Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm sẽ giải quyết được nhiều vấn đề còn khúc mắc, nổi cộm

Lương Thủy - 12:18 29/05/2022 GMT+7
Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức ngày 29/5/2022, tại Sơn La.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: D.V

Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ban ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu nông dân tiêu biểu, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.
Hơn 1.600 câu hỏi gửi đến Thủ tướng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí  Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hôii Nông dân Việt Nam khẳng định: Qua 3 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự biến chuyển lớn, được đông đảo nông dân đồng tình. Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.

Hội nghị lần thứ 4 được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp. Điều đó khẳng định sự quan tâm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tầm quan trọng và chiến lược đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Nông nghiệp phải được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông dân là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nông thôn là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết thêm: Qua công tác chuẩn bị Hội nghị đối thoại, T.Ư Hội NDVN đã đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị lần này như sau:

Thứ nhất là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ hai là, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết “4 nhà”, trong đó trọng tâm là phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Thứ ba là, chuyển đổi số trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”, điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

Thứ năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao. Trong thời gian tới, giải pháp, chính sách nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.

Thứ sáu là, chủ trương và khẩu hiệu “sản xuất theo tín hiệu thị trường”, nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Thứ bảy là, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hoá bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, được đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…

Thứ tám là, khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài; thực tế hiện nay cho thấy, các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ chín là, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Thủ tướng chỉ đạo giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc

Phát biểu chỉ đạo định hướng Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ chia sẻ, cảm thông với bà con nông dân nói riêng và nhân dân nói chung trong 2 năm vừa qua phải gồng mình ứng phó với dịch Covid-19. Dù đã cơ bản kiểm soát được đại dịch, tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không được phép lơi là, chủ quan vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tình hình chính trị thế giới hiện nay và dịch bệnh phức tạp ở nhiều nước khiến giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp gia tăng, tác động đến nhiều mặt đời sống của người dân. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng không thể cục bộ, không có nghĩa là tách biệt với thế giới bên ngoài. Thay vào đó, cần chủ động, tích cực hội nhập.

“Chúng ta cần bám sát tình hình thực tiễn khách quan, từ đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết; không thể xa rời thực tiễn. Điều quan trọng nhất là cần có giải pháp để hoá giải khó khăn, thách thức; phát huy nội lực nhằm phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng” - người đứng đầu Chính phủ nhận định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương phải đoàn kết thống nhất, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, sát cánh cùng nông dân khắc phục những khó khăn đang hiện hữu. “Sở dĩ chúng ta vượt qua được khó khăn trong các giai đoạn khác nhau trong lịch sử là nhờ đại đoàn kết dân tộc. Trong thách thức hiện nay, cần chung sức đồng lòng để vượt qua khó khăn...” - Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, 3 cuộc đối thoại trước đây đã mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời kỳ vọng cuộc đối thoại lần 4 này sẽ đạt được nhiều ý nghĩa tích cực. Dù vậy, trong khuôn khổ một cuộc đối thoại, không thể giải quyết được hết, do đó điều quan trọng vẫn là cần phát huy nội lực; tiến tới tri thức hoá người nông dân; đa dạng chuỗi cung ứng nhằm phát triển ổn định, bền vững nền nông nghiệp…

“Mỗi người phải có trách nhiệm trên cương vị của mình, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, cùng nông dân khắc phục những khó khăn, thách thức hiện hữu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm, sẽ có cuộc đối thoại sôi nổi giải quyết được nhiều những vấn đề…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Hội NDVN và tỉnh Sơn La đã có những nỗ lực, cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho Hội nghị lần này. Cuộc đối thoại rất cởi mở, thắng thắn trao đổi nhiều vấn đề, sắp tới nhiều Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được ban hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Qua đối thoại và ý kiến tổng hợp có 10 vấn đề cụ thể cần được giải đáp như tiêu thụ hàng hóa, liên kết các nhà, trong đó nhà doanh nghiệp không thể liên kết với tất cả các hộ nông dân được nên sắp tới có Nghị quyết về xây dựng kinh tế HTX, thành lập HTX để liên kết với nhau để hoạt động hiệu quả. Nhà nước cần có chủ trương đường lối phù hợp, cụ thể hóa chủ trương chính sách, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh đánh gia sát tình hình thực tiễn, kịp thời xử lý; Chuyển đối số, vấn đề tri thức hóa nông dân cần họ tích cực chủ động; giải quyết cạnh tranh đầu tư trong nông nghiệp cần lành mạnh, theo quy luật cung cầu, cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, tận dụng tối đa khả năng của đất nước mình để giải quyết khó khăn; vấn đề việc làm cho lao động nông thôn cần giải quyết...

Thủ tướng cũng đề nghị, Hội nghị cần được tiếp tục duy trì, triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cần đối thoại với nông dân vào tháng 10 – 11 trước khi tiến hành tổng kết năm. Trên có sở đó để kết nối, phân cấp để có những vấn đề nổi cộm cần được tổng kết, giải quyết tình hình phù hợp với từng địa phương, sau đó là Hội nghị với Thủ tướng, làm được như vậy sẽ hiệu quả thiết thực hơn. Các cấp, các ngành quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để hỗ trợ nông dân thực chất và hiệu quả.