng ngập mặn. Trong giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến 2030, tỉnh Quảng Ninh đã và đang quan tâm một số giải pháp để khôi phục và phát triển hệ thống rừng ngập mặn ven biển nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan”.
Ông Dương Ngọc Hưng, Sở NN&PTNT Quảng Ninh.

Bài, ảnh: Hà Anh